Đề nghị xử lý nhà máy mạ kẽm gây ô nhiễm nguồn nước

25/04/2017 00:00

(TN&MT) - Trước việc cá chết hàng loạt và hoa màu thất thu vì nguồn nước ô nhiễm mà Báo TN&MT đã phản ánh trong thời gian qua tại bàu Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP. Đà Nẵng) có công văn gửi Công an tỉnh Quảng Nam về việc tiến hành kiểm tra, xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực trên nghi do nhà máy mạ kẽm nhúng nóng của Công ty T.Đ.T (xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) gây ra.

Trước đó, ngày 3/4 sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo TN&MT về việc cá chết hàng loạt tại bàu Lệ Sơn Nam, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công anh Đà Nẵng) phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang nắm tình hình, thu thập thông tin và thông báo với Cảnh sát Môi trường Quảng Nam để có kế hoạch kiểm tra nhà máy mạ kẽm nhúng nóng của Công ty T.Đ.T nghi xả nước thải ra môi trường gây hiện tượng cá chết.

Cá chết trắng đồng đã xảy ra tại khu vực Bàu Lệ Sơn thuộc xã Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng), khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc trong thời gian qua
Cá chết trắng đồng đã xảy ra tại khu vực Bàu Lệ Sơn thuộc xã Hòa Tiến (Hòa Vang, Đà Nẵng), khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc trong thời gian qua

Sự việc không chỉ dừng lại ở đó, đến ngày 12/4, nhân dân xã Hòa Tiến tiếp tục phản ánh hiện tượng cá chết hàng loạt tại địa chỉ trên, lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát hiện trường tại khu vực cánh đồng nói trên và thu 3 mẫu nước. Một mẫu nước thải tại bàu Lệ Sơn Nam, một mẫu nước tại đồng ruộng khu vực bàu Lệ Sơn Nam (cách mẫu nước thải bàu Lệ Sơn Nam 20m) và một mẫu nước thải tại khu vực thượng nguồn (cách nhà máy kẽm nhúng nóng 20m).

Sau khi kiểm tra hiện trường và có mẫu phân tích, kết quả phân tích mẫu nước thải (căn cứ vào cột B2 QCVN 08-MT/2005/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải) cho thấy, thông số sắt (Fe) thu tại mẫu nước bàu Lệ Sơn Nam vượt quy chuẩn 1,18 lần; tại thượng nguồn nhà máy nhúng kẽm vượt quy chuẩn 1,56 lần. Từ kết quả phân tích mẫu nước thải trên cho thấy thông số sắt tại vị trí lấy mẫu tại hai vị trí này vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép.

Qua khảo sát nguồn nước thủy lợi này, Phòng Cảnh sát môi trường nhận thấy, sau khi chảy về cánh đồng Lệ Sơn Nam thì nguồn nước này chảy vào sông Yên và điểm cuối đổ về sông Cầu Đỏ - là nơi cung cấp nước thải sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Nẵng nên có khả năng ô nhiễm, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Vì vậy, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP. Đà Nẵng đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra, xử lý tình hình nói trên.

Kết quả phân tích mẫu nước thải cho thấy, thông số sắt (Fe) thu tại mẫu nước bàu Lệ Sơn Nam vượt quy chuẩn 1,18 lần; tại thượng nguồn nhà máy nhúng kẽm vượt quy chuẩn 1,56 lần
Kết quả phân tích mẫu nước thải cho thấy, thông số sắt (Fe) thu tại mẫu nước bàu Lệ Sơn Nam vượt quy chuẩn 1,18 lần; tại thượng nguồn nhà máy nhúng kẽm vượt quy chuẩn 1,56 lần

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra thực tế và lấy mẫu nước để phân tích. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, gần khu vực này chỉ có phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty T.Đ.T đang hoạt động có xả nước thải vào mương dẫn nước chảy vào khu vực đồng ruộng của người dân thôn Nam Sơn, Lệ Sơn Nam. Mẫu nước lấy tại kênh dẫn tự nhiên bên cạnh Phân xưởng mạ kẽm nhúng nóng của Công ty T.Đ.T, về thông số sắt: vượt 2,3 lần, kẽm: vượt 2,9 lần so với cột B2, QCVN 08-MT: 2015/BTNMT.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cũng đã đề nghị UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH T.Đ.T, yêu cầu đơn vị phải thực hiện xử lý nước thải sản xuất đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường không để xảy ra tình trạng cá, vịt bị chết như thời gian vừa qua.

Như Báo TN&MT đã thông tin, người dân tại thôn Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) phản ánh có một nhà máy mạ kẽm hoạt động xả nước thải ra môi trường trong thời gian dài làm chết lúa, cá và các sinh vật khác, gây mùi hôi thối. Ông Mai Hồng Lạc - Trưởng thôn Lệ Sơn Nam cho biết, bàu Lệ Sơn là một vựa lúa gần 4 ha nuôi sống cả 3 thôn. Bàu Lệ Sơn không chỉ có trồng lúa mà còn chăn nuôi, đánh bắt cá.

Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP. Đà Nẵng đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra, xử lý
Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP. Đà Nẵng đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra, xử lý

Tuy nhiên, tháng 6/2016 đến nay, khi nước thải từ một nhà máy ở Điện Tiến xả xuống đã gây ô nhiễm nặng, cá chết trắng. Ông Lạc cho biết, cá chết, lúa không thể lên được và người dân cũng không thể nuôi được vịt. Hệ quả kéo theo là ốc bươu vàng phát triển tràn lan. Trong vụ mùa Đông Xuân, nhiều hộ dân trồng lúa ở đây mất trắng.

Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết, người dân thôn Lệ Nam Sơn, Nam Sơn và Lệ Sơn 2 thường xuyên kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri về tình trạng nói trên. Lãnh đạo địa phương cũng đã thường xuyên đến để nắm tình hình và phản ánh lên cấp trên để xử lý. Cơ quan chức năng thành phố cũng đã có kiến nghị đến huyện Điện Bàn, nhưng đến nay ông Tuấn cho biết vẫn chưa có văn bản nào trả lời cho người dân địa phương.

Bài và ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị xử lý nhà máy mạ kẽm gây ô nhiễm nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO