Đầu tư cho khí tượng - tương lai giảm tổn thất

Lưu Nguyên Sơn| 08/04/2021 12:27

(TN&MT) - Thống kê của Tổ chức Khí tượng Thế giới và Ngân hàng Thế giới cho thấy, nếu “đầu tư 1 đồng cho khí tượng thủy văn (KTTV) sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, từ việc giảm thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan xấp xỉ 28 - 30 đồng”, chưa tính đến thiệt hại về sinh mạng con người.

Dữ liệu đầu vào của các ngành kinh tế

Thông tin, dữ liệu KTTV phục vụ đắc lực công tác quản lý, điều hành chính sách, lập chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới 11/17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thuộc Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc đã được Lãnh đạo Việt Nam cùng 192 quốc gia, vùng lãnh thổ thông qua năm 2015.

Theo đánh giá của Tổng cục KTTV, hiện nay trình độ, năng lực của ngành KTTV Việt Nam đã dần tiệm cận vị trí đứng đầu ASEAN. Tổ chức Khí tượng Thế giới đã chọn Tổng cục KTTV Việt Nam là Trung tâm dự báo hỗ trợ khu vực Đông Nam Á về bão, mưa lớn, gió mạnh, dự kiến mở rộng phạm vi hỗ trợ sang lũ, lũ quét. Hoạt động KTTV phục vụ chuyên dùng của các tổ chức, cá nhân được tăng cường với sự xuất hiện của hàng nghìn trạm quan trắc trong khắp các ngành, lĩnh vực.

Các quan trắc viên tác nghiệp trong địa hình khó khăn. Ảnh: Việt Hùng

Thống kê cho thấy, Tổng cục KTTV hiện đang quản lý 310 trạm quan trắc khí tượng bề mặt (bao gồm: trạm nông nghiệp, trạm bức xạ, trạm thủ công, trạm tự động); 27 trạm quan trắc khí tượng trên cao và ra đa thời tiết; 782 trạm đo mưa tự động; 404 trạm quan trắc thủy văn (bao gồm cả trạm thủ công và tự động); 27 trạm quan trắc hải văn và 180 trạm, điểm đo môi trường.

Ngành KTTV luôn đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống máy chủ, thực hiện chế độ trực kỹ thuật 24h/24h đảm bảo hệ thống viễn thông hoạt động thông suốt và thu thập, xử lý, chia sẻ số liệu đầy đủ kịp thời phục vụ dự báo, cảnh báo bão, lũ và truyền tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai thực hiện kết nối và chia sẻ dữ liệu KTTV.

Theo thống kê, chỉ trong 10 năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có 649 đợt thiên tai xảy ra như: Bão, lũ, hạn hán, mưa đá, lốc xoáy, sạt lở; gây thiệt hại khoảng 5,2 tỷ USD, làm khoảng 500 người chết và phá hủy khoảng 470.000 ngôi nhà, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,3% GDP.

Tự động hóa mạng lưới quan trắc

Mạng lưới quan trắc KTTV những năm gần đây đã được đầu tư nâng cấp và tăng về số lượng. Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc thì mật độ trạm vẫn còn thưa, đặc biệt ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Bên cạnh đó, phần lớn các thiết bị đo đạc tại các trạm đều là thiết bị cũ, đo đạc chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Công nghệ tự động đo và truyền số liệu về các trung tâm còn hạn chế.

Với tốc độ phát triển nhanh của kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, nhu cầu thông tin về KTTV đòi hỏi ngày càng tăng, không chỉ xuất phát từ cộng đồng, mà còn xuất phát từ nhiều lĩnh vực ngành nghề của xã hội. Điều này đòi hỏi mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia cần phải có những thay đổi mang tính đột phá cả về số lượng và chất lượng, tự động hóa mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia theo hướng tích hợp tổng thể mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên và môi trường lấy trạm KTTV làm nòng cốt; tăng mật độ trạm đo, điểm đo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, kiện toàn hệ thống ra đa thời tiết theo quy hoạch phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/1/2016  của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là đối với nguồn số liệu khí tượng, hải văn trên biển, đảo.

Trước những đòi hỏi bức thiết của kinh tế - xã hội, ngành KTTV đã triển khai nhiều dự án nhằm tăng cường năng lực quan trắc và truyền tin KTTV. Xây dựng trạm ra đa thời tiết hiện đại mới tại Phù Liễn (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Pha Đin (Lai Châu). Toàn bộ hệ thống ra đa thời tiết trong vài năm tới sẽ hoàn thành việc nâng cấp, bổ sung, có thể phủ sóng toàn bộ đất liền và các vùng biển ven bờ, khu vực biển Quần đảo Trường Sa và Phú Quốc, cho phép giám sát hoạt động của bão, cảnh báo sớm mưa lớn và phát hiện sớm dông sét.

Mục tiêu của ngành KTTV đến năm 2030 là sẽ phát triển đồng bộ mạng lưới trạm tự động quan trắc về khí tượng, thủy văn, hải văn theo hướng tăng dày mật độ các trạm tự động lên 70% so với số lượng hiện có; ưu tiên phát triển tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ xảy ra các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán và xâm nhập mặn.

