Đà Nẵng: Siết chặt quản lý chất thải nguy hại

23/09/2016 00:00

(TN&MT) - Trước thực trạng đáng lo ngại chất thải nguy hại chưa được xử lý đúng kỹ thuật  được đưa đi chôn lấp bừa bãi tại nhiều địa phương, TP. Đà Nẵng đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm siết chặt quản lý loại chất thải này.

Sớm đưa vào guồng

Trên địa bàn TP. Đà Nẵng, chất thải nguy hại chủ yếu phát sinh từ chất thải của các cơ sở y tế và chất thải công nghiệp (cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ). Theo báo cáo của Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, lượng chất thải rắn nguy hại trong công nghiệp ước tính khoảng 10.950 tấn/năm, tương đương 30 tấn/ngày và lượng chất thải độc hại phát sinh từ các cơ sở y tế khoảng 2.920 tấn/năm, tương đương 8 tấn/ngày. Với đà tăng trưởng như hiện nay và có thể vượt dự báo, nếu không có sự kiểm soát chặt chất thải nguy hại ngay từ khâu lưu giữ, bảo quản đến khâu vận chuyển, xử lý thì nguy cơ gây nguy hại cho môi trường là rất lớn.

Với mức độ nguy hại, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, ngay từ sớm, TP. Đà Nẵng đưa ra nhiều giải pháp để tăng cường hiệu quả quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn. Từ đầu năm 2009, rác thải y tế tại các bệnh viện và các chất thải công nghiệp nguy hại tại các công ty, nhà máy, các khu công nghiệp sau khi phân loại, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom và xử lý đốt tại bãi rác Khánh Sơn. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, nơi có lượng chất thải y tế nguy hại nhiều nhất thành phố với bình quân mỗi ngày 200-250kg, việc phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu giữ chất thải rắn tại bệnh viện đã được cải tiến đáng kể. Không chỉ toàn bộ cán bộ, công nhân viên bệnh viện mà cả công nhân của Công ty Hoàn Mỹ, đơn vị nhận vận chuyển chất thải y tế nguy hại đến địa điểm tập trung trong bệnh viện, cũng được học Quy chế Quản lý chất thải y tế của Bộ Y tế.

Thực hiện đề án xây dựng TP môi trường, UBND TP đã yêu cầu tất cả các cơ sở y tế phải ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng để thu gom, vận chuyển và đốt rác tập trung tại Bãi rác Khánh Sơn. Ông Trần Văn Tiên- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, hiện nay, công ty đã ký hợp đồng với tất cả các bệnh viện từ tuyến Trung ương đến các trung tâm y tế quận, huyện, bệnh viện tư nhân, cứ 2 ngày thu gom một lần, sau đó vận chuyển bằng xe đông lạnh lên bãi rác Khánh Sơn để đốt.

Chất thải nguy hại được xử lý bằng công nghệ hiện đại, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Chất thải nguy hại được xử lý bằng công nghệ hiện đại, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Đối với các loại chất thải công nghiệp, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom, sau đó đóng thành block, chôn lấp tại hộc rác thải nguy hại. Còn các loại chất thải dầu mỡ, bao bì, bao cứng… được công ty thu gom, xử lý theo đúng quy định của Bộ Tài nguyên &Môi trường. “Mỗi ngày, công ty thu gom khoảng 1,5 tấn rác thải nguy hại công nghiệp đem xử lý tại bãi rác Khánh Sơn bằng nhiều phương pháp như đốt, nghiền nhỏ, đóng block, sau đó chôn lấp, không để phát sinh ra môi trường”- ông Trần Văn Tiên khẳng định.

Nâng cao năng lực thu gom, xử lý

Mặc dù đã có lò đốt rác thải, song việc quản lý lượng chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố còn là một vấn đề khó. Việc phân loại chất thải tại nguồn chưa được thực hiện nghiêm ngặt, trong khi đó một số doanh nghiệp lại muốn né tránh hợp đồng xử lý chất thải với công ty. Họ trộn lẫn các loại chất thải nguy hại và không nguy hại để giảm thiểu chi phí xử lý rác thải, làm cho một khối lượng lớn chất thải nguy hại vẫn được chôn lấp hoặc xử lý chung với chất thải đô thị, gây ô nhiễm môi trường và môi sinh nghiêm trọng. Không những thế, một số người dân vẫn còn đổ chất thải bừa bãi xuống sông, hồ, đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường, làm lãng phí nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng, tái chế và gây tốn kém trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Hiện tại, toàn bộ chất thải nguy hại của thành phố  đang được xử lý bằng công nghệ lò đốt với công suất 200 kg/giờ. Cách xử lý này tuy bảo đảm an toàn cho môi trường, song chi phí cho mỗi lần đốt cao (trung bình 1kg rác tiêu hao 0,5 lít dầu diesel), thời gian đốt chậm. Do quy mô nhỏ nên lượng rác thải đem vào lò tiêu hủy cũng hạn chế. Trung bình 1 tuần, công ty tổ chức thu gom rác y tế 3 lần, 1 lần thu khoảng 800 - 900kg. Thành phố đang đầu tư một lò đốt rác riêng dành cho rác công nghiệp sắp đưa vào hoạt động.

Thời gian tới, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng tiếp tục thực hiện thu gom, xử lý chất thải nguy hại triệt để; tìm cách hỗ trợ, hướng dẫn cho các đơn vị, khách hàng liên quan lập thủ tục đăng ký chủ nguồn thải; có biện pháp để các bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác để xử lý, giảm thiểu mức độ nguy hại tới môi sinh và sức khỏe con người.

Ngành Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng cũng cần nâng cao chức năng giám sát, thực hiện các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm để bảo đảm công tác thu gom, xử lý rác thải, chất thải nguy hại, nhằm thực hiện thành công đề án “Xây dựng Đà Nẵng- Thành phố môi trường” đến năm 2020...

Bài & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Siết chặt quản lý chất thải nguy hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO