Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo chuyên đề “Tái xác định giá trị doanh nghiệp từ khía cạnh môi trường: Những đóng góp của doanh nghiệp hướng tới lộ trình phát thải ròng bằng 0”, diễn ra ngày 27/10 trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022 .
Hội thảo do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VBCSD-VCCI) phối hợp cùng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Dự án Hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định tại Việt Nam (JICA SPI-NDC) phối hợp tổ chức. Đây là diễn đàn chia sẻ, thảo luận giữa các cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội trong nước, quốc tế, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về thúc đẩy xây dựng nền kinh tế phi phát thải, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2030 của Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu cam kết mạnh mẽ tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã hành động rất nhanh chóng và quyết liệt với việc ban hành Quyết định 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, huy động sự vào cuộc của mọi thành phần trong xã hội. Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), điều này cho thấy, hành động ứng phó biến đổi khí hậu, và theo đuổi nền kinh tế xanh đã, đang và sẽ là một trong những trọng tâm ưu tiên trong các chương trình hành động của Chính phủ, từ đó tạo ra sức ép buộc các doanh nghiệp phải chuyển mình, thay đổi để thích ứng kịp thời. Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định, bởi thông qua mô hình sản xuất kinh doanh tuần hoàn, bền vững, doanh nghiệp sẽ đóng góp đáng kể vào giảm phát thải các-bon, hướng tới sản xuất – tiêu dùng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Có cùng quan điểm, Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch VBCSD cho biết việc tăng cường hợp tác công-tư, kết nối hiệu quả nguồn lực của các bên liên quan là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để rút ngắn hành trình đến mục tiêu Net Zero. Nhằm dẫn dắt khối doanh nghiệp tham gia vào quá trình này, VCCI, với hạt nhân là VBCSD đã tích cực thúc đẩy thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, hành động chống biến đổi khí hậu thông qua các sáng kiến Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn, sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên, dự án Khu công nghiệp bền vững… Hằng năm, VBCSD đều tổ chức đánh giá doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam trên cơ sở Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI), với nhiều chỉ số về kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và sản xuất có trách nhiệm.
Tại hội thảo, đại diện Cục Biến đổi khí hậu và Lãnh sự quán Vương quốc Hà Lan đã chia sẻ các quy định pháp lý triển khai kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế của Hà Lan trong kết nối, tối ưu hóa các nguồn lực và tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp để triển khai thành công mô hình kinh tế tuần hoàn. Tọa đàm về “Tăng cường hợp tác công – tư trên hành trình kiến tạo nền kinh tế phi phát thải", các diễn giả khách mời đã cùng chia sẻ, thảo luận về thúc đẩy xây dựng nền kinh tế phi phát thải, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu Net Zero vào năm 2030 của Việt Nam, thực tiễn và kinh nghiệm hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.
Tọa đàm cũng đưa ra những dự báo về tiềm năng triển khai mô hình KTTH tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới; khuyến nghị để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao khả năng tiếp cận và năng lực công nghệ nhằm chuyển đổi sang mô hình KTTH; kinh nghiệm trong kết nối, đẩy mạnh sự tham gia của các mắt xích trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp vào các hoạt động thúc đẩy mô hình KTTH; khuyến nghị để phát triển tốt hơn nguồn tài chính xanh cho các hoạt động hướng tới kinh doanh bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu.
Các đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam cần phải đẩy nhanh triển khai các hành động hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây vừa là trách nhiệm vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp tiên phong sẽ hưởng nhiều lợi thế từ kịp thời nắm bắt sự thay đổi trong các quy định pháp luật, từ việc định vị doanh nghiệp là một thương hiệu xanh phù hợp với nhận thức và tư duy tiêu dùng đang thay đổi của người tiêu dùng, và nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ mới và thâm nhập thị trường mới.