Tài nguyên

Cùng “hiến kế”, phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông

Phạm Hoài (lược ghi) 27/01/2025 - 06:48

(TN&MT) - Tại Lễ đón nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông lần thứ 2, năm 2024, các chuyên gia, nhà quản lý đã nêu, “hiến kế” nhiều giải pháp nhằm mở ra cơ hội để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn di sản, thúc đẩy du lịch bền vững và tăng cường hợp tác quốc tế... Báo TN&MT trân trọng lược ghi và giới thiệu cùng bạn đọc.

Ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông:

Tập trung phát triển bền vững CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

1.jpg
Ông Hồ Văn Mười -
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là CVĐCTC vào tháng 7/2020, trở thành CVĐCTC thứ ba tại Việt Nam. Danh hiệu này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, đưa tỉnh Đắk Nông chính thức gia nhập Mạng lưới CVĐCTC UNESCO với 213 điểm đến thuộc 48 quốc gia trên thế giới. Đây là niềm vinh dự, tự hào về lòng quyết tâm chính trị cao và những nỗ lực không ngừng của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông trong hành trình vươn đến một thương hiệu quốc tế.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định “Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông” là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương. Theo đó, tỉnh đã thực hiện nghiêm việc bảo tồn cảnh quan, giá trị địa chất, văn hóa, đặc biệt tổ chức các hoạt động truyền thông quảng bá, giáo dục, môi trường, liên kết du lịch và hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của Mạng lưới CVĐCTC. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về công viên địa chất, từng bước nâng cao vị thế của CVĐCTC UNESCO Đắk Nông trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Qua 4 năm xây dựng và phát triển, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông bước đầu đã xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trên 3 tuyến trải nghiệm với 41 điểm đến. “Với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, chúng tôi tự hào xây dựng thương hiệu “Xứ sở của những Âm điệu”, nơi mà mỗi ngọn núi, mỗi dòng sông, mỗi tiếng chiêng cồng đều hòa quyện thành bản giao hưởng kỳ diệu, truyền tải thông điệp về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Đặc biệt, từ khi có công viên địa chất, tổng lượt khách du lịch đến Đắk Nông tăng lên hàng năm, có thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh.

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân địa phương và sự hỗ trợ chuyên môn từ Trung ương và quốc tế, Đắk Nông đã được UNESCO tái công nhận danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2024 - 2027 vào tháng 7/2024. Lễ đón nhận danh hiệu CVĐCTC UNESCO Đắk Nông lần thứ 2 là dịp để khẳng định, ghi nhận nỗ lực, ý chí quyết tâm của hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh Đắk Nông trong việc xây dựng và phát triển CVĐCTC UNESCO.

Để CVĐCTC UNESCO Đắk Nông phát triển bền vững, thời gian tới, Đắk Nông sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ về công tác khoanh vùng bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong khu vực CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Tỉnh ưu tiên quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với các di sản của CVĐC; xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu “CVĐC Đắk Nông - Xứ sở của những Âm điệu”.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông:

CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là hình mẫu để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững

2(1).jpg
Tôn Thị Ngọc Hạnh -
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, mô hình CVĐCTC UNESCO Đắk Nông chính là hình mẫu điển hình để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, kết nối giữa bảo tồn di sản thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững và nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng.

Năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm thành lập Mạng lưới CVĐCTC UNESCO (2004 - 2024). Đến nay, Mạng lưới CVĐCTC UNESCO đã có 213 công viên ở 48 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đây là một hành trình đầy tự hào, thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản địa chất, giáo dục cộng đồng và phát triển bền vững.

CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tự hào là một trong những thành viên của mạng lưới với những giá trị độc đáo về địa chất, văn hóa và hệ sinh thái. Việc UNESCO tái công nhận danh hiệu “CVĐCTC UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2024 - 2027” không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của tỉnh mà còn là động lực để chúng ta tiếp tục hành trình phát triển bền vững, gắn kết các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên với sự bền vững của cộng đồng.

Đắk Nông tổ chức Hội thảo với chủ đề “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững” nhằm thảo luận và làm rõ hơn mối quan hệ giữa CVĐCTC UNESCO Đắk Nông với các mục tiêu phát triển bền vững. Hội thảo đặt ra 3 mục tiêu chính: thảo luận mối quan hệ giữa CVĐCTC UNESCO Đắk Nông và các mục tiêu phát triển bền vững; đề xuất các sáng kiến thúc đẩy du lịch bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ giá trị văn hóa đặc trưng; mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục và nghiên cứu để khai thác tiềm năng của công viên địa chất phục vụ giáo dục và nâng cao ý thức bảo tồn.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông không chỉ là một di sản địa chất quý giá mà còn là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và tăng cường ý thức cộng đồng. Các tham luận và thảo luận đã làm nổi bật vai trò của Công viên địa chất trong việc hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 với các mục tiêuphát biểu bền vững từ bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, đến phát triển du lịch bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân.

Ngoài ra, Hội thảo cũng tìm ra các sáng kiến và giải pháp sáng tạo để thúc đẩy du lịch bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ những giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc. Hội thảo này sẽ là một diễn đàn quý giá để chia sẻ tri thức, sáng kiến và tầm nhìn. Đặc biệt, đây là dịp để mở rộng kết nối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, nhất là các trường đại học, các viện nghiên cứu nhằm khai thác tối đa tiềm năng của công viên địa chất, phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục, hướng tới xây dựng một cộng đồng trẻ có trách nhiệm và ý thức sâu sắc về vai trò của mình trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Danh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô:

Cần đồng bộ các giải pháp phù hợp

anh-5.jpg
Ông Nguyễn Xuân Danh -
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô

Tiềm năng, lợi thế rất lớn, nhưng thực tế, du lịch của huyện Krông Nô phát triển chưa tương xứng. Việc kêu gọi thu hút đầu tư về du lịch thiếu đột phá. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Các dịch vụ lưu trú, thương mại chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực chất lượng cao về du lịch còn thiếu. Chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển…

Do đó, thời gian tới, để thúc đẩy, khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, địa phương sẽ tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, huyện tiếp tục đẩy mạnh truyền thông để quảng bá thu hút đầu tư, khách du lịch; phát huy tiềm năng lợi thế dựa trên các nền tảng số. Địa phương tiếp tục đầu tư, đưa vào hoạt động trung tâm thông tin để giới thiệu, quảng bá hình ảnh CVĐCTC UNESCO Đắk Nông đến du khách trong và ngoài nước; nâng cấp tuyến đi bộ lên đỉnh núi lửa Nâm Kar phục vụ việc tham quan, khảo sát. Việc đưa ra các giải pháp khai thác tạm thời hệ thống hang động, núi lửa gắn bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc cũng được chú trọng.

Bên cạnh đó, huyện Krông sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh, xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch; đầu tư nâng cấp, mở rộng các điểm dừng chân trong tuyến Trường ca của Lửa và Nước. Quy hoạch toàn bộ diện tích hồ Easnô thành một vùng liên kết với điểm số 10 phục vụ công tác phát triển du lịch về lâu dài; tận dụng diện tích rừng đặc dụng Đray Sáp đưa vào khai thác du lịch.

Địa phương cũng sẽ đầu tư xây dựng trạm dừng chân trước hang C3, C4; nâng cấp đường từ hang C6.1 đến hang C7 và từ hang C7 đến suối nước trong (Hố Da, xã Nam Đà), đường vào hang C8, C9 và thiết kế hệ thống cầu thang lên xuống hang, bãi đỗ xe vào cụm hang P11 một cách phù hợp với quy định về bảo vệ di tích nhằm phục vụ du khách. Công tác chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch tiếp tục được quan tâm. Cùng với đó, địa phương sẽ triển khai hệ thống ứng dụng QR Code trong thông tin, giới thiệu các điểm tham quan, dịch vụ du lịch; xây dựng các trang mạng xã hội phù hợp với từng thị trường khách du lịch…

Ngoài ra, với lợi thế về nông nghiệp, huyện Krông Nô sẽ tiếp tục triển khai xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, phát triển sản phẩm OCOP có lợi thế để phục vụ phát triển du lịch; thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường, nhất là tài nguyên, di chỉ, di sản thuộc vùng lõi CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tiếp tục được tăng cường…

Bà Đỗ Thị Yến Ngọc - Trung tâm Karst và Di sản Địa chất Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản:

Để phát triển bền vững, nhiều mục tiêu cần được ưu tiên

anh-4-ok.jpg
Đỗ Thị Yến Ngọc -
Trung tâm Karst và Di sản Địa chất Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã vạch ra con đường rõ ràng để hướng đến một thế giới công bằng, bao trùm và hài hòa với thiên nhiên. 17 mục tiêu này gồm 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu, hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh, bảo đảm mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030.

Từ những bộ tiêu chí này và dựa trên đặc thù của địa phương, Đắk Nông cần chú trọng 10 lĩnh vực ưu tiên của Mạng lưới CVĐCTC UNESCO. Đặc biệt, tỉnh Đắk Nông cần ưu tiên khoanh vùng bảo tồn di sản (bao gồm di sản địa chất, văn hóa, đa dạng sinh học) tuân theo các quy định của Luật Di sản văn hóa.

Trong đó xác định, khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt; bao quanh khu 1; bao quanh khu 2 (khu bảo vệ cảnh quan, nơi diễn ra các hoạt động phát triển bền vững); hành lang bảo vệ cảnh quan được xác định dọc theo các tuyến đường quan trọng. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông cần tìm kiếm sự đồng thuận của các bên liên quan khi có xung đột giữa phát triển (ví dụ: khai thác mỏ, các dự án đầu tư khác) và bảo tồn; bản đồ khoanh vùng bảo tồn di sản phải được UBND tỉnh phê duyệt và công bố trước khi đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông cần chú trọng giáo dục, văn hóa và tri thức bản địa. CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là nơi sinh sống của hơn 40 dân tộc, trong đó có 3 dân tộc bản địa là Mnông, Ê đê và Mạ. Các dân tộc này hiện lưu giữ nhiều truyền thống, phong tục, tập quán, kỹ năng, trang phục, lễ hội... (gọi chung là tri thức bản địa) độc đáo, bản sắc. Đây chính là nguồn tài nguyên quý của tỉnh, của Việt Nam nói riêng và của cả Mạng lưới CVĐCTC UNESCO nói chung.

Cùng với đó, Đắk Nông thực hiện nghiêm việc bảo tồn cảnh quan, giá trị địa chất, văn hóa, đặc biệt tổ chức các hoạt động truyền thông quảng bá, giáo dục, môi trường, liên kết du lịch và hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của Mạng lưới CVĐCTC. Tỉnh Đắk Nông đã và đang nỗ lực gìn giữ và phát huy giá trị, rất cần tiếp tục công tác này cho các thế hệ hiện tại và cả mai sau”. Đắk Nông cần sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững…

Ông Nguyễn Khắc Anh - Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở VH,TT&DL tỉnh Đắk Nông:

Khơi dậy tiềm năng du lịch nông nghiệp sinh thái tại vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông

anh-6.jpg
Ông Nguyễn Khắc Anh -
Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở VH,TT&DL tỉnh Đắk Nông:

Đắk Nông giàu tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, nhất là du lịch canh nông, du lịch nông trại gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Toàn tỉnh hiện có 44 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn phục vụ du lịch. Các mô hình này không những mang lại những trải

nghiệm mới mẻ đối với du khách mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu và tạo đầu ra cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch du lịch canh nông, du lịch nông trại của tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức để phát triển bền vững như hạ tầng giao thông chưa phát triển; các mô hình trang trại chưa khai thác giá trị tổng hợp liên ngành, nguồn nhân lực về du lịch nông nghiệp thiếu… để phát triển du lịch canh nông, du lịch nông trại gắn với CVĐCTC UNESCO Đắk Nông, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch. Trung ương, địa phương có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, thu hút đầu tư.

Bên cạnh xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng gắn phát triển du lịch nông thôn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, địa phương cần tập trung phát triển Khu du lịch Tà Đùng và vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông trở thành khu du lịch cấp quốc gia và là điểm đến hấp dẫn của khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, địa phương cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh liên kết, phát triển du lịch với các địa phương khác có thế mạnh để phát triển du lịch nông nghiệp; xây dựng các tuyến du lịch gắn với CVĐCTC nâng cao chất lượng và phát triển đa dạng các dịch vụ du lịch canh nông; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử…

Phát triển du lịch cộng đồng là giải pháp quan trọng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của di sản địa chất CVĐCTC Đắk Nông. Để có thể tập hợp lực lượng, xây dựng chiến lược và từng bước đưa cộng đồng địa phương vào hoạt động một cách hiệu quả, thiết thực, một số Hợp tác xã (HTX). Điển hình, như HTX Nâm Blang đề xuất địa phương xin khai thác, vận hành điểm dừng chân số 9 - Thung lũng mặt trời mọc tại địa bàn xã Nâm Nđir tiến tới xây dựng mô hình du lịch cộng đồng xã Nâm Nđir đạt tiêu chuẩn OCOP.

Đồng thời, HTX Nâm Blang cũng đề xuất phương án, tư vấn và hướng dẫn cộng đồng các xã Buôn Choáh, Đắk Drô, Đắk Sôr, Nam Đà, Quảng Phú thực hiện việc quản lý và phát huy hiệu quả giá trị di sản cảnh quan núi lửa Nâm Blang và hệ thống hang động núi lửa trên địa bàn theo Quyết định số 3079 ngày 26/10/2023 của UBND huyện Krông Nô…

Bà Lê Thị Hồng Vân - Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO:

Đắk Nông cần bảo tồn, phát huy di sản, giá trị công viên địa chất

anh-3.jpg
Lê Thị Hồng Vân -
Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO

Đến với Đắk Nông, tôi cảm nhận được vẻ đẹp, giá trị toàn cầu, cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và bề dày lịch sử văn hóa của địa phương. Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm, sự cam kết và nỗ lực chung tay hướng tới các giá trị bền vững của tỉnh Đắk Nông. Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã vạch ra con đường rõ ràng để cùng hướng đến một thế giới công bằng, bao trùm và hài hòa với thiên nhiên. Việt Nam với sự nghiêm túc và cam kết mạnh mẽ đã và đang triển khai đồng bộ các hành động để hiện thực hóa các mục tiêu này. CVĐCTC UNESCO được xem như một hình mẫu điển hình để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó chú trọng kết nối giữa bảo tồn di sản thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững và nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng.

Theo Quy hoạch này, Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa đặc trưng và CVĐCTC UNESCO Đắk Nông. Đắk Nông cũng đang nỗ lực để đạt mục tiêu “tỉnh mạnh, dân giàu, thiên nhiên tươi đẹp, xã hội nghĩa tình”. Do đó, bảo tồn, phát huy di sản, giá trị CVĐCTC gắn với phát triển du lịch bền vững là hướng đi đúng đắn để góp phần hiện thực hóa mục tiêu này.

Tôi đánh giá cao việc UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh với chủ đề “CVĐCTC UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững”. Đồng thời mong muốn, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đề xuất những ý kiến, giải pháp hiệu quả về công tác quản lý Nhà nước, bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa chất, khơi dậy tiềm năng của CVĐCTC, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững...

Ngoài ra, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông có hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á, có di chỉ khảo cổ người tiền sử rất hiếm gặp trong các hang động núi lửa trên thế giới. Cùng với những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc bản địa và các danh thắng nổi tiếng, hệ động thực vật đa dạng, CVĐCTC UNESCO Đắk Nông có tiềm năng về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, khám phá.

Để khai thác, phát huy tiềm năng du lịch cộng đồng, UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Công viên địa chất núi lửa Krông Nô. Tỉnh triển khai các nội dung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, mô hình du lịch cộng đồng, kết nối tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cùng “hiến kế”, phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO