Nhiều thiệt hại
Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn TP. Cần Thơ thông tin, từ năm 2011 đến nay, đều xảy ra các hiện tượng thiên tai như sạt lở bờ sông, giông lốc, ngập lụt gây thiệt hại lớn về sinh mạng và tài sản của nhân dân. Trong 9 năm (từ 2011 - 2019) thiên tai đã làm 59 người chết, 21 người bị thương; làm sập, tốc mái gần 2.000 căn nhà, hơn 6,7 km bờ sông bị sạt lở, tổng thiệt hại khoảng 315 tỷ đồng.
Tại tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, năm 2019, giông lốc đã làm sập, tốc mái 240 căn nhà dân, phòng học, xảy ra 46 điểm sạt lở đất bờ sông, tổng thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù, đang là thời điểm của mùa khô, nhưng sạt lở bờ sông vẫn xảy ra ở một số huyện, thị xã.
Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long |
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Sóc Trăng cho biết, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra các hiện tượng mưa lớn, dông lốc, gió giật mạnh, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản người dân. Ngoài ra, triều cường dâng cao còn làm vỡ đê, sạt lở lộ giao thông nông thôn, gây ngập úng nhà cửa và nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong mùa khô năm 2019 - 2020, tỉnh Sóc Trăng cũng là một trong những địa phương tại khu vực ĐBSCL chịu nhiều ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng cho thấy, đến nay, đã có hơn 2.000 ha lúa ở các huyện Long Phú, Trần Đề bị ảnh hưởng và khoảng 26.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Chủ động ứng phó
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trong thời gian tới, ngoài sự nỗ lực ở mỗi địa phương thì phải có sự “đồng tâm hiệp lực” của các tỉnh, thành trong việc triển khai các dự án trọng điểm mang tính chất liên kết vùng; xây dựng cơ chế phối hợp, quản lý giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong cung cấp thông tin về diễn biến của xâm nhập mặn để chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó.
Cũng theo ông Trương Cảnh Tuyên, các tỉnh, thành cũng cần tăng cường áp dụng công nghệ 4.0 trong dự báo, theo dõi diễn biến thời tiết, thủy văn phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành theo phương châm “chủ động ứng phó”. Đồng thời, tập trung công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị và toàn dân để nâng cao nhận thức phòng, chống thiên tai, từ đó, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho toàn xã hội.
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐKH - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, để khu vực ĐBSCL không thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, trước mắt, chúng ta cần phải nghiên cứu một cách chi tiết các kịch bản nhu cầu nước ngọt của các tiểu vùng cũng như các kịch bản nguồn nước ngọt hiện tại cũng như tương lai.
Cùng với đó, nếu chúng ta kiểm soát được nhu cầu sử dụng nước ngọt thông qua các biện pháp tiết kiệm nước hay nói cách khác sử dụng hiệu quả nguồn nước và chuyển đổi một số vùng canh tác nước ngọt sang nước lợ, nước mặn cùng gia tăng tích lũy nước lũ, nước mưa, có thể giảm được các rủi ro thiếu nước.
Về giải pháp ứng phó với ngập lũ, PGS.TS. Nguyễn Hiếu Trung cho hay, cần có tiếp cận mới, trong đó, phải tận dụng được nguồn nước mặt rất dồi dào trong khoảng thời gian giữa mùa mưa và mùa khô ở các vùng giao thoa mặn ngọt hiện nay. Đây là hướng đi cấp thiết để có thể giải quyết đồng thời hai vấn đề nước chính của khu vực ĐBSCL.