Cùng với mối quan tâm chung của xã hội về bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng, số lượng các bài báo đưa tin ngày càng nhiều hơn và phản ánh nhiều góc cạnh của cuộc sống. Mặc dù vậy, cho đến nay, phóng viên có thể “viết sâu” về môi trường không nhiều. Vì sao?
Nhìn thẳng vào vấn đề, chúng ta dễ dàng nhận thấy, quan điểm phát triển bền vững đang được thừa nhận là xu thế phát triển của các quốc gia. Nhưng đối với các nước nghèo hoặc đang phát triển như Việt Nam, từ nhận thức về phát triển bền vững đến hành động vì sự phát triển bền vững là cả một cuộc giằng co “cân não”.
Các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đang nỗ lực đưa ra các quyết sách, công cụ kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế, xử lý ô nhiễm. Và chính quyền địa phương các cấp đã từng bước nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc thực thi pháp luật về vấn đề này. Thế nhưng, trong các trường hợp cụ thể, cần phải ra quyết định, không ít địa phương lại cân nhắc rất lâu và thậm chí, sẵn sàng hy sinh môi trường vì mục tiêu phát triển kinh tế. Bài học ưu tiên phát triển mô hình kinh tế “nâu”, gây hủy hoại môi trường và suy thoái tài nguyên vẫn chưa đến hồi kết.
Nó thực sự trở thành rào cản lớn đối với các cơ quan thông tấn báo chí. Và thực tế, phóng viên môi trường đang bị những cản trở “hữu hình và vô hình” từ tiếp cận thông tin, đến cản trở từ cơ cấu quản lý, khiến cho các sản phẩm báo chí rất khó để có được những thông tin đầy đủ cần thiết như mong đợi. Ngoại trừ các cuộc hội nghị khoa học, hội thảo tham vấn, các cuộc phản biện xã hội, các hoạt động, sự kiện môi trường lớn cần sự ủng hộ của các nhà báo, còn lại phần lớn các đối tượng và đầu mối thông tin về các vấn đề nóng đều “ngại” báo chí.
Khó chồng khó, khi các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan đến vai trò của các cơ quan chức năng, việc tiếp cận của phóng viên càng khó khăn hơn. Chúng ta hãy nhìn từ một dự án thủy điện, khai thác khoáng sản ra đời, không chỉ nhờ chủ đầu tư có tài chính, mà phải được sự đồng ý của cơ quan thẩm định đánh giá tác động môi trường, địa phương đồng ý cấp đất, chấp thuận đầu tư, cơ quan chuyên ngành hoặc địa phương quy hoạch. Cho nên lỗi phá rừng không phải chỉ là do chủ đầu tư mà do các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận đầu tư. Nhưng “bắt được lỗi” của các cơ quan này không hề dễ đối với phóng viên môi trường.
Soi chiếu vào các vụ việc, chúng ta thường thấy, các “đối tượng” phóng viên dễ tiếp cận nhất là các vụ xung đột môi trường giữa cộng đồng dân cư với cơ sở gây ô nhiễm, các hiện tượng cá chết trên các sông suối, các bãi rác thải, hoặc ô nhiễm làng nghề… là những vấn đề “lộ thiên” không bị các rào cản kia ngăn cách.
Đã nhiều lần chúng ta đọc và cảm kích trước hình ảnh những phóng viên môi trường lăn vào rốn lũ, lặn sâu dưới đáy đại dương, đằm mình vào các sự cố môi trường… với khao khát cuối cùng tìm ra sự thật, góp tiếng nói bảo vệ hững giá trị vỹ đại từ Mẹ thiên nhiên ban phát cho nhân loại.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để khẳng định, phóng viên môi trường luôn cháy bỏng tình yêu với nghề và trách nhiệm thông tin với toàn xã hội. Cũng chính tình yêu ấy hòa cùng khát vọng xây dựng tương lai tươi sáng mới đủ sức thuyết phục những phóng viên môi trường bước tiếp những bước chân “không mỏi”.