Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, toàn tỉnh có 610 hồ chứa, trong đó có 1 hồ chứa nước quan trọng là hồ Cửa Đạt, do Bộ NN&PTNT quản lý, 29 hồ chứa nước lớn, còn lại là hồ chứa nước nhỏ. Riêng 44 hồ do các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý về cơ bản đã được đầu tư vốn nâng cấp, xử lý thấm phía hạ lưu, sửa chữa tràn, cống lấy nước, bảo đảm an toàn với điều kiện mưa gió diễn ra bình thường theo thiết kế.
Đảm bảo các hệ thống công trình hồ đập, đê điều trong mùa mưa bão |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang khôi phục các công trình thủy lợi, đê điều, nước sạch do mưa bão ở huyện Quan Sơn (6 công trình): 4 công trình đã thi công hoàn thành (Cải tại, sửa chữa đập bản Lầu xã Sơn Hà; đập mương Sa Ná, đập mương Bo Hiềng, xã Na Mèo; đập mương Tân Sơn, xã Sơn Điện); 2 công trình đang thi công (Đập mương Son, xã Na Mèo; đập mương Dò, bản Chanh, xã Sơn Thủy), khối lượng ước đạt 95%. Ở huyện Cẩm Thủy có 2 công trình (đập Dương Huệ, xã Cẩm Phong và hồ Pen Chim, xã Cẩm Thành) đang triển khai thi công, khối lượng ước đạt 30-35%.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã thi công hoàn thành (Xử lý khẩn cấp kè chống sạt lở bảo vệ đê hữu sông Chu đoạn từ K10+350÷K10+750, xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân; Xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở đê hữu sông Chu đoạn từ K34÷K36, xã Minh Tâm, huyện Thiệu Hóa; Xử lý khẩn cấp sạt lở bảo vệ khu dân cư và đê hữu sông Mã đoạn từ K36+700÷ K37+250, xã Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa); còn lại 1 công trình đang hoàn thiện thủ tục để triển khai thi công.
Các tuyến đường huyện, đường xã, đường thôn, bản trên địa bàn huyện Quan Sơn có 3 công trình đã thi công hoàn thành (tuyến đường giao thông nối từ QL16 đi bản Bo Hiềng; sửa chữa đường công vụ từ Đồn Biên phòng Mường Mìn đi đường Tuần tra biên giới, xã Mường Mìn; khắc phục hư hỏng tràn bản Làng, xã Sơn Hà); 2 công trình đang thi công (tuyến đường giao thông từ bản Bo Hiềng đi các bản Sa Ná - bản Son, khối lượng ước đạt 20%; tràn liên hợp bản Sa Ná, xã Na Mèo, khối lượng ước đạt 85%).
Để sẵn sàng đối phó, ngăn chặn có hiệu quả kể cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi có mưa to, lũ lớn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường kiểm tra, rà soát, chủ động khắc phục những tồn tại, bổ sung hoàn tất công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ tổ chức bộ máy chỉ huy, xây dựng các phương án đến chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư dự trữ theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, các huyện ở vùng biển cần rà soát, bổ sung hoàn thiện phương án quản lý phương tiện, kêu gọi tàu thuyền ngoài khơi vào nơi trú ẩn an toàn; phương án cứu hộ, cứu nạn; phương án tổ chức bến bãi neo đậu tàu thuyền vào tránh bão. Phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng làm tốt công tác quản lý ngư dân và phương tiện trước khi ra khơi đánh bắt hải sản; phải có đầy đủ các trang thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh và các phương tiện bảo đảm an toàn cho ngư dân, tàu thuyền đánh cá trên biển mới cho ra khơi đánh bắt.