Những "sứ giả Mắt xanh" của mẹ thiên nhiên trưởng thành từ chuỗi dự án truyền cảm hứng
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt thật sự là ngôi nhà có ngọn lửa ấm, nơi chắp cánh ước mơ cho nhiều bạn trẻ, nhất là những bạn có tấm lòng say mê và trân quý mẹ thiên nhiên.
Tôi gắn bó với Quỹ Vì Tầm Vóc Việt với tư cách một người truyền cảm hứng, một diễn giả, một chuyên gia đào tạo báo chí. Các dự án có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ, được tổ chức chuyên nghiệp và nhân văn của nơi này đã khiến tôi lần nào tham gia cũng thẳng thắn nói với các thành viên của Quỹ: “Tôi đi đâu, làm gì cũng được. Khỏi cần giấy mời, công văn hay hợp đồng làm gì. Bao giờ lên đường?”.
Nhưng qua loa ào ào như tôi là không được. Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ, chị Như Trang và các nhân sự điều hành của Quỹ rất bài bản và chuyên nghiệp: từng slide bài giảng, từng chi tiết trong banner hay từng miếng ăn giấc ngủ của chuyên gia và học viên đều luôn được kiểm tra cẩn trọng, kỹ càng.
Bởi, các bạn trẻ tham gia các dự án như Thanh niên Vì môi trường, Câu lạc bộ Mắt Xanh hoặc các chương trình trải nghiệm và đào tạo trong Vườn Quốc gia Cúc Phương như “Bước chân sinh thái”… hầu hết đều ở tuổi sinh viên. Vài người là phóng viên thì cũng là rất trẻ. Thế nên, việc chỉn chu, chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, quản lý, hướng dẫn các bạn lại càng cần thiết. Nhất là đi hiện trường, vào khu nhốt hổ, gấu, khu cứu hộ linh trưởng hay đi trong rừng đêm khám phá thiên nhiên hoang dã. Một sơ sẩy có thể là tai hoạ. Tất nhiên, các thử thách giữa thiên nhiên đó đã nuôi dưỡng cảm xúc và rèn luyện kĩ năng cho các bạn trẻ rất hiệu quả.
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (gọi tắt là Quỹ) thật sự là ngôi nhà có ngọn lửa ấm, nơi chắp cánh ước mơ cho nhiều bạn trẻ, nhất là những bạn có tấm lòng say mê và trân quý Mẹ Thiên nhiên.
Trần Khánh Linh (Hà Nội, SN 2000), một sinh viên báo chí xuất sắc của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, từ khi còn trên ghế nhà trường đã tham gia các khóa tập huấn của Quỹ. Bạn đi thực tế, lăn lộn, nhập vai như một phóng viên điều tra đích thực, tìm hiểu về nạn phá rừng, nạn tàn sát các loài chim trời ở Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Vĩnh Phúc. Nhiều cuốn sách về chủ đề này đã có tên bạn, có lời tri ân dành cho những nỗ lực không mệt mỏi của bạn. Và bản thân Khánh Linh cũng là tác giả của những bài báo được giải thưởng trong các cuộc thi của Quỹ.
Sau này, Khánh Linh làm việc tại VTV24 - Đài Truyền hình Việt Nam, vẫn với say mê được khơi gợi mạnh mẽ hơn từ sau các khóa tập huấn của Quỹ, Linh tiếp tục gây ấn tượng với các phóng sự về vùng sinh thái ở Hội An, về cung cách làm du lịch bền vững đi đôi với bảo tồn đa dạng sinh học. Nhiều dự án tâm huyết của Khánh Linh đến nay vẫn đang tiếp tục.
Khánh Linh cũng có thời gian làm việc tại dự án Mắt Xanh - Thanh niên vì Môi trường của Quỹ, trước khi đi du học ở Bắc Âu. Đến nay, nhìn bảng thành tích của một bạn trẻ như Khánh Linh, chắc chắn Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và chúng tôi không khỏi cảm thấy tự hào vì đã phần nào đóng góp vào việc nuôi dưỡng tinh thần ham học hỏi và cống hiến của bạn.
Tâm sự về những chiếc “tay nôi” ở Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã giúp mình vươn lên trong các hoạt động và dự án bảo vệ môi trường, Khánh Linh kể: “Ban đầu từ buổi tập huấn về bình đẳng giới cho cán bộ báo chí - truyền thông, tôi đã biết đến vài dự án rất ý nghĩa của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, như dự án “Thanh niên vì môi trường”, dự án ”Thúc đẩy hành động giảm thiểu rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa”.
Tham gia các hoạt động trên, tôi có cơ hội được đến thăm Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, dự hội thảo, đi thực địa, gặp gỡ các cô chú nhiếp ảnh gia chụp chim hoang dã và biết thêm nhiều thông tin về các loài chim di cư trên khắp địa cầu.
Từ đó, tôi có cảm hứng và sự trăn trở để thực hiện các phóng sự điều tra về nạn tàn sát chim trời ở miền Bắc Việt Nam. Tôi cũng được đến làm việc tại cơ sở bảo tồn gấu quy mô lớn tại tỉnh Ninh Bình, hiểu thêm những câu chuyện giải cứu gấu và quá trình chăm sóc những chú gấu sau khi được giải cứu ra sao”.
Cũng trẻ và cũng khao khát khám phá thế giới như Trần Khánh Linh, Hàn Thanh Giang, sinh viên chuyên ngành Marketing, Trường Đại học Thương mại kể về việc mình tham gia Dự án “Mắt Xanh - Thanh niên vì Môi trường” và tiếp đến trở thành thực tập sinh “Thanh niên & Truyền thông tại Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng” (Live&Learn).
Giang đi thực địa tại các nhà máy xử lý chất thải, tìm hiểu về hệ thống năng lượng ra đời từ rác và thảo luận về vai trò của thanh niên trong các vấn đề cấp thiết liên quan đến môi trường… Càng nhận thấy vấn đề bảo vệ môi trường chưa bao giờ phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay, Giang càng thêm quyết tâm được góp phần sức lực dù nhỏ bé để thay đổi thực trạng đó.
Với các đóng góp của mình, Giang được vinh dự đại diện cho những người trẻ yêu môi trường tham gia Diễn đàn Lãnh đạo thanh niên đến từ 11 nước Đông Nam Á. Chính những trải nghiệm này và từ lá thư giới thiệu của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đã giúp em đã có được học bổng trao đổi ngắn hạn tại Hoa Kỳ trong vòng 5 tuần.
Nhớ những ngày tôi “cài cắm” các bạn trẻ trong dự án của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt lên rừng điều tra về buôn gỗ nghiến, ra chợ tìm hiểu về buôn bán chim hoang dã trái phép. Sự đóng góp của các bạn trẻ thật sự rất có ý nghĩa trong hành trình bảo vệ các cánh rừng nguyên sinh quý báu, “tấm áo giáp” giữ gìn sự bình an cho cuộc sống của tất cả chúng ta.
Sau này, các đường dây lâm tặc mà chúng tôi điều tra ở Hà Giang, với sự góp sức của các bạn trẻ yêu môi trường như Nguyễn Bá Khải, Nông Thị Hà, Hà Thu… đều bị xử lý nghiêm khắc. Các tác phẩm báo chí điều tra đã được các giải thưởng như Giải Nhất, giải A, Giải báo chí toàn quốc về Phòng chống Tham nhũng tiêu cực; giải B - Giải báo chí Quốc gia. Ở Vị Xuyên, người trồng hàng trăm héc-ta rừng mấy chục năm qua như anh Đoàn Công Oánh (nhân vật trong loạt bài “Những người an ủi mẹ rừng” mà tôi và nhóm “Mắt Xanh” đã dày công đồng hành) được bảo vệ quyền lợi chính đáng…
Nguyễn Bá Khải nhiệt tình và đặc biệt hoà đồng, Nông Thị Hà là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên ở xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Cô bé nói tiếng mẹ đẻ là tiếng Nùng, lại rất xinh đẹp. Nên hai cô cậu cố gắng thuyết phục con trai chưa vợ của một ông chủ rừng nổi tiếng - cậu này cũng cùng lứa tuổi “trẻ trâu” với hai cháu - ở huyện Vị Xuyên, Hà Giang, rằng đưa chúng em lên rừng, đi bộ cả ngày trong rừng, thực ra là để tìm hiểu về các đường dây khai thác gỗ trái phép. “Em ở thành phố chưa biết rừng nguyên sinh thế nào” - lúc cần, Nông Thị Hà lại nói tiếng Nùng… Thế là, cậu bé ở vùng Tày tỉnh Hà Giang lập tức bị… liêu xiêu. Bảo dẫn đi rừng là cun cút cầm dao phát đi đầu, chiều về ra ao câu cá kẹp bẹ chuối nướng thơm lừng phục vụ.
Hà Thu thì dịu dàng, sinh ra lớn lên ở Hà Nội, ít tiếp xúc núi rừng, nhưng đã phỏng vấn ai thì rất sâu. Và câu chuyện của Thu luôn làm người ta bị thuyết phục. Ba cô cậu, một team, mỗi người một thế mạnh cùng “tam kiếm hợp bích” hỗ trợ chúng tôi điều tra.
“Quỹ Vì Tầm Vóc Việt quản lý mạng lưới Thanh niên vì Môi trường với hàng nghìn thành viên. Điều đặc biệt mà VSF làm được là họ có thể thu hút và thúc đẩy rất nhiều nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi. Đó là điều mà IUCN không thể làm tốt như vậy và do đó, đây là mối quan hệ bổ sung rất tốt và chúng tôi mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa trong tương lai”.
Ông Jake Brunner - Trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam
Nhóm của bạn trẻ Trần Khánh Linh chắc chắn cũng đã có công lớn trong việc phanh phui các đường dây tàn sát chim hoang dã. Sau khi hoàn thành, loạt bài viết của nhóm chúng tôi đã được đặt lên bàn Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bản thân tôi được mời lên nói chuyện với Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học để cùng hoàn thiện dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng phê duyệt. Từ đó, “Cây gậy vàng” (Chỉ thị 04) chưa từng có trong lịch sử Việt Nam về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư đã ra đời. Cụ thể, ngày 17/5/2022, Chính phủ có Chỉ thị 04-CT-TTg: “Một số nhiệm vụ giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam”.
Thấm thoắt, trưởng thành từ Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, nay Phạm Hà Thu (SN 2001) đã là phóng viên đĩnh đạc của Tạp chí Điện tử Bất động sản Việt Nam. Nông Thị Hà công tác tại Công ty Công nghệ Giáo dục Edmicro. Nguyễn Bá Khải, SN 2001 đang là cán bộ Thành đoàn TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Và các bạn vẫn tiếp tục những dự án về bảo vệ môi trường bất cứ khi nào có thể…
Các bạn đã được Quỹ Vì Tầm Vóc Việt đào tạo, tập huấn trong thời gian dài, với các dự án khá quy mô. Quả thật, đây là ngôi nhà có ngọn lửa ấm tình người và những người thầy giỏi giang, tận tụy; là bệ phóng hỗ trợ các bạn cả về kinh phí, kỹ thuật, kinh nghiệm, cả nhiều cơ hội vàng giúp các bạn tham gia các hoạt động xuyên quốc gia. Tôi vẫn bảo, các bạn thật may mắn. Còn các bạn bảo, chúng tôi tự hào vì đã được trưởng thành từ nơi này: Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, với các dự án vì môi trường đầy nhân văn. Các bạn đã học được ở đây một lẽ sống vì cộng đồng./.