Đồng bằng sông Cửu Long: Kết nối giao thông đường bộ tạo động lực phát triển

Q.Minh| 03/06/2020 17:14

(TN&MT) - Để tăng kết nối vận tải đường bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung phát triển mạng lưới giao thông liên vùng và nối với TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, một số tuyến quốc lộ chưa được đầu tư nâng cấp nên tải trọng hạn chế. Đây được xem là điểm nghẽn lớn nhất trong kết nối giao thương với các vùng cả nước và quốc tế.

Đường chưa nối thông theo quy hoạch

Giao thông vận tải vùng ĐBSCL hiện 4 phương thức vận tải chủ yếu là đường bộ; đường thủy nội địa; đường biển; đường hàng không. Trong đó, hệ thống đường bộ có tổng chiều dài là 44.352 km. Theo Bộ Giao thông vận tải, cả vùng mới chỉ có hơn 40 km đường cao tốc, trong khi có tới 80% khối lượng hàng hóa phải vận chuyển bằng đường bộ tới các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu. Đây được nhận định là hạn chế lớn nhất của vùng, gây ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu phát triển bền vững khu vực.

Mạng đường bộ vùng ĐBSCL hình thành trên cơ sở 5 tuyến trục dọc và các tuyến trục ngang kết nối. Tuy vậy, các tuyến trục dọc chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nối thông theo quy hoạch nên tạo thành những điểm nghẽn, thường xuyên gây ùn tắc giao thông, đặc biệt là các giờ cao điểm và ngày Lễ, Tết.

Giao thông đường bộ là phương thức vận tải quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Điển hình là tuyến Quốc lộ 1 đã được đầu tư cơ bản phù hợp với quy hoạch, còn lại đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (20km) chưa được đầu tư mở rộng. Tuyến cao tốc phía Đông mới hoàn thành 40km từ TP HCM đến Trung Lương, còn đoạn Trung Lương đi Cần Thơ đến nay mới đang triển khai.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đi trùng tuyến N2 chưa được đầu tư và nối thông theo Quy hoạch. Tuyến N1 mới hoàn thành khoảng 90km từ Châu Đốc – Hà Tiên, còn lại chưa được bố trí vốn để triển khai thi công. Trục hành lang ven biển phía Đông còn một số điểm nghẽn thường xuyên ùn tắc giao thông như cầu Rạch Miễu, phà Đại Ngãi….

Các tuyến trục ngang đã cơ bản hình thành, tuy nhiên quy mô và chất lượng đường còn rất hạn chế. Suất đầu tư công trình trong vùng lớn nên mới có một số đoạn tuyến được đầu tư, nâng cấp phù hợp với quy hoạch, như: QL80 đoạn Mỹ Thuận – Vàm Cống; QL91 đoạn Cần Thơ – An Giang; đường Nam Sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp; đường hành lang ven biển phía Nam, một số đoạn trên tuyến QL53, QL54, QL63... Những tuyến đường này hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải của các tỉnh trong vùng.

Theo quy hoạch, hai trục ngang cao tốc: Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu sẽ được xây dựng trong thời gian tới. Các tuyền đường này sẽ góp phần giảm tải giao thông hàng hóa xuất khẩu thông qua các cảng thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, hệ thống đường bộ ven biển qua ĐBSCL có tổng chiều dài là 703,25km, trong đó các đoạn đi trùng với các tuyến quốc lộ chủ yếu tận dụng đường hiện hữu, các đoạn tuyến đi mới, đi trùng với đê biển, trùng với đường địa phương do UBND các tỉnh đầu tư xây dựng.

Hiện nay, UBND tỉnh Long An đang đề nghị bổ sung trục động lực TP.HCM – Long An – Tiền Giang vào Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam (Quốc lộ 50B). Bộ GTVT cơ bản thống nhất về chủ trương và sẽ nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch mạng đường bộ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy nhanh kết nối hạ tầng

Để ĐBSCL có một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bền vững theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, Bộ GTVT đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tập trung nguồn lực cho vùng ĐBSCL. Mục tiêu nhằm tăng cường kết nối giao thông vận tải giữa thành phố HCM với các tỉnh trong vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hoá, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực.

Cầu Rạch Miễu đưa vào sử dụng góp phần tăng cường kết nối trong vùng ĐBSCL - ảnh: nhandan.vn

Với các tuyến cao tốc trục dọc, Bộ kiến nghị Thủ tướng bố trí ngân sách Nhà nước để tiếp tục thi công đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận, đảm bảo tiến độ thông xe trong năm 2020; dự án đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ phấn đấu hoàn thành Quý II năm 2022.

Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Trà Vinh – Hồng Ngự vào quy hoạch mạng đường bộ Việt Nam, trước mắt giai đoạn 2021-2025 cho phép huy động nguồn vốn đầu tư trước đoạn từ An Hữu đến Cao Lãnh kết nối 2 tuyến cao tốc trục dọc phía Đông và phía Tây; bổ sung tuyến trục động lực TP.HCM – Long An – Tiền Giang vào quy hoạch mạng đường bộ quốc gia (tuyến QL50B) theo đề nghị của các địa phương để có cơ sở kêu gọi đầu tư, tăng cường kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL.

Do nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang trục ngang trung tâm của vùng ĐBSCL rất lớn, hai tuyến cao tốc trục ngang cần được kêu gọi nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn trước năm 2030, đảm bảo kết nối đến cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, các cửa khẩu dọc biên giới Campuchia và tuyến đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 1.

Để nối thông tuyến tuyến hành lang phía Đông của vùng ĐBSCL, cầu Đại Ngãi dự kiến sẽ được xây dựng bằng nguồn vay ODA của Nhật Bản; giai đoạn 2021-2025 sẽ xây dựng cầu Rạch Miễu 2 và nâng cấp Quốc lộ 60 qua địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Bộ GTVT cũng đề nghị thành phố Hồ Chí Minh sớm bố trí vốn đầu tư hoàn chỉnh tuyến QL50 trên địa bàn thành phố đến giáp tỉnh Long An (dài 8,5km) để kết nối với tuyến QL50 qua tỉnh Long An và Tiền Giang đã được đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành và địa phương khẩn trương kêu gọi nguồn vốn đầu tư, từng bước hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 thành phố HCM, kết nối thành phố HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ với vùng ĐBSCL.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Kết nối giao thông đường bộ tạo động lực phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO