Đại Từ (Thái Nguyên): Khai thác hiệu quả tài nguyên, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân

03/05/2019 06:27

(TN&MT) - Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã chia sẻ với phóng viên Báo TN&MT rằng, Đại Từ là huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản góp phần nâng cao đời sống người lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách cho địa phương. Lợi ích là rất to lớn, nhưng huyện Đại Từ quyết liệt chỉ đạo chấp hành các quy định của pháp luật trong khai thác, chế biến khoáng sản vì sự phát triển bền vững.

2
Lãnh đạo Công ty Núi Pháo và chính quyền địa phương tham quan hệ thống xử lí nước thải tự động tại khu mỏ Núi Pháo (huyện Đại Từ, Thái Nguyên).

Đại Từ là huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú được phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn, trong đó nhiều loại khoáng sản quý, hiếm, có trữ lượng lớn như: Vonfram, Than, Titan, Cao lanh, Thiếc, Sắt, Barit, đất sét... tập trung chủ yếu ở 19 xã, thị trấn gồm: Xã An Khánh, Cù Vân, Hà Thượng, Tân Thái, Lục Ba, Tân Linh, Phục Linh, Ký Phú, Cát Nê, Khôi Kỳ, Phú Thịnh, Phú Lạc, Đức Lương, Phúc Lương, Phú Cường, Minh Tiến, Yên Lãng, Na Mao và thị trấn Hùng Sơn. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có nhiều khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường phân bổ ở hầu hết các xã, thị trấn.

Về hoạt động quản lý khai thác khoáng sản, trên địa bàn huyện Đại Từ có 23 đơn vị được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản với 34 điểm mỏ; qua kiểm tra hiện nay có 08 điểm mỏ đang hoạt động khai thác, 07 điểm mỏ đang triển khai xây dựng chưa khai thác, 10 điểm mỏ đang tạm dừng hoạt động do Giấy phép hết hạn và đang làm thủ tục xin thăm dò bổ sung, mở rộng mỏ, 02 điểm mỏ đang thực hiện GPMB, 02 điểm mỏ đã thu hồi giấy phép, 05 điểm mỏ được cấp phép thăm dò.

1
Trạm quan trắc nước thải tự động tại Công ty Núi Pháo (huyện Đại Từ, Thái Nguyên).

Trong những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ quy định của pháp luật; các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đã được kiểm soát và từng bước đi vào nề nếp; các khu vực nhạy cảm về khai thác khoáng sản trái phép đã thường xuyên được kiểm tra, kiểm soát và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, do phân cấp và thẩm quyền nên cấp huyện, xã không có khả năng đánh giá ngay tình trạng ô nhiễm môi trường khi có kiến nghị của nhân dân mà phải mời các cơ quan chuyên môn cấp trên để kiểm tra, kết luận nên việc giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường còn chậm.

Các dự án khai thác khoáng sản nói chung và trên địa bàn huyện Đại Từ nói riêng sẽ trực tiếp góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân vùng mỏ thông qua tạo cơ hội việc làm với thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống giao thông được đầu tư phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản.

Khai thác than lộ thiên của Công ty Than Núi Hồng, xã Yên Lãng (Đại Từ)
Khai thác than lộ thiên của Công ty Than Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ (ảnh Internet).

Các khoản thu từ tài nguyên khoáng sản được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao đường thông, cụ thể: Năm 2018, với tổng số tiền 26.385 triệu đồng đã được đầu tư xây dựng các công trình như: Trạm xử lý rác thải, hố chôn lấp số 2 và các hạng mục phụ trợ thuộc Bãi rác thải huyện Đại Từ; các tuyến đường giao thông nông thôn; xây dựng điểm tập kết rác thải tại các xã...

Việc khai thác khoáng sản luôn có tác động đến môi trường nhất định. Các điểm mỏ khai thác khoáng sản trước khi đi vào hoạt động đều phải lập và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường. Trong quá trình hoạt động các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản mỏ đều phải thực hiện theo các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Trên thực tế, không phải đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản nào cũng thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về đảm bảo các điều kiện cần thiết trong khai thác, chế biến khoáng sản để bảo vệ môi trường theo đúng quy định. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản; kiến nghị với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản và công tác bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác trên địa bàn huyện. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị được cấp phép nhưng chậm triển khai thực hiện; các đơn vị không thực hiện đầy đủ biện pháp bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường.

Trả lời phóng viên báo TN&MT về thực trạng một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn chưa tuân thủ nghiêm túc quy định trong khai thác khoáng sản dẫn đến hệ lụy xấu cả về kinh tế và dư luận xã hội thời gian qua, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ Phạm Duy Hùng khẳng định: Thời gian qua các đơn vị khai thác chế biến, khoáng sản trên địa bàn huyện cơ bản đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động. Hàng năm UBND huyện đều xây dựng kế hoạch kiểm tra hoặc phối hợp với các Sở, ngành của Tỉnh để kiểm tra công tác khai thác khoáng sản, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và công tác bảo vệ môi trường. Qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục các tồn tại, hạn chế, đặc biệt là trong công tác bảo vệ môi trường. Đối với các đơn vị trong quá trình hoạt động khai thác có để xảy ra sự cố về môi trường (mỏ Yên Phước năm 2018 để đất đá chảy ra xung quanh), UBND huyện đã kịp thời chỉ đạo yêu cầu khắc phục ngay và kiến nghị với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra để xử lý theo quy định.

Để tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện, Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiệc chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và môi trường; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường vi phạm theo quy định của pháp luật.

Kiện toàn và duy trì hoạt động Đội kiểm tra liên ngành khoáng sản của huyện; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khoáng sản, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.

3a
Khai thác mỏ tại xã Thần Sa, huyện Võ NHai, tỉnh Thái Nguyên.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công tác bảo vệ môi trường tại các điểm khai thác khoảng sản trên địa bàn huyện để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Kiến nghị với UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản và công tác bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác trên địa bàn huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại Từ (Thái Nguyên): Khai thác hiệu quả tài nguyên, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO