Đồng bằng sông Cửu Long: Bớt lo hạn mặn

07/08/2018 10:41

(TN&MT) - Năm nay, dự báo lũ lớn khiến nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bớt nỗi lo hạn mặn, tập trung tìm phương án sản xuất vụ Thu - Đông. Các chuyên gia khuyến cáo nên giảm bớt diện tích lúa vụ 3, mở đập đón lũ để tích trữ phù sa cho đồng bằng.

Lũ về đẩy mặn

Trong tháng 7, ĐBSCL đã có lũ tiểu mãn, mực nước lên nhanh do nguồn bổ sung nước dồi dào ở thượng nguồn sông Mê Công. Trong khi An Giang - tỉnh đầu nguồn chịu thiệt hại một số diện tích lúa, hoa màu thì ở Sóc Trăng, lũ về đã đẩy mặn ra khỏi bán đảo Cà Mau, cứu nhiều diện tích cây ăn quả. Đây là quy luật tự nhiên. Lũ lớn, nguồn nước dồi dào sẽ được tích trữ để điều tiết cân bằng đẩy bớt mặn trong mùa khô hạn. Đối với châu thổ ĐBSCL, nhất là khu vực cuối nguồn sông Mê Công, nếu thiếu nước ngọt, các khối mặn sẽ theo nước biển dâng tràn sâu vào nội đồng.

Về phần thiệt hại tại An Giang, chủ yếu các diện tích lúa vùng thấp, trũng nằm ngoài đê bao. Theo Sở NN&PTNT An Giang, nước dâng cao bất thường ở một số diện tích lúa và ở khu vực ngoài đê giáp với Campuchia bị ảnh hưởng. Có 5.000ha phải dùng máy bơm thoát nước làm phát sinh thêm chi phí sản xuất, khoảng 2.000ha bị thiệt hại năng suất 30% và 46 ha mất trắng. Tỉnh đã hỗ trợ gia cố đê bao bảo vệ lúa và hoa màu cho bà con, tạm thời đóng cửa cống đập Tha La, Trà Sư không cho nước tràn vào đồng. Sau khi người dân thu hoạch xong, sẽ mở cống để đón lũ.

ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long bớt lo hạn mặn, tập trung tìm phương án sản xuất vụ Thu - Đông. Ảnh: MH

Theo các chuyên gia, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên có rất nhiều diện tích đê bao khép kín để canh tác lúa 3 vụ, nước không chảy vào được nên các diện tích nhỏ ngoài đê mới ngập sâu như vậy. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng, những năm gần đây, 2 khu vực này đã không phát huy được vai trò “túi trữ nước” cho vùng hạ nguồn Mê Công. Điển hình là đợt lũ lớn gần đây nhất vào năm 2011, lượng nước thực tế đổ về ĐBSCL ít hơn rất nhiều so với mùa lũ năm 2000, nhưng mực nước lại cao hơn và thiệt hại lớn hơn cũng vì nước không còn chỗ chảy.

Chỉ tính riêng Tứ giác Long Xuyên, khả năng trữ nước đã giảm từ 9,2 tỷ m3 xuống còn 4,5 tỷ m3, do diện tích khoảng 1.100km2 ô đê bao khép kín. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta không có 4,7 tỷ m3 nước để đẩy mặn ven biển trong mùa khô. Bên cạnh đó, hệ thống đê bao này phần nào ngăn lượng phù sa vốn đã ít ỏi bồi đắp cho đồng bằng. Hệ quả là tình trạng sạt lở ngày càng lan rộng và độ màu mỡ của đất cũng giảm đáng kể.

Sẵn sàng ứng phó trước tình huống bất ngờ

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long trong tháng 8 sẽ tăng hơn tháng trước và ở mức cao hơn TBNN từ 15 - 20%. Đỉnh lũ năm 2018 xuất hiện vào khoảng nửa đầu tháng 10, ở mức BĐ2 và trên BĐ2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Đây được xem là “lũ đẹp” vì đồng bằng đón lượng nước đủ lớn có thể mang tôm cá về, vệ sinh đồng ruộng, bồi đắp phù sa…

Tại hội nghị công tác thủy lợi phục vụ sản xuất khu vực ĐBSCL, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh nhận định, với mức đỉnh lũ này, về cơ bản hệ thống đê bao, bờ bao trong vùng đáp ứng bảo vệ sản xuất. Tuy vậy, ĐBSCL vẫn phải cảnh giác với các tình huống bất ngờ, bởi dự báo lũ vẫn chưa tính hết được hoạt động từ các thủy điện thượng nguồn sông Mê Công cũng như thời tiết bất thường có thể gây mưa lớn và tăng lượng nước đột ngột trên lưu vực sông. Chính vì vậy, các khu vực chịu ảnh hưởng cả lũ, triều cường và chịu ảnh hưởng mạnh bởi triều cường, cần đề phòng và có giải pháp gia cố các bờ bao xung yếu bảo vệ cuộc sống người dân, bảo vệ sản xuất.

Các địa phương cần rà soát và gia cố các hệ thống đê bao xung yếu, đẩy nhanh thu hoạch diện tích lúa Hè - Thu ở các khu vực ngoài đê, đê bao chưa khép kín. Chỉ xuống giống vụ lúa Thu - Đông ở các vùng có ô bao triệt để, nâng cấp các trạm bơm điện phục vụ tiêu úng để đề phòng khi có sự cố xảy ra. Không trồng lúa ở nơi có đê bao không đảm bảo cao trình, chuyển sang trồng hoa màu hoặc nuôi trồng thủy sản.

Về xâm nhập mặn năm 2018 - 2019, dự báo có khả năng thuộc năm trung bình, diễn biến mặn ở mức ít nghiêm trọng, nhưng cần đề phòng một số thời đoạn dòng chảy về đồng bằng thấp, nên khả năng mặn xâm nhập sâu vẫn có thể xảy ra. Trên hệ thống sông Cửu Long mặn xâm nhập với ranh mặn 4g/l có thể đến 40 - 50 km vào các ngày triều cường. Đối với các vùng cuối nguồn sông Hậu thuộc khu vực ĐBSCL cần có kế hoạch bảo vệ hơn 300.000 ha vườn cây ăn quả, hoa màu; nhất là các diện tích ở các cồn, cù lao dọc theo sông Hậu và sông Tiền. Các vùng cách biển 20 - 30 km khó xuất hiện nước ngọt kể từ cuối tháng 2/2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Bớt lo hạn mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO