Đắk Lắk: Cần đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng Hồ Krông Pắc Thượng

12/06/2017 00:00

(TN&MT) - Hồ  (Hồ Krông Pắc Thượng là công trình quan trọng của tỉnh Đắk Lắl, nhằm phục vụ tưới tiêu, phát triển sản xuất trên địa bàn. Tuy nhiên, phóng viên khảo sát thực địa công trình đầu mối Hồ chứa nước Krông Pắc Thượng cho thấy, sau nhiều năm thi công xây dựng nhưng khối lượng công việc chưa được đáng bao nhiêu. Các hạng mục: cửa xả tràn đang thi công được đôi chút; riêng đập chính mới thi công chưa đầy 1/5 tổng khối lượng công việc, tiến độ rất chậm so với kế hoạch.

Do chậm giải phóng mặt bằng, nên nhà thầu chưa được bàn giao mỏ đất nguyên liệu phục vụ đắp đập, máy móc phải tập kết, một số công nhân nghỉ làm việc  chờ đợi mặt bằng.
Do chậm giải phóng mặt bằng, nên nhà thầu chưa được bàn giao mỏ đất nguyên liệu phục vụ đắp đập, máy móc phải tập kết, một số công nhân nghỉ làm việc chờ đợi mặt bằng.

Dự án Hồ Krông Pắc Thượng gồm hai công trình: công trình chính là hồ Krông Pắc Thượng và công trình phục vụ di dân tái định cư là hồ Ea Rớt. Hiện nay hồ Ea Rớt đã thi công xong đưa vào khai thác phục vụ người dân trong vùng dự án phải di dân tái định cư.

Riêng công trình Hồ Krông Pắc Thượng tiến độ đang chậm nhiều so với kế hoạch đề ra, các nhà thầu đang phải thi công cầm chừng, máy móc thi công xếp hàng chờ việc.

Ông Tống Văn Sơn – Chỉ huy công trường gói thầu 13 và 17 đập chính ngăn dòng hồ chứa, do công ty TNHH Hoàng Dân thi công cho biết: Hiện nay Công ty đang thi công đập chính với phần việc khoan phụt chống thấm thân đập và đắp đập. Riêng phần khoan phụt chống thấm đang thực hiện theo tiến độ, còn phần đắp đất thân đập đang thi công cầm chừng.

Tiến độ thi công công trình rất chậm.
Tiến độ thi công công trình rất chậm.

Tại mỏ khai thác đất đắp đập số 4 thuộc khu vực lòng Hồ Krông Pắc Thượng Công ty Hoàng Dân mới chỉ khai thác khu vực xung quang đồi keo thuộc rừng phòng hộ do công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar đang quản lý. Thế nhưng đang khai thác đất thi công đắp đập thì xuất hiện một số hộ dân ra ngăn cản. Họ cho rằng, phần đất mà đơn vị thi công đang khai thác lấy đất đắp đập là của họ đang canh tác từ bấy lâu nay, nhưng chưa được nhà nước bồi thường thỏa đáng, nên họ không đồng ý giao mặt bằng để thi công. Do người dân cương quyết ngăn cản nên công ty Hoàng Dân buộc phải dừng thi công để chờ cơ quan chức năng giải quyết tránh sự bức xúc của người dân gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Cũng tại mỏ đất này, khu vực rừng keo do công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar trồng thuộc rừng phòng hộ đã được quy hoạch vào lòng hồ nhưng vẫn chưa giải phóng mặt bằng được vì phải làm thủ tục chuyển đổi rừng. Do đó, đồi keo vẫn án ngự trước thực trạng công trình không có mặt bằng để thi công.

Ông Sơn chia sẻ: Mỗi ngày dừng thi công, công ty mất khoảng 10.000.000 đồng để chi tiền ăn, lương công nhân, tiền điện và các khoản chi phí khác. Nếu tình trạng này vẫn diễn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị thi công vì tăng chi phí. Song điều quan trọng nhất là tiến độ công trình bị chậm đã và đang diễn ra.

Ông Mai Quang Vượng - Giám đốc  Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thuỷ lợi 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiến độ thi công chậm là do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm. Một số khu vực UBND huyện Ea Kar đơn vị chủ đầu tư về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư công trình Krông Pắc Thượng bàn giao mặt bằng cho Ban để bàn giao cho đơn vị thi công nhưng một số chỗ vẫn bị người dân ra ngăn cản vì cho rằng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng.

Phóng viên Báo TN&MT khảo sát thực địa công trường xây dựng Hồ thuỷ lợi Kr ông Pắc thượng.
Phóng viên Báo TN&MT khảo sát thực địa công trường xây dựng Hồ thuỷ lợi Krông Pắc thượng.

Chính vì công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm nên ngày 11/5/2017, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk đã chủ trì cuộc họp đánh giá tiến độ thực hiện và giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng công trình Hồ Krông Pắc Thượng. Kết luận chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Phạm Ngọc Nghị yêu cầu UBND huyện Ea Kar khẩn trương thực hiện hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cụm công trình đầu mối Hồ Krông Pắc Thượng gồm: đập 2, kênh dẫn dòng, tràn 1 để  Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thuỷ lợi 8 thi công đúng tiến độ. Trong trường hợp có vướng mắc phải kịp thời làm việc với các sở, ngành và đơn vị liên quan xem xét báo cáo đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo, giải quyết.

UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch chi tiết bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân năm 2017 và những năm tiếp theo phù hợp với tiến độ xây dựng; nhu cầu vốn đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương dưới 150ha để kịp thời khai thác, phát huy năng lực công trình gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo trình UBND tỉnh đề nghị trung ương xem xét bố trí vốn kịp thời.

Tại dự án có liên quan đến việc thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng. UBND huyện Ea Kar chủ động làm việc với sở Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Riêng năm 2016, nguồn vốn bố trí cho hợp phần bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư Hồ Krông Pắc Thượng là 230,317 tỷ đồng. Song chỉ giải ngân được 139,068 tỷ đồng, số tiền còn tồn lại là 91,249 tỷ đồng. Việc không giải ngân hết vốn để giải phóng mặt bằng năm 2016 trách nhiệm thuộc về UBND huyện Ea Kar. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu huyện Ea Kar nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, không để xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian tới.

Đối với các địa phương liên quan là huyện Krông Bông, Krông Pắc và M’Đrắk phối hợp chặt chẻ, kịp thời với UBND huyện Ea Kar trong công tác giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư trên địa bàn huyện đảm bảo đúng tiến độ để bàn giao mặt bằng sạch cho Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng Thuỷ lợi 8 xây dựng Hồ Krông Pắc Thượng đúng tiến độ đảm bảo phát huy hiệu quả công trình thủy lợi ngàn tỷ này.

Theo thiết kế dự án được phê duyệt với quy mô 2.294 ha, trong đó chiếm đất tạm thời là 16 ha, chiếm đất vĩnh viễn là 2.276ha gồm: 308,4ha rừng, và 1.969ha đất nông nghiệp và đất khác. Số hộ dân phải di dời nhường đất cho công trình là 663 hộ. Tổng kinh phí gần 3.000 tỷ đồng, bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ. Dự án hoàn thành sẽ phục vụ tưới cho gần 15.000ha cây trồng các loại thuộc huyện Ea Kar và một phần huyện Krông Pak; cấp nước sinh hoạt cho trên 70.000 người, cắt giảm và phòng lũ vùng hạ du, tạo cảnh quan du lịch, nuôi trồng thủy sản và góp phần cải thiện khí hậu vùng dự án.

Dự án Hồ Krông Pắc Thượng đưa vào khai thác sẽ góp phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt khi chủ động được nguồn nước tưới sẽ giúp bà con đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tình trạng người dân không có nước để sinh hoạt vào mùa khô trong vùng sẽ được giải quyết nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Đình Thắng – Xuân Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Cần đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng Hồ Krông Pắc Thượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO