Có rừng = có tín chỉ các-bon rừng?
(TN&MT) - Hiện nay, tổng diện tích của Việt Nam là khoảng 14,7 triệu ha và rừng có vai trò to lớn trong giảm nhẹ biến đổi khí hậu, đặc biệt là hấp thụ khí nhà kính trong khí quyển. Vậy, liệu tất cả những diện tích có rừng đều có thể sản xuất tín chỉ các-bon để đưa vào mua bán, trao đổi hay chuyển nhượng kết quả giảm phát thải?
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc phỏng vấn với ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững.
PV: Việt Nam hiện đã và đang thực hiện một số dự án chuyển nhượng kết quả giảm phát thải từ rừng và bước đầu thu về một nguồn tài chính đáng kể. Theo ông, đây có phải tín hiệu cho thấy tín chỉ các-bon rừng của Việt Nam đã có thể thương mại hóa?
Ông Vũ Tấn Phương: Chúng ta đều biết rằng rừng có vai trò rất quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt rừng đã và đang cung ứng các giá trị về dịch vụ hệ sinh thái và các giá trị này lớn hơn rất nhiều so với các giá trị gỗ và lâm sản. Trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, chúng ta đang đề cập nhiều hơn về vai trò và giá trị của các-bon rừng, đặc biệt là giá trị hấp thụ và lưu giữ các-bon.
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực tăng độ che phủ rừng từ 28% năm 1995 lên 42% vào năm 2023. Với tổng diện tích 14,7 triệu ha, rừng Việt Nam đang lưu trữ lượng khí nhà kính (KNK) tương đương khoảng 2,2 tỷ tấn CO2 (CO2tđ). Hiện nay, lâm nghiệp là ngành duy nhất có phát thải ròng âm, tức là lượng hấp thụ các-bon cao hơn lượng phát thải KNK. Ước tính cho thấy hằng năm, phát thải từ rừng là khoảng 30 triệu tấn CO2tđ (do mất rừng, chuyển đổi rừng, khai thác gỗ, suy thoái rừng) và hấp thụ xấp xỉ âm 70 triệu tấn CO2tđ. Điều này đồng nghĩa với lượng phát thải ròng trung bình năm từ rừng là -40 triệu tấn CO2tđ/năm.
Ngành lâm nghiệp đã thực hiện các chương trình giảm phát thải và chuyển nhượng kết quả giảm phát thải cho một số tổ chức khác nhau, nhưng theo tôi, đây chưa phải là giao dịch theo cơ chế thị trường. Bởi vì, trong các chương trình này, lượng giảm phát thải chuyển nhượng đều được sử dụng để đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam (tức là, quyền giảm phát thải thuộc Việt Nam).
PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ những cách thức tạo ra tín chỉ các-bon rừng?
Ông Vũ Tấn Phương: Tín chỉ các-bon trong lâm nghiệp bao gồm tín chỉ tạo ra từ các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ tạo ra từ hoạt động tăng hấp thụ các-bon. Về giảm phát thải, dư địa vẫn còn bởi các địa phương vẫn đang chịu áp lực về chuyển đổi rừng sang mục đích khác do các động lực triển kinh tế - xã hội, để tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương. Trong sản xuất lâm nghiệp phát thải KNK vẫn xảy ra do việc đốt sinh khối và sử dụng phân bón. Về hấp thụ các-bon, chúng ta có thể tạo ra tín chỉ các-bon thông qua các hoạt động trồng rừng mới, phục hồi rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng và áp dụng các phương thức canh tác nông – lâm kết hợp.
Tôi từng nghe một số ý kiến thắc mắc vì sao không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo thành thành rừng trồng có có sinh khối cao hơn để tạo ra tín chỉ các-bon? Có thể tính toán nhanh như sau, để hấp thụ được 1 tấn CO2 trong một năm, khu rừng đó phải có tăng trưởng gỗ là 1m3 gỗ/năm. Đối với dự án tạo tín chỉ các-bon, chúng ta phải tuân thủ một loạt các điều kiện nghiêm ngặt khác, ví dụ, không được phép trồng rừng trên đất có rừng cách đây 5 năm, 10 năm; giai đoạn duy trì tín chỉ các-bon ít nhất phải 10 năm, thậm chí có dự án lên đến 30 năm; các điều kiện về đảm bảo an toàn môi trường, xã hội; chống chuyển đổi rừng tự nhiên.
Điều này liên quan đến tính toàn vẹn cao của các dự án tín chỉ các-bon rừng. Yêu cầu chung của thị trường các-bon tự nguyện bao gồm: Tính lâu dài của việc giảm phát thải; phương pháp tính toán các-bon tin cập trong đo đạc, báo cáo và thẩm định (MRV); các điều kiện đảm bảo an toàn xã hội để tạo ra đồng lợi ích; tính bổ sung (hay nói cách khác là lượng giảm phát thải/tăng hấp thụ). Chúng ta không được phép chỉ quan tâm đến các-bon rừng mà bỏ qua các dịch vụ hệ sinh thái khác của rừng.
Thị trường các-bon về bản chất sẽ vận hành dựa trên cung – cầu. Nhu cầu về tín chỉ các-bon điều chỉnh bởi quy định quốc gia, quốc tế để đạt mục tiêu giảm phát thải cam kết. Và để có nguồn cung tín chỉ các-bon rừng, các dự án tạo tín chỉ phải đảm bảo các điều kiện trên. Ngay cả trong các quy định về chống mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), tất cả sản phẩm mà con người trực tiếp hay gián tiếp chuyển đổi từ tự nhiên sang hàng hóa đều không được phép tiêu thụ tại thị trường châu Âu. Điều này cho thấy những quy định thị trường ngày càng khắt khe.
PV: Điều này có thể hiểu rằng, có rừng nhưng chưa chắc đã có tín chỉ các-bon để bán. Khó khăn đối với Việt Nam là gì, thưa ông?
Ông Vũ Tấn Phương: Đúng vậy, việc tạo ra tín chỉ các-bon cần tuân theo các quy trình và tiêu chuẩn xác định. Về khó khăn có ba vấn đề lớn liên quan đến khung pháp lý, các vấn đề kỹ thuật và vốn.
Khung pháp lý quy định về giảm phát thải, thương mại các-bon và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ là rất quan trọng và cần sẵn sàng. Quyền các-bon là vấn đề chưa rõ ràng liên quan đến tín chỉ các-bon rừng. Do đó, các cơ quan quản lý cần làm rõ vấn đề này trong các quy định pháp luật liên quan, như Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Đất đai. Chúng ta kêu gọi đầu tư tư nhân vào ngành lâm nghiệp, trong đó có các dự án tạo tín chỉ các-bon. Vậy cơ chế đầu tư như thế nào? Chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng hiện nay là 400.000 đồng/ha/năm và khoảng 600.000 đồng/ha/năm đối với bảo vệ rừng ở vùng biên giới, hải đảo. Các chi phí này chưa tính đầy đủ các chi phí cơ hội, các giá trị hấp thụ, lưu giữ các-bon của rừng.
Bên cạnh đó, để tạo lập thị trường trong nước cần có bên cầu. Với quy định về hạn ngạch phát thải khí nhà kính, các cơ sở phát thải lớn sẽ phải đáp ứng nhĩa vụ giảm phát thải và sẽ hình thành nhu cầu mua tín chỉ để bù đắp lượng phát thải vượt hạn ngạch.
Khó khăn thứ hai về vấn đề kỹ thuật. Yêu cầu kỹ thuật của các dự án các-bon rừng hoàn toàn khác yêu cầu kỹ thuật của các dự án phát triển lâm nghiệp thông thường. Chúng ta phải xây dựng theo quy trình xác định, có hệ thống MRV và chứng minh được sự chênh lệch giảm phát thải hay tăng hấp thụ các- bon (gọi là tính bổ sung) từ các can thiệp của dự án. Theo tôi, đây là cản trở rất lớn. Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng về mặt năng lực để đáp ứng xây dựng một dự án tín chỉ các-bon. Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững hiện cũng đang hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho một số doanh nghiệp xây dựng dự án giảm phát thải theo hướng tự nguyện.
Khó khăn thứ ba về vốn. Rõ ràng nguồn vốn chính phải từ khu vực tư nhân, và vấn đề này lại liên quan chính sách. Doanh nghiệp đầu tư vì mục đích quản trị môi trường, xã hội của doanh nghiệp, nhưng họ cũng cần được hỗ trợ, khuyến khích. Có chính sách thì mới tạo động lực lớn để doanh nghiệp quyết tâm đầu tư vào.
PV: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ việc tư vấn hỗ trợ thực hiện các dự án các-bon rừng?
Ông Vũ Tấn Phương: Theo tôi, cần có khung pháp lý rõ ràng về đầu tư, quyền các-bon, chia sẻ lợi ích; cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương. Đảm bảo năng lực kỹ thuật trong toàn bộ quá trình thực hiện, đặc biệt là năng lực về xây dựng dự án, đo đạc, báo cáo và thẩm định.
Đảm bảo minh bạch, công khai thông tin, dữ liệu phục vụ cho đo đạc, báo cáo và thẩm định, chia sẻ lợi ích, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường xã hội. Bên cạnh đó, Tối ưu hóa nguồn lực đầu tư thông qua lồng ghép các chương trình, dự án, đa dạng thị trường các-bon; đảm bảo hiệu quả thực hiện.
Một số biện pháp lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính và tăng hấp thụ từ rừng đã được xác định, bao gồm cả việc áp dụng canh tác nông – lâm kết hợp. Các dự án tạo tín chỉ các-bon trong lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất cần lưu ý đến các giá trị đồng lợi ích như bảo vệ và phục hồi môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, cải thiện thu nhập của cộng đồng địa phương. Các yếu tố đồng lợi ích về phát triển bền vững sẽ giúp tăng giá trị tín chỉ các-bon rừng trong các giao dịch tín chỉ các-bon.
Tín chỉ các-bon không phải tất cả, mà là giá trị tăng thêm. Bởi vậy, mỗi địa phương, chủ đầu tư cần lựa chọn các biện pháp phù hợp với điều kiện của mình để tối ưu hóa các giá trị của rừng .
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về tín chỉ các-bon rừng với mục tiêu tạo ra tín chỉ các-bon có tính toàn vẹn và chất lượng cao. Tiêu chuẩn các-bon này sẽ được xem xét là một phần của Hệ thống Chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) để tạo ra lợi ích từ các-bon rừng như là nguồn tài chính bổ sung cho các chủ rừng. Tiêu chuẩn dự kiến sẽ được ban hành vào cuối năm 2025.