Đất đai

Tây Ninh: Đất cằn cho trái ngọt

Thục Vy 16/07/2024 - 14:12

(TN&MT) - Nhiều năm qua, chính quyền xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) định hướng cho người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng. Từ sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt là trồng sầu riêng, nhờ đó mà đời sống người dân thay đổi rõ rệt.

image_123650291-4-.jpg
Cây sầu riêng giúp người dân nâng cao thu nhập, làm giàu trên mảnh đất của mình

Làm giàu từ đất
Khoảng một tháng nữa, hơn 3.000 ha sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sẽ bước vào vụ thu hoạch chính. Trong đó, xã Bàu Đồn - được xem là thủ phủ trồng sầu riêng tại Tây Ninh với diện tích lên tới 1.500 ha, người nông dân cũng nhộn nhịp trước mùa vụ mới. Trước đây, khi chưa chuyển đổi sang trồng cây sầu riêng, toàn xã có khoảng 3.000 ha đất sản xuất lúa. Tuy nhiên, do thổ nhưỡng và khí hậu không phù hợp nên năng suất không cao. Nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, chính quyền địa phương đã định hướng và hỗ trợ người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn trái, trong đó có cây sầu riêng.

Từ khi chuyển đổi phần lớn diện tích đất canh tác sang trồng sầu riêng, nhờ chất đất phù hợp, chăm sóc tốt và áp dụng kỹ thuật hiệu quả nên các vườn sầu riêng đều cho trái đạt yêu cầu. Để nâng tầm giá trị nông sản và đầu ra ổn định, nhiều nông dân chủ động thay đổi phương thức sản xuất, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Với mật độ thu hoạch sầu riêng trung bình từ 18 – 20 tấn/ha. Thu nhập bình quân từ 800 – 900 triệu đồng/ha, người trồng sầu riêng thực sự đã làm giàu trên mảnh đất của mình.

Mặc dù chưa tới vụ thu hoạch nhưng vườn sầu riêng của ông Nguyễn Văn Long (xã Bàu Đồn) đã được thương lái vào thu mua hết. Uớc tính 25 tấn trái sầu riêng được mua với giá 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, vườn sầu riêng 1,5ha đem lại lợi nhuận cho gia đình ông hơn 900 triệu đồng. Gắn bó với cây sầu riêng gần 15 năm qua, theo ông Long, so về hiệu quả kinh tế, khó có cây nào bì kịp loại cây ăn trái này.

“Trước đây, đất nhà tôi chủ yếu trồng lúa và hoa màu. Dù cả gia đình có cày cuốc cật lực nhưng may lắm chỉ đủ ăn. Chưa bao giờ tôi dám mơ có ngày sẽ giàu lên với việc làm vườn. Thế nhưng, gia đình tôi đã làm được điều đó. Hiện tại kinh tế của gia đình tôi rất tốt, cũng nhờ vườn sầu riêng”, ông Long chia sẻ.

Cũng như gia đình ông Long, gia đình bà Nga canh tác gần 1 ha sầu riêng ở ấp 7, (xã Bàu Đồn), từ đầu vụ đến nay, thương lái thường xuyên đến hỏi mua trái với mức giá tăng dần. Sầu riêng Ri6 cơm vàng, hạt lép có mức giá tại vườn là trên 45.000 đồng/kg. Sầu riêng Monthong Thái Lan có giá trên 55.000 đồng/kg…

Theo bà Nga, sầu riêng là loại cây khó trồng, kén đất, đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, đầu tư dài hạn (khoảng 5 năm), biết kỹ thuật canh tác, thổ nhưỡng… mới cho ra chất lượng sầu riêng đúng tiêu chuẩn, nên không phải ai cũng trồng được. Mặc dù vậy, cây sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Với giá bình quân khoảng 50.000 đồng/kg, người dân trồng sầu riêng vẫn có thể thu lãi từ 250 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. Trong khi đó, 1 ha cây mì, mía, cây lúa… chỉ cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Hiện xã Bàu Đồn có gần 1.500 ha trồng sầu riêng, thì trong đó có hơn 40ha cây sầu riêng trồng theo chuẩn VietGap và sản phẩm sầu riêng Bàu Đồn đã được cấp giấy chứng nhận OCOP đạt 4 sao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, giúp người nông dân phát triển kinh tế. Qua rà soát, thu nhập bình quân mỗi năm của người dân xã Bàu Đồn đạt hơn 83 triệu đồng.

image_123650291-5-.jpg
Sầu riêng Bàu Đồn có chất lượng trái đồng đều, cơm thơm béo và múi vàng hạt lép nên được tiêu thụ tại nhiều nơi trong cả nước

Hình thành vùng thâm canh
Đạt kết quả phấn khởi trên, nhiều năm qua, Đảng ủy, UBND xã Bàu Đồn đã định hướng cho người dân chuyển đổi cây trồng. Từ sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn và được người dân đồng tình ủng hộ chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái và trồng sầu riêng. Về địa lý, Bàu Đồn có nguồn nước ngọt quanh năm từ các nguồn sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng chảy về nên chất lượng trái đồng đều, cơm thơm béo và múi vàng hạt lép nên được tiêu thụ tại nhiều nơi trong cả nước.

Từ năm 2018, để từng bước tập hợp, liên kết những người trồng sầu riêng trên địa bàn theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiến tới tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững, UBND xã Bàu Đồn đã thành lập các tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái, cây công nghiệp. Khi các tổ hợp tác dần đi vào hoạt động ổn định, địa phương chủ trương sáp nhập các tổ, thành lập Hợp tác xã Cây ăn trái Bàu Đồn. Điều này, nhằm tạo chuỗi liên kết đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng sầu riêng, tổ chức thu mua, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường đầu ra bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, Tây Ninh là vùng thuận lợi để phát triển cây sầu riêng, đặc biệt đối với giống sầu riêng Ri6 và Monthong (sầu riêng dona). Mùa vụ sầu riêng ở Tây Ninh trễ hơn các tỉnh Tây Nam Bộ và sớm hơn Tây Nguyên, nên có thể chủ động trong việc cung ứng cho thị trường.

Hơn nữa, Tây Ninh cũng ít chịu ảnh hưởng do thiên tai bất ngờ, không bị hạn hán, bão lũ thường xuyên. Đặc biệt, Tây Ninh có tầng đất canh tác dày, có nhiều đất thịt, đất đen màu mỡ, thoát nước tốt, hệ thống tưới tiêu được quy hoạch bài bản, nên rất phù hợp để trồng cây sầu riêng. Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh đã tăng mạnh, đạt gần 3.000 ha. Ngành nông nghiệp dự báo đến năm 2025, tổng diện tích trồng sầu riêng của Tây Ninh sẽ phát triển đạt khoảng 5.000 ha, theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm, phục vụ xuất khẩu. Trong đó, xã Bàu Đồn chiếm phần lớn diện tích trồng cây sầu riêng.

Lãnh đạo Sở NN và PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, so với nhu cầu tiêu thụ trái sầu riêng của thị trường trong tỉnh thì diện tích trồng sầu riêng ở Tây Ninh thực sự chưa lớn. Việc chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn là đúng định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển cây sầu riêng phải đúng theo định hướng, phù hợp với thổ nhưỡng và ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết chặt chẽ với các chuỗi cung ứng của thị trường mới cho hiệu quả cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh: Đất cằn cho trái ngọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO