Đất cằn nở hoa ấm no cho đồng bào Bù Gia Mập

Thục Vy| 15/03/2023 13:26

(TN&MT) - “Trước đây, cứ mỗi mùa khô đến thì lòng người cũng khô héo như cây. Giờ thì khác rồi. Cây xen canh làm cho đất bớt cằn, còn lòng mình thì rất vui vì cán bộ hướng dẫn mình đuổi được cái nghèo rồi”.

Ông Điểu Cách ở thôn Đak Son 2, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập nói thế. Rồi ông chỉ ra rẫy cao su, cạnh đó là ruộng lúa nếp xanh tốt của nhà mình và bảo: “Cứ thế này thì ở đây ai cũng vui, không riêng mình mình đâu”.

anh-1-.jpg
Đồng bào DTTS tại thôn Đak Son 2, xã Phú Văn (huyện Bù Gia Mập) thu hoạch lúa trồng xen canh trong vườn cao su.

Xen canh - mở ra hướng đi mới
Cũng như bao vùng đất khác, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một trong những hiểm họa và thách thức đối với đời sống kinh tế của nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước). Dù là huyện miền núi, vốn có nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhưng trong những năm gần đây, Bù Gia Mập cũng đã ghi nhận nhiều biểu hiện của BĐKH khi lưu lượng nước tăng vào mùa mưa và suy giảm hơn vào mùa khô. Cùng với đó là sạt lở đất, sụt lún, xói mòn, hoang hóa đất, lũ quét, hạn hán gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng khiến đời sống bà con DTTS gặp nhiều khó khăn…

Nhưng, thời tiết cực đoan không làm vơi đi ý chí sinh tồn của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Bằng nhiều nỗ lực, cùng với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, đời sống của đồng bào DTTS đã được cải thiện đáng kể, thậm chí nhiều người trong số đó đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất cằn cỗi. “Cứu tinh” của đồng bào - như ông Điểu Cách nói, đó là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích nghi với tình hình thời tiết và tận dụng đất đai, giúp bà con khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo.

Trong ký ức của những già làng thôn Đăk Son 2, xã Phú Văn, những năm xa rồi, đất ở đây cằn cỗi lắm. Những gốc cao su già nua cho năng suất thấp nhưng chủ không nỡ chặt bỏ, đất dưới gốc cây vì thế cũng không được cải tạo. Thu nhập cứ trông chờ nhỏ giọt vào cây cao su.

Thế nhưng mấy năm gần đây, người dân Đak Son 2 đã quen với hình ảnh những cánh đồng lúa chín vàng nằm thoai thoải dưới sườn đồi. Đặc biệt, những đồng lúa này được trồng xen với cây cao su nhưng vẫn phát triển tốt, hạt mẩy đầy. Ông Điểu Ké, người dân tộc S’tiêng sinh sống tại thôn Đak Son 2 vui vẻ cho biết: “Cán bộ bảo rằng mình có đất mà mình nghèo là mình kém. Vì thế, để cải thiện tình trạng một số vườn cao su già cỗi, năng suất thấp, cán bộ đã trao đổi với chủ vườn về phương pháp tận dụng đất đai để giúp cả chủ vườn, cả bà con cùng thoát nghèo”. Trên những khu vườn đó, chủ vườn đã cho thanh lý và tái canh. Cùng với việc trồng cây mới, chủ vườn đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trong khu vực trồng xen cây lúa để có thêm nguồn thu. Dù lúa chỉ được cho trồng một vụ nhưng bà con nơi đây rất phấn khởi.

Gia đình ông Điểu Cách là một trong những hộ được chủ vườn cao su cho mượn đất tái canh để trồng lúa nếp. Theo ông Cách, với diện tích khoảng 2ha, gia đình ước thu về vài tấn lúa tươi; còn rơm rạ sẽ để khô làm thức ăn cho đàn trâu vào mùa khô. Ông Điểu Cách bảo rằng ông rất vui vì mùa giáp hạt năm nay sẽ không lo thiếu gạo ăn. Mừng hơn là giờ đây, nhiều gia đình trồng lúa đã biết chở rơm rạ về trữ cho trâu, bò ăn hoặc ủ dưới tán cây điều, làm phân hữu cơ chứ không còn bỏ đi hoặc đem đốt như trước.

Hộ gia đình ông Đinh Đức Luấn, người dân tộc Tày ở thôn Đắk Côn, xã Bù Gia Mập cũng là một điển hình thoát nghèo bền vững. Trước đây, vì đời sống khó khăn mà ông cùng vợ con quanh năm suốt tháng đi làm thuê. Ông bảo rõ ràng là mình có hẳn 1ha đất trồng điều, nhưng do chất đất xấu, khô cằn lại không đủ nguồn nước tưới nên vườn điều già cỗi, không đem lại hiệu quả kinh tế, do đó vườn điều gần như bị bỏ mặc.

“Thế rồi chính quyền đã mở ra hướng đi đúng cho tôi, gia đình tôi được vay vốn từ Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Có tiền, tôi bắt tay vào chăm sóc, cải tạo lại vườn điều. Được sự trợ giúp của chính quyền địa phương, tôi đã khoan giếng lấy nước tưới tiêu và sinh hoạt, nuôi bò và trồng xen canh cây tiêu, cà phê. Giờ đây, đàn bò của nhà có 8 con, nhà có máy băm cỏ, vườn tiêu và vườn điều của nhà có đủ nước tưới, lại được chăm đúng kỹ thuật nên cho năng suất cao. Cuộc sống gia đình tôi bây giờ đã khá hơn trước rồi, không còn phải đi cạo mủ cao su thuê, đi nhặt điều nữa. Gia đình tôi biết đã tự làm lụng, sản xuất để cái bụng ai cũng được no”, ông Đinh Đức Luấn vui vẻ chia sẻ.

anh-2-.jpg
Trồng xen canh giúp đồng bào DTTS thoát nghèo.

Đất cằn đã nở hoa
Ông Đinh Đức Luấn vui một thì chính quyền vui mười. Cứ mỗi một gia đình thoát nghèo là thêm một động lực cho chính quyền địa phương và cán bộ thực hiện quyết tâm xóa nghèo trên địa bàn, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS.

Bù Gia Mập là huyện miền núi, biên giới. Nơi đây là điểm cuối đường Trường Sơn huyền thoại. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bù Gia Mập rất tự hào vì đã có nhiều đóng góp cho cách mạng. Có những người con đã trực tiếp cầm súng cầm nỏ tham gia kháng chiến, có những người mẹ người chị che giấu nuôi dưỡng bộ đội, có những người giao liên như Điểu Gia - người dân tộc Stiêng, đã rong ruổi khắp các cánh rừng Bù Gia Mập từ năm 13 tuổi để đưa đón những đoàn quân. Chiến tranh không làm dập tắt được ý chí và màu xanh trên vùng đất này thì thời bình, cái nghèo đói cũng không thể dừng chân mãi được. Phải làm cho sức sống mãnh liệt từ nguồn cội bật dậy.

Nghĩ vậy, nhưng làm là cả một câu chuyện khó khăn. Với khoảng 23 dân tộc ít người cùng sinh sống trên địa bàn và hơn 36% số dân là đồng bào DTTS, tỷ lệ hộ nghèo ở đây khá cao, địa hình, địa chất không thuận lợi, cộng thêm cách nghĩ cũ, cách làm cũ, phong tục tập toán cũ đã in sâu thành nếp trong đồng bào, cũng phải cần thời gian thay đổi.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền các cấp ở địa phương đã vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ, các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để từng bước khắc phục khó khăn, trước mắt là thay đổi cơ cấu cây trồng, phương thức thâm canh. Quá trình đồng hành cùng các xã, thôn và người dân, cán bộ, chính quyền vừa tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức nông nghiệp, vừa tuyên truyền để thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào, lại vừa tham gia vào cả việc thương lượng giữa chủ vườn và những người canh tác trên đó. Bộn bề công việc nhưng chứng kiến sự thay đổi, mọi mệt nhọc lại như bay biến hết.

Hiện nay, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Bù Gia Mập đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều hộ đồng bào DTTS phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế gia đình ổn định có của ăn, của để, xây nhà, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và sinh hoạt gia đình, đầu tư cho con cái học tập…

Như thôn Đắk Son 2, xã Phú Văn là một điển hình. Thôn Đắk Son 2 chủ yếu là đồng bào DTTS  S’tiêng sinh sống (chiếm 82%). Trước đây, nhiều hộ dân thiếu lương thực vào mùa giáp hạt. Giờ đây thôn không còn hộ thiếu đói nữa. Những hộ có hoàn cảnh khó khăn đã được các chủ vườn tạo điều kiện trồng lúa một vụ trên mảnh đất tái canh cây cao su, để có thêm lương thực cho gia đình.

Với Phú Văn cũng vậy, Trưởng thôn Đắk Son 2 - ông Điểu Blách cho biết: “Phú Văn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bù Gia Mập, người dân trồng lúa nước nhưng hiệu quả thấp. Rất may, khi chính quyền trình bày chủ trương trồng lúa xen canh thì được bà con hết sức ủng hộ. Cán bộ cũng có động lực để vừa sát cánh hướng dẫn dân kỹ thuật trồng lúa, vừa thường xuyên nhắc nhở bà con chú ý bảo vệ tốt vườn cây cao su tái canh”.

Việc các chủ rẫy cho mượn đất trồng xen lúa giúp hộ đồng bào DTTS nghèo ở vùng biên Bù Gia Mập xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân đã mở ra một hướng đi mới. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Văn, bà con DTTS trên địa bàn ngoài trồng lúa nước còn trồng thêm lúa trên đồi xen trong rẫy cao su tái canh. Hầu hết lúa bà con trồng xen là đất thuê lại của các hộ có điều kiện kinh tế khá giả. Chăm sóc cây lúa xen canh không làm ảnh hưởng nhiều đến việc chăm sóc cây cao su. Ngược lại, trồng cây lúa còn làm sạch cỏ dại, có tác dụng giữ đất, tránh xói mòn, giảm bớt nhân công làm cỏ cho chủ vườn cao su, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập thêm cho các hộ DTTS.

Thế là đất cằn đã có ngày nở hoa từ sự nỗ lực cố gắng của chính quyền, người dân; từ sự đoàn kết tương thân tương ái của những người có đất và những người thuê canh tác trên đất; từ sự chung tay đoàn kết của đồng bào các dân tộc anh em sinh sống trên vùng đất Bù Gia Mập. Đất nở hoa, lòng người cũng nở hoa trước ấm no hạnh phúc đang đến từng ngày.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất cằn nở hoa ấm no cho đồng bào Bù Gia Mập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO