Môi trường

Đà Nẵng: Bảo vệ nguồn lợi thủy sản để đảm bảo sinh kế bền vững

Lan Anh 24/07/2024 - 17:10

Đến nay, Đà Nẵng đã thành lập được 4 “Tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản” tại các quận ven biển với 105 thành viên tham gia. Sự ra đời của các mô hình đồng quản lý khai thác hải sản tại các địa phương đã gia tăng được diện tích bảo tồn biển, nhất là bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ, giảm thiểu nạn tận diệt hải sản và đảm bảo sinh kế bền vững cho chính họ.

Bảo vệ biển dựa vào cộng đồng

Thành phố Đà Nẵng có khu vực biển nam Hải Vân, nam bán đảo Sơn Trà có các hệ sinh thái biển có tính đa dạng sinh học cao như rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển và các chủng loại sinh vật có giá trị kinh tế.

Tuy nhiên sự phát triển mạnh của các hoạt động kinh tế biển cùng số lượng tàu cá khai thác thủy sản tại vùng ven bờ ngày càng gia tăng đã tác động, gây hại đến môi trường, nguồn lợi và các hệ sinh thái biển. Và không ai khác, chính ngư dân là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động đánh bắt trái phép này. Yêu cầu cấp thiết đặt ra cần phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa phương.

s3.jpg
Thành viên các tổ cộng đồng thường xuyên nhắc nhở du khách bảo vệ môi trường biển

Trước thực trạng này, một số địa phương ven biển đã thành lập các tổ cộng đồng để tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ thời gian, ngư cụ khai thác; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuần tra, giám sát, nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

Đến nay, Đà Nẵng đã thành lập được 4 “Tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản” tại các quận ven biển: Thọ Quang, Mân Thái (Sơn Trà), Thanh Khê Đông (Thanh Khê) và Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu) với 105 thành viên tham gia. Nhiệm vụ của ho, bên cạnh việc đánh bắt thủy sản còn có phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức các buổi nói chuyện tuyên truyền, vận động du khách, người dân địa phương và những ngư dân khác về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, họ còn tổ chức tuần tra, giám sát thường xuyên tại khu vực biển khai thác nhằm phát hiện các trường hợp khai thác san hô hay khai thác tận diệt thủy sản như giã cào bay, xung điện hay nổ mìn….

Ngư dân Nguyễn Văn Thu, Tổ trưởng “Tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Khê Đông” chia sẻ: Tổ được thành lập từ năm 2017, với “quân số” hiện nay là 30 người. Tất cả đều là những ngư dân lành nghề, hoạt động tích cực trong việc khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bất kỳ trường hợp nào khai thác thủy sản sai quy định, ảnh hưởng đến môi trường biển tại khu vực mà ngư dân tham gia đánh bắt thì các thành viên của tổ chủ động ghi hình làm bằng chứng rồi báo cho cơ quan chức năng. Ngoài ra, mỗi tháng 2 lần, tổ lại ra quân nhặt rác trên sông Phú Lộc và khu vực neo đậu tàu thuyền để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

s2.jpg
Tổ cộng đồng là những "cánh tay" đắc lực của lực lượng chức năng trong công tác phát hiện các vi phạm trong khai thác trái phép, xâm hại môi trường biển

“Thiên nhiên đã ban tặng cho ngư dân chúng tôi những rạn san hô, thảm cỏ biển là nơi cư trú, sinh sôi của các loài cá. Chúng tôi tham gia để giữ gìn môi trường biển, nguồn sống cho mình và cho con cháu mình sau mình sau này.” – ngư dân Nguyễn Văn Thu cho biết.

Tiếp tục nhân rộng

Ông Hoàng Quang Minh, đại diện Chi cục Thủy sản Đà Nẵng cho biết, địa phương hiện có gần 1.500 tàu cá khai thác ven bờ với khoảng 5.000 lao động. Giai đoạn từ 2018-2023, 4 tổ bảo vệ cộng đồng đã tố giác gần 200 vụ việc vi phạm với cơ quan chức năng, trong đó 85 vụ việc tàu cá sử dụng ngư lưới cụ hủy hoại nguồn lợi hoặc tàu chở khách đi câu cá, lặn ngắm san hô không có giấy phép; xả thải gây ô nhiễm môi trường biển. Đặc biệt, Tổ đã vận động ngư dân thả 3 cá thể Vích thuộc loài động vật quý hiếm nguy cấp bị vướng lưới về môi trường tự nhiên.

“Hoạt động của các tổ này mang lại hiệu quả rất lớn, cung cấp thông tin rất kịp thời để xử lý. Duy trì các tổ này thể hiện theo đúng xu thế trong công tác quản lý hiện nay phải là dựa vào cộng đồng. Cơ quan chức năng phải là người song hành cùng ngư dân để bảo vệ nguồn lợi và bảo vệ chính lợi ích của họ. Chính người dân khai thác ven bờ thì họ cũng sẽ là người bảo vệ nguồn lợi để phục vụ lâu dài cho chính đời sống của họ”, ông Minh nói.

s.jpg
Tuy nhiên, hoạt động của tổ đội còn gặp nhiều khó khăn sự phát triển du lịch tại khu vực quanh bán đảo Sơn Trà

Tuy vậy, ông Hoàng Quang Minh cho hay, hoạt động của tổ đội còn gặp nhiều khó khăn như: nhiều hoạt động phát triển du lịch, đánh bắt thủy sản quá mức gây hủy hại nặng nề đến tài nguyên biển; kinh phí duy trì hoạt động vẫn còn hạn chế; việc bán đảo Sơn Trà chưa có bảo tồn nên việc khoanh vùng để bảo vệ vẫn còn hạn chế;….

Để hỗ trợ các tổ đội phát huy vai trò trong bảo vệ môi trường biển, thời gian tới Chi cục tiếp tục hỗ trợ phương tiện cũng như chi phí phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm soát. Đồng thời, vận động thành lập tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi Chíp Chíp tại sông Hàn và vịnh Đà Nẵng. Về phía các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản vùng biển ven bờ. Trên cơ sở kết quả điều tra tham mưu UBND TP. Đà Nẵng thành lập khu bảo tồn biển bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khu vực cấm khai thác có thời hạn theo thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Bảo vệ nguồn lợi thủy sản để đảm bảo sinh kế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO