Công ty Cổ phần tinh bột sắn Ea Kar nhận chuyển nhượng từ Công ty Cổ phần lương thực vật tư nông nghiệp Đăk Lăk, nhưng đến nay vẫn giữ nguyên bảng hiệu của đơn vị cũ |
Kết luận thanh tra số 1266/KL-STNMT ngày 20/5/2020 của Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đăk Lăk về việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn - Công ty Cổ phần tinh bột sắn Ea Kar đã xác định những sai phạm của đơn vị này.
Về lĩnh vực đất đai: Công ty Cổ phần tinh bột sắn Ea Kar kể từ khi nhận chuyển nhượng chưa đăng ký biến động về đất đai và ký phụ lục Hợp đồng thuê đất về việc điều chỉnh tên tổ chức sử dụng đất theo quy định.
Về lĩnh vực tài nguyên nước: Công ty Cổ phần tinh bột sắn Ea Kar chưa lập hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép tài nguyên nước (do nhận chuyển nhượng làm thay đổi chủ quản lý, vận hành công trình khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước).
Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị chưa lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục nên không xác định được lượng nước xả thải/ngày đêm và nước thải sau khi xử lý được xả ra nguồn tiếp nhận là sông Krông H’năng, với phương thức tự chảy theo mương dẫn. Quá trình hoạt động, đơn vị đã khai thác sử dụng nước mặt sông Krông H’năng phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhà máy; khai thác, sử dụng nước giếng khoan (01 giếng) phục vụ cho sinh hoạt nhưng chưa đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ vào Kết luận thanh tra, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đăk Lăk đề xuất kiến nghị: Yêu cầu Công ty Cổ phần tinh bột sắn Ea Kar khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế đã nêu trên; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và các quy định pháp luật khác có liên quan trong hoạt động sản xuất, chế biến tinh bột sắn.
Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đăng ký biến động về đất đai và ký phụ lục Hợp đồng thuê đất về việc điều chỉnh tên tổ chức sử dụng đất theo quy định. Lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền tải dữ liệu về Sở Tài nguyên & Môi trường để giám sát, theo dõi; thời gian thực hiện trong quý III năm 2020. Lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để đăng ký khai thác, sử dụng nước dưới đất. Báo cáo với cơ quan đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường về tình hình mua bán, chuyển nhượng dự án để điều chỉnh tên của các loại giấy phép môi trường theo quy định.
Công ty Cổ phần tinh bột sắn Ea Kar nghiêm túc thực hiện các nội dung nêu trên và báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản gửi về Sở Tài nguyên & Môi trường trước ngày 30/6/2020 để theo dõi, giám sát.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Đăk Lăk còn đề nghị UBND huyện Ea Kar tăng cường giám sát hoạt động của Nhà máy chế biến tinh bột sắn - Công ty Cổ phần tinh bột sắn Ea Kar.
PV Báo Tài nguyên & Môi trường đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần tinh bột sắn Ea Kar |
Qua buổi làm việc của PV Báo Tài nguyên & Môi trường với lãnh đạo Công ty Cổ phần tinh bột sắn Ea Kar, thì được biết công ty đang hoàn thiện thủ tục đăng ký biến động về đất đai và đang trình tỉnh Đăk Lăk gia hạn Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. Tại biên bản làm việc ngày 01/06, Đoàn kiểm tra thống nhất gia hạn Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước của Công ty Cổ phần tinh bột sắn Ea Kar, tuy nhiên yêu cầu công ty thực hiện một số nội dung sau: Vận hành thường xuyên đối với hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo đạt QCVN trước khi thải ra nguồn tiếp nhận là sông Krông H’năng; Gia cố chắc bờ bao tại hồ sinh học số 2, đảm bảo bờ bao chắc chắn, không bị sự cố sạt lở do tác động của nước sông Krông H’năng khi mưa lũ về và tác động của môi trường xung quanh; Tăng cường trồng cây xanh (cây có tác dụng che chắn bờ) tại các khu vực hành lang sông (tiếp giáp các hồ xử lý) nhằm tạo vành đai cây xanh cho hồ và giảm thiểu phát tán mùi ra môi trường.
Thiết nghĩ, chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng cần theo dõi và giám sát hoạt động của nhà máy này nhằm mang lại môi trường trong lành cho cư dân vùng phụ cận. Và điều quan yếu hơn hết là tránh được tình trạng nước thải làm ô nhiễm dòng sông Krông H’năng.