Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đối với nền kinh tế. Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã tê liệt hoàn toàn và ngành bất động sản không nằm ngoài “vòng xoáy”.
Theo Hiệp hội bất động sản TPHCM (Horea), dịch Covid 19 đã làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể doanh nghiệp bị mất thanh khoản. Chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển thành nợ xấu, làm tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động. Đồng thời, làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị rơi vào thua lỗ, phá sản.
Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ hỗ trợ cho ngành Xây dựng. |
"Thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 2 năm qua, nay lại rơi vào tình thế “khó chồng khó”, nên các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này", - Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Horea đánh giá.
Tại Hà Nội, để chống đỡ qua đại dịch Covid 19, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã dừng toàn bộ việc xây dựng, mở bán, cắt giảm nhân viên… để cơ cấu lại doanh nghiệp.
Đại diện Tập đoàn CEO chia sẻ, từ đầu năm 2020, doanh nghiệp đã dừng toàn bộ hoạt động mở bán sản phẩm. Toàn bộ thời gian chỉ để dành cho việc lo thủ tục giấy tờ pháp lý dự án, giải phóng mặt bằng cho các dự án. Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp cũng như mọi cán bộ nhân viên phải suy nghĩ, học hỏi để tìm ra các cách thức, lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ mới để tập đoàn chủ động trong cuộc chơi thách thức hơn.
“Thời điểm này, doanh nghiệp bất động sản rất mong chờ những động thái hỗ trợ từ Chính phủ, chẳng hạn như giảm thuế, miễn khoản đóng bảo hiểm xã hội, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp cho tới khi dịch Covid-19 kết thúc, giảm tiền sử dụng đất, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ…” – đại diện Tập đoàn CEO chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi – Tổng Giám đốc Tập đoàn Euro Windows Holdings kiến nghị, thời gian vừa qua, do tình hình dịch bệnh kéo dài khiến kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế, nhiều đợt mở bán của Eurowindow Holding vừa qua không có nhiều khách hàng đến xem vì các nhà đầu tư đều có tâm lý e ngại dịch bệnh. Do vậy, doanh nghiệp đang rất cần được giải tỏa về vốn.
“Nhiều ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho một số doanh nghiệp nhưng tập trung vào doanh nghiệp sản xuất mà không phải là doanh nghiệp bất động sản. Nếu như Chính phủ có động thái chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp bất động sản thì đây sẽ là giải pháp tốt cho thị trường. Chỉ cần khai thông dòng vốn, có thể tạo ra phản ứng tích cực dây chuyền, giúp các doanh nghiệp chấn chỉnh lại sản xuất, giải quyết nợ nần, ngân hàng giảm nợ xấu”- bà Chi nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn vĩ mô, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định: Dịch bệnh COVID-19 có thể gây thiệt hại tới 160 tỷ USD trên toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng. Bằng việc ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong dịch COVID-19 cho thấy Chính phủ có những động thái quyết liệt và thực tế, các doanh nghiệp bất động sản đặc biệt hưởng lợi.
Doanh nghiệp bất động sản có thể kỳ vọng về việc Chính phủ và các bộ, các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây thực sự là giải pháp vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh. Các Bộ, ngành và địa phương được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, việc giảm thuế có thể tác động tích cực với các doanh nghiệp có lợi nhuận; nhưng không có tác dụng hiệu quả với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Biện pháp kích cầu kinh tế chỉ thực sự làm tốt vai trò của nó khi giúp doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng để đóng thuế và duy trì “sức đề kháng”. Khi COVID-19 qua đi, làm thế nào để doanh nghiệp phát triển trở lại mới là những câu chuyện chính.