Dự án “treo”, dân khổ theo

Xuân Lam| 01/11/2019 07:42

(TN&MT) - Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1997, tổng diện tích 300 ha, trong đó Quảng Nam 190 ha, Đà Nẵng hơn 110 ha. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hơn 20 năm qua, dự án vẫn chưa thể triển khai, khiến người dân trong vùng dự án gặp nhiều khó khăn…

Ông Phan Văn Huyến - Chủ tịch UBND phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam cho biết, 2/3 diện tích quy hoạch của dự án Làng đại học nằm trên diện tích của phường, dự án chưa triển khai xây dựng, kéo dài quá lâu ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Việc định hướng đầu tư các công trình xây dựng giao thông, cơ sở hạ tầng, đời sống người dân ở vùng dự án, gây bức xúc cho nhân dân và khó khăn cho địa phương trong công tác bảo vệ hiện trạng và quản lý đất đai.

Nhà xây dựng trái phép ở dự án Làng đại học Đà Nẵng

Đến nay, dự án mới chỉ triển khai khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng đường bao Làng đại học, tuy nhiên chỉ đền bù và tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng, các hộ bị ảnh hưởng đường bao vẫn chưa được bồi thường thiệt hại và chưa bố trí di dời. Toàn bộ diện tích còn lại thuộc dự án chưa triển khai thực hiện cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và chưa thực hiện kiểm kê bồi thường đất đai.

Tại phường Điện Ngọc, dự án Làng đại học ảnh hưởng tới 4 khối phố gồm Câu Hà, Tứ Hà, Ngọc Vinh và Tứ Ngân, trong đó: Khối phố Câu Hà ảnh hưởng toàn bộ diện tích đất đai với 207 hộ dân; Ngọc Vinh ảnh hưởng 1/3 diện tích, 150 hộ dân; Tứ Hà ảnh hưởng 2/5 diện tích, 250 hộ dân; Tứ Ngân ảnh hưởng ¼ diện tích, 70 hộ dân.

Từ năm 1997 đến nay, người dân không được thực hiện một số quyền sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai như tách thửa, tặng cho, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích sử dụng đất. Người dân trong vùng dự án cũng không được xây dựng, cơi nới nhà cửa, việc cấp giấy phép xây dựng cũng không thể thực hiện.

Ông Huyến cho biết, nhiều hộ gia đình, nếu năm 1997 mới chỉ là 2 thế hệ, nay đã tăng lên 4 thế hệ, vì vậy người dân tự ý xây dựng nhà cửa cho con cái đã lập gia đình, mặc dù địa phương biết nhưng không có cách giải quyết hợp lý vì nhu cầu bức xúc và cần thiết của nhân dân…

Đầu năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam có ban hành một số quy định về việc cấp giấy phép xây dựng tạm thời, nhưng vẫn không thể áp dụng được ở vùng dự án với lý do, dự án Làng đại học đã công bố quy hoạch 20, không thuộc trường hợp quy hoạch chi tiết hay quy hoạch phân khu. Trước những bất cập như trên, tình hình xây dựng trái phép diễn ra vô cùng phức tạp, nhất là thời điểm từ năm 2009 đến 2011.

Tại khối phố Câu Hà và Tứ Hà đã có 406 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đất hoa màu, giao cho nhân dân có thời hạn, đất công ích của phường. UBND phường Điện Ngọc đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt 159 trường hợp,  các trường hợp còn lại không tìm thấy chủ nhà. Đã có 3,9 ha đất bị chiếm dụng xây dựng trái phép. UBND phường đã cưỡng chế tháo dỡ 19 ngôi nhà xây dựng trái phép.

Khối phố Câu Hà, phường Điện Ngọc, giáp ranh với phường Hòa Qúy, Ngũ Hành Sơn, một khu vực phức tạp về tình trạng xây dựng trái phép ở dự án Làng đại học

Từ khi công bố dự án làng đại học đến nay, vùng dự án không cho phép chủ trương đầu tư bê tông hóa giao thông nông thôn, hầu như toàn bộ các tuyến đường giao thông trong 4 khối phố vùng dự án đều xuống cấp, lầy lội ngập úng mỗi khi mùa mưa đến…

Không phức tạp như ở phường Điện Ngọc, nhưng ở phường Hòa Qúy, Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng cũng có hơn 300 hộ dân với diện tích sau khi quy hoach khoảng hơn 70 ha, thuộc thôn Hải An, Hải An 1, gồm các tổ dân phố từ 87 đến 97, nằm trong dự án Làng đại học.

Một cán bộ phụ trách địa chính phường Hòa Qúy cho biết, mặc dù người dân phải sống trong vùng dự án “treo” đã hơn 20 năm, nhưng chính quyền và các ban ngành đã cố gắng tạo điều kiện cho bà con được cung cấp điện, nước đầy đủ, hệ thống đường giao thông được tu sửa, đảm bảo cho người dân di lại thuận lợi. Tuy nhiên, người dân cũng rất mong muốn dự án sớm triển khai để ổn định đời sống mọi mặt về lâu dài…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án “treo”, dân khổ theo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO