Đông Nam bộ: Gồng mình vượt qua đại hạn

03/05/2016 00:00

(TN&MT) - Những tháng qua, vùng Đông Nam Bộ như "quay cuồng" trong nắng nóng. Tình hình hạn hán kéo dài, trời không mưa, nông dân các địa phương trong vùng đang...

 

(TN&MT) - Những tháng qua, vùng Đông Nam Bộ như “quay cuồng” trong nắng nóng. Tình hình hạn hán kéo dài, trời không mưa, nông dân các địa phương trong vùng đang đối diện với cảnh nợ nần, tái nghèo khi hàng loạt các loại cây trồng như tiêu, cà phê, cây ăn trái có nguy cơ bị “xóa sổ”. Trước thực trạng đó, chính quyền và nhân dân các tỉnh đã triển khai các phương cách chống hạn.

Hồ Tà Tê, hồ chứa nước ngọt lớn nhất huyện Lộc Ninh (Bình Phước) bị cạn trơ đáy.
Hồ Tà Tê, hồ chứa nước ngọt lớn nhất huyện Lộc Ninh (Bình Phước) bị cạn trơ đáy.

Thiếu nước trầm trọng

Cuối tháng 4, nắng hạn ở vùng biên giới Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) vô cùng khốc liệt, có cảm giác như dễ dàng đốt cháy đồng cỏ. Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Vũ Văn Môn, ngụ ấp 1, xã Lộc Hưng (huyện Lộc Ninh) lúc ban trưa. Ông Môn cho biết từ mùng 6 Tết Nguyên đán Bính Thân cho đến nay, cứ 3 ngày ông lại mua 1 khối nước với giá 50.000 đồng để hai vợ chồng dùng trong sinh hoạt hằng ngày.

Nhà gần quốc lộ 13 nhiều bụi bặm, ấy vậy nhưng ông cũng chẳng dám lấy nước lau chùi. Có bao nhiêu nước rửa chén bát, giặt giũ quần áo, ông tống hết ra mấy chậu cây cảnh đang ủ rũ trước nhà. “Nắng hạn quá chú ạ, nhà không có nước dùng, phải mua của ông Long cách đây hơn mấy cây số chở tới đó, có thời điểm giá nước lên tới 70.000 ngàn đồng/m3 mà vẫn phải mua” – ông Môn phân trần.

Những tưởng chúng tôi là người đi khảo sát để cấp nước sinh hoạt, chị Huỳnh Thị Hoa, hàng xóm của ông Môn cũng hớt ha hớt hải chạy sang tâm sự. Nhà có 3 mẹ con, cứ 2 ngày chị lại phải mua 1 khối nước để dùng. Theo chị Hoa, chưa năm nào nắng hạn như năm nay, chiếc giếng đào sâu 13m của nhà chị mọi năm vẫn có nước đều đều, ấy thế mà năm nay đào sâu thêm 2m nữa vẫn chả có giọt nước nào. Bức bối quá chị đành cắn răng bỏ tiền mua nước về dùng.

Hồ Tà Tê, hồ chứa nước ngọt lớn nhất huyện Lộc Ninh (Bình Phước) bị cạn trơ đáy.
Hồ Tà Tê, hồ chứa nước ngọt lớn nhất huyện Lộc Ninh (Bình Phước) bị cạn trơ đáy.

Chúng tôi tiến sâu vào trung tâm huyện Lộc Ninh, một trong những nơi được đánh giá là “chảo lửa” của đợt khô hạn “đỉnh” ở tỉnh Bình Phước. Các xã Lộc An, Lộc Thành, Lộc Thái, lượng nước ở các hồ đập, sông suối hầu như đã khô cạn. Toàn huyện hiện có 6.179 hộ với 25.683 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Bên cạnh đó, tình hình khô hạn đã khiến 1.847 con trâu, bò trong huyện có nguy cơ thiếu nước uống và đối diện với cái chết. Một vấn đề nóng bỏng khác mà bà con nơi đây đang phải đương đầu, đó chính là tình hình thiếu nước cho cây trồng, mà chủ yếu là các vườn tiêu đang thời kỳ kinh doanh. Nếu tình trạng hạn hán còn kéo dài thêm, huyện Lộc Ninh sẽ mất trắng 760ha tiêu, tương đương số tiền 266 tỷ đồng. Kế đến là 351ha cây ăn quả với trị giá hơn 20 tỷ đồng. Thiếu nước, bà con nông dân như ngồi trên đống lửa.

Tại tỉnh Đồng Nai, tình hình khô hạn cũng căng thẳng không kém. Nắng nóng liên tục trong nhiều tháng đã gây ảnh hưởng nặng nề cho một số cây lâu năm, như cà phê, hồ tiêu. Trong đó, một số vùng cây trồng bị ảnh hưởng nặng do nguồn nước ngầm đang cạn kiệt, như: xã Phú Ngọc, Ngọc Định, La Ngà (huyện Định Quán); xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ); xã Xuân Thọ, Suối Cao (huyện Xuân Lộc)... Lão nông Lê Văn Sang, ngụ xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) ngao ngán than: “Cả chục năm nay, giếng khoan phục vụ nước tưới cho hơn 1.000 trụ tiêu của gia đình tôi lúc nào cũng đầy đủ nguồn nước. Vậy mà vụ tiêu này, nước đang dần cạn kiệt, gia đình phải nín nhịn từng hạt nước tưới mà vẫn không đủ nguồn cung cấp cho trang trại”. Điều lo lắng của của gia đình ông Sang là gần 500 trụ tiêu mới trồng đang có hiện tượng héo dây, lá vàng vì không có nguồn nước tưới. Thiệt hại tiền tỷ là điều dễ nhận thấy.

Xã Lộc Thành (Lộc Ninh, Bình Phước) tổ chức lấy nước cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Xã Lộc Thành (Lộc Ninh, Bình Phước) tổ chức lấy nước cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Muôn cách chống hạn

Trước tình hình khô hạn kéo dài, UBND huyện Lộc Ninh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường đẩy mạnh công tác chống hạn trong mùa khô. Huyện đã trích kinh phí từ nguồn dự phòng với số tiền 1,5 tỷ đồng giao cho Phòng NN-PTNN tổ chức khoan các giếng sâu theo kiểu công nghiệp và mua một số dụng cụ chứa bồn nước. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã làm việc với Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh hỗ trợ 20 xe tải nhỏ để vận chuyển, cấp nước sinh hoạt cho những cụm dân cư thiếu nước sinh hoạt và tưới cây công nghiệp. Ưu tiên cho đợt này là những hộ gia đình nghèo, đời sống khó khăn, không có khả năng mua nước để chống hạn.

Huyện Lộc Ninh đã làm công văn đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí để sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt khu trung tâm xã Lộc Thiện và nạo vét lòng hồ Cầu Trắng, nhằm tăng khả năng tích trữ nước trong mùa khô; đề nghị hỗ trợ kinh phí thi công 40 giếng khoan cấp nước cho 40 cụm dân cư dân tộc thiểu số và một số trường học. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng Phòng NN-PTNN huyện Lộc Ninh cho biết, hơn 1 tháng trở lại đây, huyện đã triển khai công tác chở nước cung cấp cho các hộ dân tộc Stiêng, Khmer và các hộ có hoàn cảnh khó khăn, đã được chính quyền địa phương xác nhận. Cơ bản các hộ khó khăn về nguồn nước đã có nước sạch để dùng.

Người dân vùng biên giới huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đào ao lấy nước tưới cây trồng mùa hạn.
Người dân vùng biên giới huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đào ao lấy nước tưới cây trồng mùa hạn.

Trong khi đó, nông dân tỉnh Đồng Nai đang tìm mọi biện pháp chống thất thoát nước, cứu cây trồng khỏi khô hạn. Các công tác được đưa ra như đào thêm giếng khoan; dùng rơm, lá cây phủ lên gốc tiêu để giữ ẩm cho đất; giăng lưới giảm độ nắng ảnh hưởng lên cây tiêu… Trong đó, các giải pháp tưới tiết kiệm được đặc biệt quan tâm. Cụ thể, ngay cả những hộ đã lắp hệ thống tưới tiết kiệm cũng giảm từ 30 - 40% lượng nước tưới cho cây so với mọi năm. Nhiều hộ chỉ tưới cầm chừng với mục tiêu giữ được vườn cây hồ tiêu, cà phê khỏi chết vì nắng hạn. Tại xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc), để có nguồn nước sinh hoạt và nước tưới cho cả trăm ha tiêu, cộng đồng dân cư đã tự bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư 3km đường ống và máy bơm lấy nước từ sông La Ngà, phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Nắng nóng vẫn đang trải rộng toàn vùng Đông Nam bộ. Các phương cách chống hạn mà những địa phương trong vùng đang triển khai, cho thấy sự nỗ lực “vượt khó” của các cấp chính quyền địa phương và bà con nông dân.

 

Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước, tính đến cuối tháng 4, toàn tỉnh đã có gần 30.000ha cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán. Trong đó, cây công nghiệp dài ngày là 25.557 ha (bao gồm 7.150ha tiêu, 8.025ha cà phê, 7.210ha các loại cây lâu năm khác…). Toàn tỉnh có gần 27.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hơn 1.000 con gia súc thiếu nước uống; diện tích rừng bị cháy do hạn hán là 13ha... Tổng thiệt hại do hạn hán gây ra ước hơn 650 tỷ đồng.

                                                                            

Bài & ảnh: Thục Vy

 

 

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Nam bộ: Gồng mình vượt qua đại hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO