La Nina chỉ tồn tại trong thời gian ngắn đầu năm
(TN&MT) - Hiện tượng ENSO ở trong điều kiện La Nina có thể tồn tại trong thời gian ngắn, chỉ trong vài tháng đầu năm 2025.
Nhận định trên do đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra tại Hội thảo "Thông tin báo chí dự báo xu thế tình hình khí tượng thủy văn (KTTV) năm 2025 và triển khai kế hoạch phối hợp thông tin giữa cơ quan KTTV và các cơ quan báo chí, truyền thông", diễn ra sáng 17/1 tại trụ sở Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
La Nina khả năng gây mưa trái mùa ở Nam Bộ
Những ngày gần đây, thông tin La Nina xuất hiện đang được dư luận rất quan tâm. Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, mỗi pha của của ENSO (gồm El Nino và La Nina) được xác định dựa vào trị số chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương (hay còn gọi là SSTA Nino 3.4) và thời gian kéo dài của trị số này.
Cụ thể, ENSO được xác định ở trạng thái La Nina nếu SSTA Nino 3.4 dưới -0,5 độ C liên tục 6 tháng; trung tính nếu SSTA Nino 3.4 trong khoảng -0,5 đến +0,5 độ C liên tục 6 tháng. El Nino nếu SSTA Nino 3.4 trên +0,5 độ C liên tục 6 tháng.
Ở tuần giữa tháng 1/2025, chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo trung tâm Thái Bình Dương đang ở mức thấp hơn TBNN là -0,7 độ C. Dự báo, mức nhiệt này khả năng cao chỉ còn duy trì trong tháng 1. Từ tháng 2 - 4/2025, nhiệt độ mặt nước biển sẽ xuống mức thấp hơn TBNN dưới -0,5 độ C. Do đó, hiện tượng ENSO ở trong điều kiện La Nina có thể tồn tại chỉ trong vài tháng đầu năm 2025, chưa đủ dài để đạt chỉ tiêu về thời gian duy trì để xác định một chu kỳ La Nina.
“La Nina xuất hiện vào các tháng đầu năm với thời gian ngắn như vậy cũng là điều hiếm thấy, bởi La Nina thường xuất hiện vào mùa thu đông và kéo dài từ khoảng 9 – 12 tháng” – ông Khiêm chia sẻ. Trong điều kiện La Nina, có khả năng miền Nam sẽ xuất hiện mưa trái mùa cục bộ trong những tháng mùa khô đầu năm.
Nhận định về những điểm nổi bật trong dự báo xu thế tình hình KTTV năm 2025, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Giai đoạn từ tháng 1-3/2025, cần đề phòng xuất hiện các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại trên diện rộng, băng giá, sương muối ở khu vực vùng núi phía Bắc.
Trong mùa khô đầu năm 2025, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn TBNN. Dự báo từ tháng 2 - 4/2025, xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh, nông nghiệp tại các địa phương. “Tuy nhiên tình trạng xâm nhập mặn không nghiêm trọng như mùa khô năm 2015-2016 và 2019-2020” – ông Lâm nhấn mạnh.
Từ tháng 3 - 7/2025, tình hình khô hạn thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi có khả năng xảy ra tại các tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.
Nắng nóng có khả năng bắt đầu xuất hiện tại khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên vào khoảng nửa đầu tháng 3; khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây Bắc Trung Bộ vào khoảng tháng 4 và phía Đông Bắc Bộ, khu vực ven biển Trung Bộ từ khoảng tháng 5 trở đi. Nhiều khả năng nắng nóng trong năm 2025 sẽ không gay gắt và kéo dài như năm 2024.
Mùa bão trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện tương đương so với TBNN vào khoảng tháng 6. Số lượng bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN (khoảng 11-13 cơn trên biển Đông và khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền).
Trong năm 2025, dự báo có khoảng 20 đợt đợt mưa lớn diện rộng xảy ra trên toàn quốc và ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm. Các đợt mưa lớn diện rộng có khả năng bắt đầu từ tháng 6 ở Bắc Bộ, sau đó chuyển dần về phía nam và kết thúc vào khoảng tháng 12 ở các tỉnh Trung Bộ.
Bên cạnh đó, khu vực Đông Nam Bộ cần lưu ý về triều cường. Ven biển phía Đông Nam Bộ sẽ có 6 đợt triều cường cao, vào các ngày 1 - 6/3, 28/3 - 3/4, 27/4 - 3/5, 7 - 13/10, 4 - 10/11 và 4 - 10/12. Trong đó, triều cường cao nhất rơi vào các tháng cuối năm. Đợt triều ngày 4 - 10/11 và 4 - 10/12, mực nước trạm Vũng Tàu có thể đạt trên 4,3m.
Tăng cường giám sát, dự báo thiên tai trong năm 2025
Thực tiễn cho thấy, tình hình thiên tai có khả năng diễn biến phức tạp, gia tăng về tần suất và cường độ trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Do đó, để chủ động dự báo và cung cấp kịp thời thông tin, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác theo dõi, giám sát diễn biến của trạng thái khí quyển - đại dương và phát tin cảnh báo, thông báo về các thiên tai KTTV khi số liệu quan trắc và dự báo đạt ngưỡng chỉ tiêu theo quy định.
Đồng thời, theo dõi sát tình hình khí tượng thủy văn trong phạm vi cả nước, đặc biệt tập trung quan tâm đối với khu vực chịu ảnh hưởng của mỗi đợt thiên tai có nguy cơ gây tác động lớn như: bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt diện rộng, hạn hán… chủ động có công văn gửi thông tin nhận định sớm đến Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương để cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Các đơn vị dự báo KTTV chủ động bổ sung các dự báo chuyên đề, dự báo từ sớm, từ xa để chính quyền và người dân địa phương biết, chủ động trong phòng, chống. Nhất là đối với các cơn bão mạnh, mức độ ảnh hưởng lớn và các đợt mưa lũ lớn, diện rộng. Ví dụ như bản tin dự báo riêng cho huyện đảo Bạch Long Vỹ, Trường Sa, Lý Sơn…như đã từng thực hiện.
Trong thời gian tới, Tổng cục KTTV cũng sẽ tăng cường cung cấp thông tin cho cơ quan truyền thông, báo chí nhằm truyền tải khách quan, kịp thời các thông tin về thiên tai nói chung và bão/ATNĐ, mưa lũ nói riêng để cộng đồng chủ động phòng tránh. Các Đài KTTV tỉnh chủ động tăng cường công tác truyền thông đến các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Về giải pháp trong dài hạn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn chú trọng đan dày và nâng cao chất lượng quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn. Cụ thể là tăng cường số lượng và chất lượng các trạm ở các khu vực trọng điểm, trên biển và các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa. Tăng cường các quan trắc hiện đại như ra đa thời tiết, ra đa biển, ứng dụng ảnh mây vệ tinh,…
Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, hiện nay, các đơn vị trong Tổng cục đang nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo, cảnh báo thiên tai. Trước mắt sẽ ưu tiên dự báo bão, mưa và các hiện tượng nguy hiểm ít xảy ra theo quy luật thông thường. Việc sử dụng AI sẽ giúp cải thiện khả năng phân tích dữ liệu lớn (quan trắc, radar, vệ tinh, mô hình số,...) và sử dụng hiệu quả nhất trong dự báo, cảnh báo KTTV.
Cùng với nâng cao chất lượng các công nghệ dự báo, cảnh báo sớm, Tổng cục sẽ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở trong và ngoài nước; tăng cường công tác truyền thông và phổ biến kiến thức về thiên tai KTTV; tăng cường xã hội hóa để thu hút các nguồn lực;…