BĐS bị siết tín dụng
Trước tác động khó lường của dịch Covid-19, có tới 17 ngân hàng thương mại trọng yếu cho biết từ nay đến cuối năm, dự kiến tiếp tục "nới lỏng nhẹ" tiêu chuẩn tín dụng tổng thể đối với hầu hết nhóm khách hàng. Riêng lĩnh vực kinh doanh BĐS và một số lĩnh vực khác như đầu tư kinh doanh chứng khoán, tài chính, bảo hiểm… vẫn bị thắt chặt cho vay. Cụ thể, các điều khoản, điều kiện cho vay cũng sẽ được siết hơn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh BĐS, trong đó có cho vay BĐS để ở.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay BĐS vẫn được giữ ở mức cao 8 - 11%/năm. Đơn cử như Ngân hàng OCB đang cho khách hàng doanh nghiệp vay đầu tư dự án BĐS ngắn hạn với lãi suất khoảng 8 - 9%/năm; Ngân hàng Nam Á Bank cho khách hàng doanh nghiệp vay ngắn hạn đầu tư BĐS khoảng 7,5 - 9%/năm; khách hàng cá nhân vay mua nhà khoảng 11%/năm…
Theo bà Nguyễn Thanh Tú - Trưởng chi nhánh Ngân hàng BIDV (Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, từ 1 - 2 năm nay, ngân hàng đã kiểm soát chặt dư nợ cho vay BĐS. Các khoản vay dành cho doanh nghiệp BĐS phải là chủ đầu tư uy tín, có dự án chất lượng đi kèm điều kiện cho vay rõ ràng. Riêng với phân khúc khách hàng cá nhân, ngân hàng giải ngân khi khách vay những dự án có tình trạng pháp lý, chủ đầu tư có năng lực. Ngoài ra, phía ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn ưu tiên những lĩnh vực sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Việc các ngân hàng siết tín dụng vào lĩnh vực BĐS đã diễn ra từ 2 năm nay và lộ trình siết được thiết kế cụ thể, tránh “sốc” cho các doanh nghiệp. Để có nguồn vốn duy trì hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn phát hành trái phiếu. Trong Báo cáo của Công ty SSI, 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp BĐS đã phát hành 92.300 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 10,36%/năm. Dự báo, thị trường này sẽ tiếp tục sôi động trong quý III và IV do việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn hạn chế.
Ngân hàng đã đưa ra lộ trình siết tín dụng BĐS |
Doanh nghiệp chịu trận
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá, sau hơn một năm rưỡi chống chọi đại dịch Covid-19, nỗ lực tự cứu mình, cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS đã dần kiệt sức. Tính riêng 8 tháng đầu năm 2021, có tới 842 doanh nghiệp BĐS tạm dừng hoạt động, 345 doanh nghiệp BĐS hoàn tất thủ tục giải thể. Nhiều doanh nghiệp không còn tiền trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy, hỗ trợ, giữ chân người lao động. Dự án không thể triển khai đúng tiến độ, công trình xây dựng phải dừng, không có sản phẩm bán, giao dịch theo đó giảm mạnh, doanh số bán hàng rơi thẳng đứng, không thể huy động được vốn như trước đây.
Do đó, việc áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất cho lĩnh vực BĐS là cần thiết. Bởi đây là lĩnh vực trọng yếu đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và tác động đến hơn 200 ngành nghề liên quan. Vì vậy, không có lý do gì mà lại các khoản vay BĐS nằm ngoài danh mục được hưởng chính sách hỗ trợ về lãi suất vừa được công bố của các nhân hàng.
Về phía khách hàng mua nhà, mức lãi suất cho vay cao kèm theo những điều khoản vay ngặt nghèo khiến người dân có nhu cầu mua nhà để ở thật sẽ rất khó tiếp cận. Tính thanh khoản của thị trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị ngân hàng xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp BĐS được cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí đặc biệt là được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai dự án. Bên cạnh đó, xem xét cho các khách hàng mua BĐS được tiếp tục vay theo hợp đồng đã ký, hỗ trợ chính sách lãi suất hợp lý đặc biệt đối với người dân mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp.
Đại diện một Tập đoàn BĐS chia sẻ, BĐS phát triển tốt sẽ lan tỏa đến những ngành nghề khác. Nếu không có BĐS thì các địa phương sẽ mất đi một nguồn thu lớn. Do vậy, các chính sách áp dụng với BĐS cần được nhất quán. Đơn cử, như chính sách lãi suất, Ngân hàng Nhà nước nên thống nhất, không được thay đổi lãi suất, kỳ hạn vay giữa chừng bởi doanh nghiệp không thể chủ động được dòng tiền. Ngoài ra, Chính phủ đang có những chính sách, gói tín dụng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp BĐS rất mong Chính phủ giải quyết ngay các cơ chế chính sách đang khiến hàng nghìn dự án BĐS ách tắc.
Lĩnh vực BĐS không thuộc đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi tín dụng của các ngân hàng thương mại trong đợt hỗ trợ các thành phần chịu ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này.