 

Ông Bùi Đức Tuấn, Giám đốc Đài KTTV khu vực Việt Bắc:

Bổ sung thêm các trạm tại những địa bàn trọng yếu

Do đặc thù của Đài là KTTV khu vực Việt Bắc đều là miền núi, có nhiều núi cao, địa hình bị chia cắt mạnh, có nhiều sông, suối, ngòi… Để có đủ cơ sở dữ liệu, đảm bảo cho công tác dự báo, cảnh báo KTTV, đặc biệt là cảnh báo, dự báo các hình thế thời tiết thủy văn nguy hiểm phục vụ công tác phòng chống thiên tai như mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở… tại địa phương đạt hiệu quả; Đài KTTV khu vực Việt Bắc mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và Tổng cục KTTV phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong việc thực hiện xây mới, nâng cấp các trạm KTTV và môi trường đã quy hoạch. Bổ sung thêm các trạm KTTV tại những huyện chưa có trạm trong quy hoạch theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Song song với việc phát triển mạng lưới cần đầu tư tăng cường đối với hệ thống các trạm KTTV tự động như: quan tâm phát triển phần mềm thu nhận, khai thác số liệu đồng bộ cho tất cả các loại trạm trên toàn mạng lưới; xây dựng các cơ sở dữ liệu KTTV và khai thác cơ sở dữ liệu; đồng bộ hóa số liệu các trạm KTTV tự động của các dự án vào để khai thác và sử dụng số liệu tốt hơn. Đồng thời, cần có nguồn kinh phí để nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin mới, đảm bảo phục vụ truyền nhận và khai thác số liệu KTTV trong tình hình mới.

 

Ông Phạm Thế Thế, Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Bắc:

Đầu tư hệ thống thông tin chuyên ngành hiện đại

Đài KTTV khu vực Tây Bắc mong muốn việc triển khai Quy hoạch mạng lưới trạm theo hướng tự động hóa cao, bảo đảm tính mở, có khả năng lồng ghép, tích hợp, kết nối, chia sẻ với các mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia và mạng lưới KTTV toàn cầu trên cơ sở kế thừa Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia kỳ trước.

Ưu tiên phát triển mới các trạm quan trắc KTTV tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra các loại hình thiên tai nguy hiểm như vùng chịu ảnh hưởng, tác động của bão, vùng có mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, vùng có chế độ nhiệt độ khắc nghiệt để kịp thời cung cấp số liệu phục vụ dự báo KTTV. Đối với địa bàn các tỉnh miển núi, đề nghị bổ sung quy hoạch đảm bảo mạng lưới trạm KTTV quốc gia, mỗi huyện thuộc tỉnh có 1 trạm khí tượng. Các điểm đo mưa độc lập, đề nghị tính toán số lượng phù hợp để đảm bảo số liệu thời gian thực phục vụ công tác dự báo và có tính khả thi khi triển khai, nên quy hoạch mỗi đơn vị cấp xã có từ 1 đến 3 điểm đo mưa (đối với xã có diện tích rộng) độc lập.

Đài KTTV khu vực Tây Bắc mong muốn quy hoạch giai đoạn tới hệ thống thông tin chuyên ngành mới với công nghệ hiện đại nhất sẽ nhanh chóng được đầu tư bằng các nguồn lực ưu tiên để đảm bảo thông tin KTTV thông suốt trong mọi tình huống có mưa lớn, lũ lớn trên địa bàn.

 

Ông Lê Đức Cương, Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Bắc Trung Bộ:

Vị trí đặt trạm cần lấy ý kiến các cơ quan quản lý địa phương

Trên cơ sở thực tế từ các địa phương ở khu vực, khi Nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, hy vọng mạng lưới quan trắc KTTV ở khu vực Bắc Trung Bộ sẽ được quan tâm tăng cường. Cụ thể, tăng dày số lượng trạm KTTV quốc gia với mật độ trạm tương đương các nước trong khu vực và khắc phục được các tồn tại của các quy hoạch trước đây như: Quy hoạch chung mạng lưới trạm KTTV mà chưa tách cho từng loại phương thức quan trắc thủ công hay tự động nên trong quá trình thực hiện việc lựa chọn vị trí đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tối thiểu gặp khó khăn; Một số vị trí quy hoạch đặt trạm thủy văn bị ảnh hưởng bởi các công trình phát triển kinh tế - xã hội trên lưu vực sông...

Để người dân cùng quan tâm đến hoạt động KTTV thì việc lập Quy hoạch chi tiết mạng lưới trạm KTTV cần căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Vị trí quy hoạch đặt trạm cần lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan quản lý tại các địa phương. Bên cạnh đó, để tránh chồng chéo trong Quy hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV phục vụ hiệu quả các mục tiêu thì kế hoạch phát triển mạng lưới KTTV chuyên dùng tại các địa phương và Bộ, ngành cần bám sát và cập nhật cho phù hợp với Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho khí tượng - tương lai giảm tổn thất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO