Đà Nẵng: Người dân tự nguyện thu gom pin cũ bảo vệ môi trường

Yến Nhi| 16/11/2019 09:50

(TN&MT) - Theo thống kê cứ mỗi gia đình có khoảng 10 thiết bị điện tử có sử dụng pin, trung bình 5 - 6 tháng thay pin 1 lần, đồng nghĩa với việc một năm thải ra môi trường 20 viên pin. Mỗi cục pin bỏ đi có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1m3 đất trong 50 năm. Hiểu được tác hại của những viên pin nhỏ, nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh…trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã tự nguyện thu gom pin cũ với mục tiêu góp phần bảo vệ môi trường.

Con và các cháu anh Nguyễn Tấn Lộc hào hứng nhận cây xanh khi đổi những viên pin cũ

Anh Nguyễn Tấn Lộc (Số nhà 15 Phan Anh, P. Khuê Trung, Q. Cẩm Lệ) là một trong những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào bảo vệ môi trường như: tặng ống hút tre cho sinh viên; tặng quà cho các cô chú công nhân môi trường dịp Tết; đào giếng nước ngọt cho người dân ở Quảng Nam; tham gia giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế… Và đặc biệt, với những hiểu biết về tác hại của pin, anh đã tiên phong triển khai thu gom pin cũ (từ tháng 3/2018).

Lúc đầu anh chỉ triển khai thu gom tại nhà bằng cách đặt thùng thu gom pin trước cửa cho mọi người có pin đã qua sử dụng mang tới bỏ. Rồi anh chia sẻ lên mạng xã hội và nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Có nhiều người ở các tỉnh thành khác cũng muốn gửi pin cũ tới địa chỉ của anh.

Nhận thấy chỉ với một điểm tại nhà mình thì quá ít và những người ở các khu vực khác không thể mang pin tới, anh liên hệ với một số nhà người quen và các quán cà phê ở nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn Đà Nẵng để xin đặt thùng thu gom pin cũ. Hiện tại, đã có khoảng gần 15 điểm thu gom pin cũ do anh đặt và mỗi tháng anh lại đi thu gom pin một lần rồi mang tới điểm thu gom pin tập trung ở siêu thị BigC.

Anh Lộc cho biết, bên cạnh việc thu gom pin cũ, thỉnh thoảng anh cũng dẫn con và các cháu của anh mang pin cũ tới các ngày hội thu đổi pin cũ lấy cây xanh. “Những viên pin cũ thay vì bị vứt đi sẽ được mang đến điểm thu gom để đổi lấy những chậu cây xinh xắn. Hoạt động này không chỉ giúp cho các bạn nhỏ hiểu được những tác hại của việc xả rác thải ra môi trường, mà còn lan tỏa tới cộng đồng những hành động đẹp của giới trẻ, là tấm gương cho các em nhỏ noi theo”, anh nói.

Điểm thu gom pin cũ tại quán cà phê The Books

Cũng như anh Lộc, chị Nguyễn Thị Thắm sống tại số nhà K574/24 Trưng Nữ Vương (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu), gia đình chị chuyển từ Hà Nội vào Đà Nẵng sinh sống chưa được bao lâu nhưng với tình yêu dành cho thành phố đáng sống, chị Thắm mong muốn có thể cùng mọi người sống xanh.

Trước cửa hàng Làm Nông Xanh của mình, chị treo một can nhựa dung tích 5 lít làm nơi chứa pin cũ. Trên can nhựa, chị Thắm dán một nhãn thông điệp "Mỗi cục pin bị bỏ vào thùng rác, 1m3 đất và 500 lít nước bị ô nhiễm trong 50 năm. Vui lòng bỏ pin đã qua sử dụng vào đây, xin cảm ơn!".

Thông điệp này được chị thiết kế thành file ảnh để lưu trữ trên máy tính, từ đó thuận tiện cho việc in ra thành dạng đề-can với nhiều kích cỡ và chia sẻ rộng rãi với mọi người.

Chị cho biết, bản thân từng làm việc trong một số dự án về môi trường nên chị rất hiểu những tác động mà môi trường đang gặp phải. Thông qua sự chia sẻ trên mạng xã hội, mình mong muốn địa chỉ của cửa hàng sẽ trở thành điểm thu gom pin phổ biến với mọi người.

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều điểm thu gom pin cũ của các cơ sở kinh doanh và nhiều chương trình tình nguyện thu gom pin cũ đã lan tỏa rộng rãi những tác hại của việc vứt pin bừa bãi và nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại rác thải nguy hại.

“Pin cùng giấy đổi lấy cây về” là khẩu hiệu của chương trình thu gom pin cũ và giấy do nhóm bạn Nguyễn Thị Thảo Yến (trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng) tổ chức. Từ 5 viên pin bất kỳ hoặc 3 kg giấy vụn trở lên là mọi người đều có thể đổi lấy được một chậu cây cảnh.

Pin được thu gom sẽ chuyển đến những đơn vị chuyên tái chế để có biện pháp xử lý tốt nhất, giảm thiểu tác động đến môi trường. Còn giấy vụn sẽ được phân loại và bán đến nơi tái chế, kinh phí thu được tiếp tục dành mua cây cho các sự kiện lần sau. Chỉ trong một ngày triển khai, chương trình đã thu về gần 50 kg pin và hàng trăm kg giấy đã qua sử dụng.

Tại ngày hội thu đổi rác tài nguyên của các Chi hội phụ nữ đều có điểm thu gom pin cũ

Quán cà phê The Books (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đã thu hút sự tò mò của nhiều vị khách trước tấm bảng màu xanh ghi rõ thông điệp về xử lý pin đúng cách dựng ngay ở không gian quán. Dưới tấm bảng là những can nhựa thu gom pin cũ đặt xen kẽ với các lọ cây xanh làm từ chai nhựa.

Khi biết được siêu thị VinMart Đà Nẵng là điểm thu gom pin cũ tập trung rất nhiều người dân đã bày tỏ sự hào hứng trên trang web của Vinmart. Ai cũng cho biết trong nhà có rất nhiều pin cũ nhưng không biết vứt đi đâu. Chị Kim Anh Phung viết: “Mẹ đã dồn một hộp đầy pin của nhà mình từ trước đến giờ nhiều lắm các loại nhưng không biết địa chỉ cụ thể thu gom ở ĐN?”.

Khi hiểu được những tác hại của pin đối với môi tường và sức khỏe, người dân tự ý thức được việc thu gom và phân loại pin cũ ra khỏi các loại rác hàng ngày. Với các điểm thu gom pin cũ xuất hiện ngày càng nhiều, người dân Đà Nẵng sẽ thuận tiện hơn trong việc thu gom pin cũ, thành phố cũng giảm bớt được công tác thu gom, phân loại rác thải nguy hại.

Hiện tại, Đà Nẵng đang có 2 điểm thu gom pin cũ tập trung là tầng 2 của siêu thị Big C (quận Thanh Khê) và siêu thị VinMart Đà Nẵng (quận Sơn Trà). Toàn bộ pin thu gom được chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, nơi có nhà máy xử lý pin chuyên dụng để bảo đảm quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Người dân tự nguyện thu gom pin cũ bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO