Đồng Hới (Quảng Bình): Lạ lùng chuyện các trường bị ép bỏ VNPT dùng Viettel

24/10/2017 00:00

Dù các trường học đã triển khai ứng dụng CNTT của VNPT hiệu quả, thế nhưng Trưởng phòng giáo dục TP Đồng Hới (Quảng Bình) lại ra văn bản yêu cầu các trường phải chuyển đổi nhà cung cấp ứng dụng CNTT khác.

Yêu cầu chuyển nhà cung cấp CNTT

100% các trường học ở Quảng Bình từ trước tới nay được cung cấp dịch vụ CNTT bởi VNPT Quảng Bình. Thế nhưng, năm học 2017-2018, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Đồng Hới đã có văn bản số 578/PGDĐT ngày 10/10/2017 yêu cầu các trường “Triển khai Cổng thông tin điện tử Portal do Viettel cung cấp”.

Công văn chỉ đạo “Phòng GD&ĐT triển khai hệ thống Cổng thông tin điện tử Portal do Viettel cung cấp nhằm liên thông dữ liệu từ Phòng đến các trường học trên địa bàn. Để triển khai thành công, hiệu quả hệ thống Portal, Phòng yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thực hiện các nội dung như:

Phối hợp với Viettel Quảng Bình lựa chọn giao diện website phù hợp và chuyển đổi nội dung từ website cũ sang website mới. Website của trường sử dụng tên miền con của Phòng GD&ĐT thành phố Đồng Hới, không sử dụng tên miền riêng”.

Việc thay đổi nhà cung cấp dịch vụ CNTT khiến nhiều trường phải mất kinh phí mới (ảnh minh họa)
Việc thay đổi nhà cung cấp dịch vụ CNTT khiến nhiều trường phải mất kinh phí mới (ảnh minh họa)

Trong quá trình triển khai thực hiện, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Đồng Hới yêu cầu các trường khẩn trương hoàn thiện tạo mới, nâng cấp website để kịp thời đưa vào sử dụng, khai thác phục vụ công tác quản lý, điều hành. Thời hạn đến ngày 31/10/2017 các trường phải hoàn thành.

Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT thành phố Đồng Hới đứng ra phối hợp với Viettel Quảng Bình chủ trì tổ chức tập huấn giới thiệu và triển khai sản phẩm Portal cho các trường trên địa bàn thành phố tại hội trường Phòng GD&ĐT Đồng Hới. Thành phần có hiệu trưởng và nhân sự phụ trách quản trị mạng của các trường tham gia.

Việc thay đổi nhà cung cấp CNTT của các trường trên địa bàn Đồng Hới đã gây nên một sự lãng phí lớn về hệ thống CNTT cũ đang hoạt động tốt. Đồng thời chỉ đạo của Trưởng phòng GD&ĐT Đồng Hới đã không căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT Quảng Bình, vi phạm Luật cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ CNTT trong giáo dục.

Vi phạm pháp luật

Làm việc với Phòng GD&ĐT Đồng Hới, bà Trần Thị Sáu-Trưởng phòng cho biết “Văn bản số 578/PGDĐT ngày 10/10/2017 là do bên Viettel soạn thảo, cấp dưới trình lên, nên có thiếu sót là không đưa căn cứ thỏa thuận hợp tác giữa Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình với Viettel vào”.

PV yêu cầu xem thỏa thuận hợp tác giữa Sở GD&ĐT với Viettel Quảng Bình, bà Sáu chỉ cung cấp được văn bản số 1520/SGDĐT-VP của Sở GD&ĐT Quảng Bình về việc “Triển khai miễn phí phần mềm quản lý nhà trường Smat 3.0 năm học 2017-2018”.

Ông Đinh Bá Quang-Phó trưởng Phòng GD&ĐT Đồng Hới cho biết ban hành công văn số 578 bởi “Nhà mạng Viettel Quảng Bình có nhiều hỗ trợ cho các trường nhiều hơn trong ngành giáo dục, họ cung cấp một số đường truyền miễn phí, hoặc hỗ trợ thu một phần phí. Trong khi hệ thống CNTT của nhà cung cấp VNPT từ trước đến nay vẫn dùng, giờ phải nâng cấp tốn nhiều chi phí hơn”(?).

Công văn chỉ đạo gửi các trường của Trưởng phòng GD&ĐT Đồng Hới vi phạm luật cạnh tranh, và phớt lờ chỉ đạo của Sở GD&ĐT Quảng Bình
Công văn chỉ đạo gửi các trường của Trưởng phòng GD&ĐT Đồng Hới vi phạm luật cạnh tranh, và phớt lờ chỉ đạo của Sở GD&ĐT Quảng Bình

 

Phòng GD&ĐT Đồng Hới còn phối hợp tổ chức tập huấn và triển khai sản phẩm CNTT mang tính áp đặt cho các trường trực thuộc
Phòng GD&ĐT Đồng Hới còn phối hợp tổ chức tập huấn và triển khai sản phẩm CNTT mang tính áp đặt cho các trường trực thuộc

Trong khi đó, lãnh đạo Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, nhiều năm nay phía Sở đã ký Thỏa thuận hợp tác với đơn vị VNPT Quảng Bình triển khai ứng dụng CNTT trong nhà trường. Mới nhất là Thỏa thuận hợp tác số 38/TTHT-VNPT-GDĐT ngày 12/5/2017 giữa Sở và đơn vị VNPT. Ngày 21/8/2017, Sở GD&ĐT Quảng Bình có Công văn số 1535/SGDĐT-VP về việc Phối hợp với VNPT Quảng Bình triển khai ứng dụng CNTT trong nhà trường.

Ông Hà Văn Nhân-Chánh văn phòng Sở GD&ĐT nói “Việc triển khai CNTT trong nhà trường, phía Sở có Thỏa thuận hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ CNTT. Bởi thỏa thuận hợp tác với nhiều bên để tránh độc quyền, cũng như có tính cạnh tranh trong phát triển các tiện ích ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, thỏa thuận chứ không áp đặt, bởi điều kiện của mỗi trường có một đặc thù, và sự khác nhau trong việc phát triển CNTT, nên các nhà cung cấp dịch vụ làm việc với các trường cụ thể để triển khai”.

Sau khi xem văn bản số 578/PGDĐT của Phòng GD&ĐT Đồng Hới, ông Hà Văn Nhân cho rằng “Công văn của Sở phát đi hoàn toàn đúng theo quy định và không có tính áp đặt, chỉ có tính thỏa thuận, hợp tác. Để xảy ra việc này là do sự nhận thức của Phòng GD&ĐT Đồng Hới. Bởi nếu làm thế này thì không ổn và lãng phí cho các nhà trường. Tuy nhiên, bây giờ cung cấp dịch vụ có tính cạnh tranh, nếu bên cung cấp dịch vụ chất lượng không tốt, giá không cạnh tranh thì phía nhà trường có quyền cảnh báo, yêu cầu nhà cung cấp phải thay đổi, sửa đổi để đảm bảo quyền lợi”.

Văn bản chỉ đạo của Trưởng Phòng GD&ĐT Đồng Hới ngoài “phớt lờ” chỉ đạo của cấp trên để mang tính áp đặt cho các trường trong triển khai CNTT thì còn vi phạm pháp luật hiện hành. Trong đó, cụ thể vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 điều 6, luật Cạnh tranh năm 2004 về những hành vi cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện.

Về thời gian, Công văn số 578 ký ngày 10/10, và yêu cầu các trường khẩn trương hoàn thiện tạo mới, nâng cấp website và chậm nhất là ngày 31/10 phải hoàn thành, đang làm nhiều trường lúng túng trong triển khai. Vấn đề có hay không “cái bắt tay” giữa Phòng GD&ĐT với nhà cung cấp dịch vụ CNTT đang triển khai cần được Sở GD&ĐT và các ban ngành ở tỉnh Quảng Bình sớm vào cuộc làm rõ.

“Điều 6. Các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước

Cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường:

1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;

3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường;

4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.”

(Trích Luật Cạnh tranh 2004)

Điều 6. Hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập

Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường:

1. Chỉ định mua, bán hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp gây cản trở cạnh tranh trên thị trường hoặc buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật;

3. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp;

4. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường;

5. Hỗ trợ, dành ưu tiên hoặc đưa ra chính sách hỗ trợ, dành ưu tiên bất hợp lý cho một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp, gây tác động tiêu cực tới cạnh tranh trên thị trường;

6. Đưa ra chính sách phân biệt hoặc áp đặt điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ hoặc các điều kiện khác mang tính chất phân biệt giữa các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ cùng loại để tạo lợi thế cạnh tranh cho một hoặc một nhóm doanh nghiệp nhất định;

7. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.

(Trích Dự thảo Luật cạnh tranh 2017)

Theo infonet

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Hới (Quảng Bình): Lạ lùng chuyện các trường bị ép bỏ VNPT dùng Viettel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO