Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng: Mặc dù chất lượng môi trường của thành phố đang ngày càng được cải thiện, không xảy ra các sự cố về môi trường. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xả rác, tiểu tiện nơi công cộng, xuống kênh rạch vẫn còn thường xuyên diễn ra ở một số khu vực. Một trong những nguyên nhân là do lực lượng xử phạt hành chính trong lĩnh vực này còn rất thiếu. Vì vậy, đại biểu đề xuất Thành phố có thể xã hội hóa công tác xử phạt việc xả rác, tiểu tiện nơi công cộng; hoặc có thể giao cho Ban chấp hành khu phố thực hiện.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Từ đầu 2018 đến nay, và các quận, huyện đã tiến hành xử phạt 296 trường hơp vi phạm về tiểu tiện, xả rác nơi công cộng, xuống kênh rạch. Tuy nhiên, hiện nay, công tác xử phạt các hành vi xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: thiếu lực lượng, bởi mỗi phường chỉ có 1 cán bộ phụ trách. Đối tượng xả rác chủ yếu là người bán hàng rong, người thu nhập thấp, trong khi mức xử phạt theo Nghị định 155 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường khá cao nên cũng hơi bất cập giữa tình và lý.
Vì vậy, TP.HCM đã đề xuất kiến nghị Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng đồng ý giao thêm thẩm quyền cho Đội quản lý trật tự đô thị các quận được quyền xử phạt các hành vi xả rác, tiểu tiện; đồng thời sử dụng nguồn tiền xử phạt này để trang trải một phần kinh phí hoạt động của lực lượng xử phạt. TP.HCM cũng kiến nghị được sử dụng camera an ninh và camera giao thông để làm căn cứ xử phạt; bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi đổ chất thải xây dựng không đúng nơi quy định. Ngoài ra, TP.HCM sẽ xây dựng cơ chế phối hợp cung cấp thông tin với người dân, đặc biệt sẽ công khai thông tin các cá nhân có hành vi xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định.
Cũng liên quan đến vấn đề môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi về tính khả thi của chương trình phân loại rác tại nguồn theo Quyết định số 44 của của UBND Thành phố. Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, phân loại rác tại nguồn là một chủ trương đúng đắn và là một yêu cầu tất yếu. Quyết định 44 chính là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện Chương trình phân loại rác tại nguồn. Trong đó, các khâu phân loại từ hộ gia đình, phương tiện thu gom, vận chuyển và khâu xử lý đã được quy định đầy đủ, chặt chẽ. TP.HCM sẽ triển khai từng bước đồng bộ, trong đó vừa tập trung thay đổi ý thức của người dân, vừa triển khai các giải pháp đồng bộ hóa các phương tiện thu gom, vận chuyển rác.
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng cũng trả lời các đại biểu nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai, việc xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Theo đó, triển khai Nghị quyết 16 năm 2012 của HĐND TP về công tác lập, tổ chức, thực hiện quy hoạch, UBND TP.HCM đã tiến hành thu hồi chủ trương 547 dự án do chậm thực hiện. Đối với Nghị quyết 21 năm 2017 của HĐND TP về công tác quản lý đô thị và giải quyết các dự án chậm triển khai, Sở TN&MT tiến hành rà soát trên 2.800 dự án, trong đó đã đề xuất UBND Thành phố thu hồi chủ trường của 180 dự án.
Hiện nay, Thành phố đã phân loại thành 3 nhóm dự án với 4 giải pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề này. Theo đó, đối với những dự án đầu tư công có chủ trương đầu tư trước 01/7/2014, nếu đã có phương án bồi thường, tổ chức bồi thường nhưng thiếu vốn thì sẽ cân đối bổ sung vốn để thực hiện dự án ngay. Đối với những dự án chậm triển khai do chưa hoàn thành công tác bồi thường, thì phải bố trí đầy đủ quỹ nhà, đất tái định cư; đồng thời tìm sự đồng thuận của người dân và tìm các cơ chế hỗ trợ khác để giải quyết dứt điểm tình trạng giải phóng mặt bằng
Ngoài ra, cũng tại phiên chất vấn, lãnh đạo Trung tâm chống ngập thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND một số quận huyện đã trả lời về tình trạng chậm triển khai triển hai các dự án nạo vét, cải tạo hệ thống kênh rạch trên địa bàn. Trong đó, chỉ tình riêng trên địa bàn huyện Bình Chánh, đến nay mới chỉ hoàn thành cải tạo 5/35 kênh, rạch theo kế hoạch.