Đưa hoạt động ĐTM đi vào thực chất

24/10/2016 00:00

(TN&MT) - Thực tiễn cho thấy, sự tham gia kịp thời và hiệu quả của cộng đồng và các bên liên quan sẽ mang lại lợi ích cho chính nhà đầu tư trong quá trình thực...

(TN&MT) - Thực tiễn cho thấy, sự tham gia kịp thời và hiệu quả của cộng đồng và các bên liên quan sẽ mang lại lợi ích cho chính nhà đầu tư trong quá trình thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) khi triển khai dự án. 
 
Hơn 7.000 báo cáo ĐTM được phê duyệt
 
Theo TS. Mai Thế Toản - Phó Cục trưởng Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT), đến nay, các quy trình, thủ tục thẩm định ĐTM được quy định rõ ràng, minh bạch theo hướng cải cách hành chính, đảm bảo chất lượng của công tác thẩm định. Theo đó, kết quả điều tra chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 7.000 báo cáo ĐTM và 2.500 Đề án BVMT chi tiết (áp dụng đối với dự án đã đi vào vận hành nhưng chưa có ĐTM) đã được thẩm định, phê duyệt.
 
Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm, Bộ TN&MT đã thẩm định khoảng 200 - 250 báo cáo ĐTM; ở cấp tỉnh, số liệu này rất khác nhau, tính trung bình trên toàn quốc mỗi địa phương là 33 - 35 báo cáo ĐTM; các Bộ/ngành thẩm định rất ít từ 1 - 30 báo cáo ĐTM.
 
Việc giám sát BVMT đối với các dự án trọng điểm như dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên, dự án sắt Thạch Khê ở Hà Tĩnh đã được tiến hành một cách chặt chẽ. Từ năm 2005 đến nay, hơn 100 dự án đầu tư trên các lĩnh vực khác nhau đã phải thay đổi địa điểm hoặc không được phê duyệt vì không đảm bảo các yêu cầu về BVMT. Như vậy, có thể thấy, ĐTM trở thành công cụ hữu ích khi gắn trách nhiệm của chủ dự án đối với công tác BVMT. 
 
 Các ý kiến từ cộng đồng sẽ hỗ trợ chủ đầu tư xác định các rủi ro về kinh tế, xã hội và môi trường
Các ý kiến từ cộng đồng sẽ hỗ trợ chủ đầu tư xác định các rủi ro về kinh tế, xã hội và môi trường
 
Cộng đồng - Vai trò trung tâm
 
Hiến pháp 2013 được ban hành có rất nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường và được quy định tại các Điều 43, 50 và 63. Việc quy định tại điều 43 (Chương II quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) đã khẳng định quyền được sống trong môi trường trong lành cũng như nghĩa vụ bảo vệ môi trường của mọi người. 
 
Tiếp đến, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã cụ thể hóa một số nội dung liên quan đến quyền môi trường. Chương II của Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã quy định việc tham vấn trong xây dựng Quy hoạch BVMT và ĐTM. Chương XV cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân dư trong BVMT. Các quyền về tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin, tham gia giám sát thực thi chính sách - pháp luật và phản biện về bảo vệ môi trường đã được quy định tương đối rõ ràng.
 
Thực tiễn cho thấy, sự tham gia kịp thời và hiệu quả của cộng đồng và các bên liên quan sẽ mang lại lợi ích cho chính nhà đầu tư trong quá trình thực hiện ĐTM cũng như khi triển khai dự án. Các ý kiến phản hồi có thể hỗ trợ chủ đầu tư dự án xác định các rủi ro tiềm ẩn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường mà quá trình thiết kế dự án có thể chưa tính đến, đồng thời, gợi mở những phương án ứng phó và giảm thiểu rủi ro.
 
Minh bạch giảm xung đột
 
Hệ thống pháp luật về ĐTM khoa học, toàn diện, có tính thực tiễn và tuân thủ nghiêm minh sẽ giúp Việt Nam loại trừ được những bất cập liên quan đến công tác ĐTM như hiện nay. Tuy vậy, bản chất ĐTM là dự báo, do vậy, khó có thể một báo cáo ĐTM chi tiết đến mức có thể dự báo định lượng và nêu rõ các giải pháp giảm thiểu tất cả các tác động, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án. 
 
Vì vậy, đối với các dự án phức tạp, nhạy cảm về môi trường, cần xem công tác giám sát môi trường sau khi thẩm định ĐTM là yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường của dự án. Điều quan trọng là chủ dự án, cơ quan tư vấn, cơ quan thẩm định, lãnh đạo các cấp cần phải nhận diện các vấn đề phức tạp về môi trường của dự án có thể nảy sinh để quyết định phải giám sát đến mức độ nào đối với dự án đó. 
 
Để rút bớt khoảng cách giữa thực tiễn áp dụng trong nước và chuẩn mực quốc tế, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã có những bước tiến bộ nhất định khi mở rộng đối tượng tham vấn không chỉ bao gồm cộng đồng mà còn các cơ quan, tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Bên cạnh đó, vai trò của cộng đồng và Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp trong phản biện và giám sát các vấn đề môi trường của dự án cũng được tăng cường (Chương XV).  Để cụ thể hóa những nguyên tắc và quy định chung trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 về sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội, Nghị định 18/2015/NĐ-CP4 hướng dẫn về tham vấn trong quá trình lập ĐTM và Nghị định 19/2015/NĐ-CP5 hướng dẫn sự tham gia, giám sát trong công tác BVMT đã được ban hành.
 
Nghị định 18 đã khắc phục những hạn chế của cơ chế “đại diện” trước đây, do vậy, người dân được tham vấn trực tiếp thông qua họp cộng đồng dân cư do chủ đầu tư và UBND xã đồng chủ trì. Hơn nữa, quy trình tham vấn mới cũng bắt đầu xác lập cơ chế thông tin hai chiều khi buộc chủ đầu tư phải “nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn”. 
 
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, ngoài những cơ quan chính quyền như UBND cấp xã, những tổ chức chịu tác động trực tiếp bởi dự án cũng sẽ được tham vấn. Tuy vậy, nhóm đối tượng này cũng chưa được quy định rõ. Để đạt được hiệu quả tham vấn, nhóm này không chỉ bao gồm những tổ chức bị ảnh hưởng về cơ sở vật chất hay ô nhiễm thông thường mà cần mở rộng đối với những cơ quan liên quan thuộc phạm vi chức năng và nhiệm vụ được giao. Theo đó, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp cũng cần được coi là đối tượng tham vấn trong các dự án có liên quan thuộc lĩnh vực hoạt động của tổ chức. 
 
Hướng suy luận này là phù hợp với quy định của Điều 145 Luật Bảo vệ môi trường  2014 khi tổ chức xã hội - nghề nghiệp có quyền được tham vấn đối với dự án có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
 
Phương Anh
 
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa hoạt động ĐTM đi vào thực chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO