Quảng Ngãi: Thoát nghèo nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên đất cằn
Nhiều năm qua, chính quyền huyện miền núi Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) định hướng cho người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng. Nhờ hỗ trợ của chính quyền và sự mạnh dạn của đồng bào Cadong, những quả đồi đất đá khô cằn nơi đây đã được phát triển trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế.
“Cây thoát nghèo” mới của đồng bào Cadong
Nhắc đến huyện miền núi Sơn Tây, người ta thường chỉ nghĩ đến những diện tích đất trồng keo kém quả thấp. Đầu năm 2023, UBND huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) đưa vào thử nghiệm mô hình trồng dứa MD2 tại thôn Nước Tang (xã Sơn Bua) trên diện tích 500 m2, quy mô 2.500 cây, mang đến cách nhìn khác đối với vùng thổ nhưỡng này. Đến nay, cây dứa đã “bén duyên” trên vùng đất Sơn Tây với kỳ vọng sẽ mở ra hướng làm ăn mới cho người dân, hình thành vùng chuyên canh dứa đầy tiềm năng.
Hộ gia đình anh Đinh Văn Mong, ở thôn Nước Tang, xã Sơn Bua được tham gia trồng thử nghiệm mô hình trồng Dứa MD2 trên diện tích 500 mét vuông, quy mô 2.500 cây. Sau 18 tháng gieo trồng, hiện nay, cây đang sinh trưởng và phát triển tốt, thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương và đã cho thu hoạch đợt đầu tiên.
Anh Mong cho biết, trong mùa đầu tiên, bình quân mỗi quả có có trọng lượng từ 1-1,5kg, với 2.500 cây thì gia đình anh thu về hơn 3 tấn dứa. Dứa thương phẩm tại vườn có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg thì cùng với tiền bán chồi giống (khoảng 2.000 đồng/chồi), sau khi trừ hết các khoản chi phí như làm đất, nhân công lao động, cây giống, phân bón… người trồng dứa MD2 nơi đây vẫn có lãi khoảng 5,5 triệu đồng/500m2.
“So với cây sắn, cây keo thì cây dứa cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong năm đầu tiên do phải đầu tư chi phí nhiều, nên lợi nhuận thấp hơn, nhưng từ mùa thứ 2 do không phải mất phí mua giống nên lợi nhuận sẽ cao hơn. Sắp đến tôi sẽ nhân rộng ra một số vườn khác để tăng thu nhập cho gia đình”, anh Mong chia sẻ.
Nhận thấy hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình chị Lê Thị Phương, thôn Đắc Trên, xã Sơn Dung đã mạnh dạn đặt 500 cây giống đem về trồng thử trong vườn đồi của gia đình. Đến nay, vườn dứa đã cho thu hoạch mùa thứ 2. Để tận dụng diện tích, chị Phương trồng dứa xen với bưởi, mít để lấy ngắn nuôi dài. Với đất đồi núi thì cách trồng này có ưu thế hơn hẳn trồng chuyên canh bởi giảm được cỏ dại, cho thu nhập đồng thời của nhiều loại cây.
“Cây dứa dễ trồng, ít sâu bệnh, tốn ít công chăm sóc và thích hợp với nhiều vùng đất khác nhau, nhất là vùng gò đồi. Thời gian thu hoạch dứa kéo dài từ 2-3 tháng, nên có thể chủ động đầu ra cho sản phẩm. Từ khi trồng đến khi thu hoạch từ 14-16 tháng, nhưng từ vụ sau thì rút ngắn còn 12 tháng”- chị Phượng chia sẻ.
Mở rộng diện tích
Trên khắp những quả đồi ở huyện miền núi Sơn Tây, những vạt keo kém hiệu quả, những diện tích trồng sắn như đã không còn mà thay vào đó là bạt ngàn những đồi dứa. Xen kẽ giữa những diện tích dứa đang cho thu hoạch là những đồi dứa mà người dân vừa gieo trồng.
Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho rằng: Qua thực tế thí điểm mô hình do huyện thực hiện cũng như một số nông dân trên địa bàn huyện tự thực hiện cho thấy cây dứa MD2 thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng huyện Sơn Tây, có hiệu quả kinh tế. Hiện nay, huyện Sơn Tây đang vận động nhân dân tận dụng chồi giống thu được tiếp tục triển khai trồng lại trên diện tích đã có và nhân diện rộng.
“Để nhân ra diện rộng, huyện đã giao các phòng chức năng và tính toán kỹ, chặt chẽ từ các khâu, trồng, chăm sóc để phát huy hiệu quả mô hình. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân cách trồng, chăm sóc để phát huy hiệu quả kinh tế, từng bước giảm nghèo bền vững cho người dân.
Có thể nói, cây dứa MD2 là một trong những loại cây phù hợp, có triển vọng, mở ra hướng mới cho đồng bào Cadong huyện Sơn Tây chọn để chuyển đổi từ vườn tạp, đất vườn đồi kém hiệu quả, nhằm tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”, ông Giang cho hay.