Dự án tiền tỷ hủy hoại môi trường

08/10/2014 00:00

(TN&MT) - Khó có thể nói câu chuyện vài năm tới khi nhiều dự án “treo” ở ven biển sẽ gây ra những hậu quả ở Phú Lộc.

(TN&MT) - Hơn 10 năm nay, nhiều dự án du lịch ven biển được đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tuy nhiên, các dự án này đang “treo” dài hạn và hậu quả là dân mất đất sản xuất, rừng và các cồn cát phòng hộ ven biển bị tàn phá nghiêm trọng.
   
  Tại xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) có hàng loạt dự án mang những cái tên hấp dẫn như Thiên Đường, Cõi Niết Bàn, Giấc Mơ, Làng Xanh, Hòa Bình, Hoàng Gia, Phong Phú… trước đây, từng được ồ ạt đăng ký đầu tư để đưa du lịch vào khai thác. Vậy nhưng, thời gian trôi đi các dự án này cứ “treo”, và hệ lụy của nó là các cồn cát phòng hộ ven biển bị tàn phá.
   
Các dự án du lịch này “trùm mền” kéo dài thì rừng phòng hộ trong vùng dự án đã và đang bị chặt phá

  Một trong những thôn có nhiều dự án đi qua là thôn Phú Hải 2 của xã Lộc Vĩnh, nơi có 3 dự án khu du lịch đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép từ nhiều năm trước. Đó là các dự án du lịch Hòa Bình (7,8ha), Thiên Đường (7,6ha) và Khu nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô (hơn 300ha). Đến nay, sau nhiều năm được cấp phép các dự án này vẫn đang trong tình trạng “trùm mền”. Tương tự, tại các thôn Bình An và Đông An, 2 dự án khu phi thuế quan của Công ty Sài Gòn - Chân Mây được cấp phép từ lâu cũng đang “án binh bất động”.

  Riêng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô tại khu rừng dẻ phòng hộ thuộc xã Lộc Vĩnh, sau khi bị Chính phủ “tuýt còi” vì dự án vi phạm vào 250ha rừng, dự án vốn đã “bất động” từ năm 2012 đến nay cũng không có chuyển biến gì. Không những vậy, tại khu vực này, nhiều vụ chặt rừng dẻ xảy ra với mật độ lớn do các nhóm dân địa phương đã xâm hại khá nghiêm trọng vào khu rừng cả trăm năm có nhiệm vụ bảo vệ đất đai, làng mạc phía trong.

  Theo ông Bùi Ngọc Ga - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, có hơn chục vụ chặt rừng, phá rừng bị xử lý. “Người dân có làm bừa khi chặt rừng, trồng xen lấn vào rừng dẻ vì đời sống túng quẫn, chờ quy hoạch treo được tháo gỡ nhưng chẳng thấy đâu. Chúng tôi đã làm bảng nghiêm cấm chặt dẻ, nhưng vì lực lượng mỏng không làm xuể” - ông Ga nói.
   
Tại dự án khu du lịch Thiên Đường, rừng phòng hộ cũng đã bị chặt trụi từ lâu,
chỉ còn lại bãi cát mênh mông

  Đi về dọc con đường từ xã Lộc Vĩnh đến Lăng Cô, một vùng lớn cồn cát ven biển cũng thuộc xã Lộc Vĩnh đã gần như bị san phẳng. Cùng với rừng phi lao, rừng dẻ thì cồn cát khổng lồ lớn trên còn có nhiệm vụ quan trọng chắn cát bay, cát nhảy từ biển vào. Những hố sâu hoắm khoét vào tận chân cồn cát, và có các đường nhỏ dẫn qua một số cồn cát lớn khác, trên còn in đầy dấu chân xe tải lấy cát. Có lẽ chỉ một thời gian ngắn nữa, tình trạng lấy cát tự nhiên trái phép trên sẽ san phẳng các cồn cát - “lá chắn phòng hộ” biển trước thiên tai, gió bão khó lường luôn xảy ra ở đây.

  Cũng theo ông Bùi Ngọc Ga, người dân ở đây cứ tưởng sẽ bị giải tỏa sau khi kiểm kê nên cách đây 3 năm, hầu hết các hộ dân ở thôn Phú Hải 2 đã bán sạch các đàn trâu, bò. Nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi không còn, trong khi việc phát triển trồng trọt bị đình trệ nên kinh tế của người dân tụt dốc. Ngoài người dân thôn Phú Hải 2, hơn 200 hộ dân ở các thôn khác cũng điêu đứng bởi các dự án “treo”. Điều lo nhất hiện nay là nhà cửa của người dân tạm bợ vì không được xây dựng, sửa chữa nên hết sức nguy hiểm khi có mưa bão.

  Cách đó khoảng 2 cây số về phía Bắc là diện tích đất rừng rộng gần 8ha nằm trên các đồi cát được UBND xã Lộc Vĩnh bàn giao cho chủ dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng là Công ty Hòa Bình (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) từ năm 2009 cũng bị "xẻ thịt” từ khá lâu để phục vụ cho hoạt động khai thác cát, chứ không phải để xây dựng dự án du lịch.

  Trong khi các dự án này “trùm mền” kéo dài thì rừng phòng hộ trong vùng dự án đã và đang bị chặt phá. Nghe tin diện tích rừng phòng hộ trên sắp bị khai tử nên nhiều người dân thôn Phú Hải 2 chuyển từ bảo vệ rừng sang phá rừng để thu lợi. Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 5ha rừng bị người dân chặt phá. Tại dự án khu du lịch Thiên Đường, rừng phòng hộ cũng đã bị chặt trụi từ lâu, chỉ còn lại bãi cát mênh mông. Ở dự án khu du lịch Hòa Bình, mặc dù không hề triển khai xây dựng kể từ khi được cấp phép nhưng nhiều đồi cát thuộc khu vực dự án này đã và đang bị tàn phá. Theo người dân nơi đây, ban đêm liên tục có xe tải đến khu vực này xúc cát chở đi nơi khác.

  Khó có thể nói câu chuyện vài năm tới khi hậu quả nhiều dự án “treo” ở ven biển sẽ gây ra những hậu quả gì tiếp ở Phú Lộc. Dự án thì "treo", dân thì kêu, xây dựng cũng không xong, tách thửa cũng không được, địa phương quản lý, giám sát còn quá lỏng lẻo, để lọt nhiều tài nguyên bị lấy ra khỏi địa bàn. 

Bài và ảnh: Xuân Lam
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án tiền tỷ hủy hoại môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO