Việt Nam được xếp vào tốp đầu những nước thải nhiều rác nhựa ra biển ở Châu Á, trong đó nước ta xếp thứ tư sau Trung Quốc, Thái Lan và Philipines.
Trên đất liền rác nhựa cũng chiếm một phần không nhỏ trong rác thải sinh hoạt hàng ngày. Theo các nhà khoa học, rác nhựa tồn tại trong tự nhiên phải đến 400 năm mới tự phân hủy. Như vậy rác thải nhựa tồn đọng trong tự nhiên là điều nhức nhối cho xã hội, trên đất liền thì làm ô nhiễm các vùng đất, trên biển thì làm chết các loài thủy sinh.
Đã có nhiều biện pháp tái chế rác nhựa để làm dụng cụ trong lao động sản xuất hay các đồ dùng dân sinh khác nhưng số rác được tái chế chỉ chiếm vài phần trăm. Vì thế rác dồn ứ trong môi trường còn quá nhiều gây ô nhiễm cả trên đất liền và cả ngoài đại dương.
Trong những chuyến công tác tại Nga, các cán bộ Cty Tư vấn và Phát triển công nghệ CKL cùng một số nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã tìm hiểu và học tập từ các nhà khoa học Nga phương pháp tái chế nhựa tiên tiến, thân thiện môi trường.
Giải pháp cốt lõi của phương pháp này là công nghệ nhiệt phân trong môi trường yếm khí. Trong đó rác nhựa được đốt nóng lên đến nhiệt độ cao nhất định, các kết cấu nhựa bị phân rã chuyển thành dạng khí, rồi thành phần khí này được làm lạnh ngưng tụ thành chất lỏng dầu, từ đó người ta thu được xăng dầu theo yêu cầu. Một thành phần chất rắn được kết tinh lại trong quá trình nhiệt phân là than chất lượng cao gọi là than bán cốc, trong quá trình ngưng tụ khí không hết được dẫn ra ngoài gọi là khí đồng hành dùng làm nhiên liệu đốt rất tốt.
Tính đột phá của công nghệ này khác với những công nghệ tái chế nhựa truyền thống là có thể tái chế được tất cả các dạng nhựa (cứng, mềm dẻo…), các loại nhựa PE, PVC, PP…
Như vậy từ những rác nhựa có hại gây ô nhiễm môi trường nhờ có công nghệ tiên tiến này đã được biến thành xăng dầu, than và khí làm nhiên liệu chất lượng cao, cả 3 sản phẩm này đều là nhu cầu thiết yếu của nền kinh tế đất nước.
Một ưu việt nữa của công nghệ này là tổ hợp lò nhiệt phân không thải ra môi trường bất kỳ chất độc hại nào, nên được gọi là công nghệ sạch, thân thiện môi trường.
Về hiệu quả kinh tế khi triển khai công nghệ này nhà đầu tư sẽ thu được nguồn tài chính lớn, sau khi trừ chi phí đầu tư có được nguồn lãi lớn thu về cho ngân sách hoặc tích lũy vốn cho doanh nghiệp.