Chồng nước ngoài “mất trắng” tài sản trăm tỷ sau ly hôn

17/04/2019 16:10

(TN&MT) - Ly hôn sau hơn 20 năm chung sống, khối tài sản gần 400 tỷ đồng tạo lập trong thời gian hôn nhân được TAND quận 2 (TP.HCM) tuyên là tài sản riêng của người vợ. Ông Chang Koon Yuen, quốc tịch Singapore cho rằng đây là bản án oan sai, vì cho rằng ông chính là người tạo lập lên khối tài sản này.

LY3
Căn nhà số 184 Bàu Cát, Tân Bình - một trong 8 bất động sản trong vụ án phân chia tài sản sau ly hôn

Tranh chấp khối tài sản 400 tỷ đồng

Ông Chang Koon Yuen tốt nghiệp Tiến sỹ Kỹ thuật tại Trường Đại học Strathclyde, Anh quốc năm 1983. Ông Chang đến Việt Nam đầu tư, kinh doanh, làm việc từ năm 1986 đến nay. Trong quá trình sinh sống tại Việt Nam, ông Chang Koon Yuen quen, chung sống với bà Châu Hồng Loan từ năm 1996, kết hôn năm 2003. Hai người có 03 con chung (SN: 1997, 1998 và 2003). Ông Chang Koon Yuen và bà Châu Hồng Loan ly hôn từ 13/4/2016.

Trong đơn trình bày, ông Chang Koon Yuen cho rằng, trong thời kỳ hôn nhân, hai vợ chồng có nhiều tài sản chung, trong đó có 8 bất động sản, gồm 5 bất động sản tại TP.HCM: Quyền sử dụng đất và nhà ở tại 218 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Quận 2; Quyền sử dụng đất và nhà ở tại 220 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Quận 2; Quyền sử dụng đất và nhà ở tại 184 Bàu Cát, Tân Bình; Thửa đất 303, tờ bản đồ 18, Thảo Điền, Quận 2; Quyền sử dụng đất và nhà ở tại 215G Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Quận 2. Ngoài ra, còn có: Quyền sử dụng đất và nhà ở tại Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội; Quyền sử dụng đất và nhà ở tại Do Nha, Tân Tiến, An Dương, Hải Phòng; Quyền sử dụng đất và nhà ở tại Đông Nhì, Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương.

Theo ông Yuen, các bất động sản trên được mua từ số tiền 3 triệu USD mà mẹ và chị gái gửi từ Singapore qua cho ông, cũng như số tiền ông kiếm được trong thời gian công tác tại Việt Nam nhiều năm. Còn bà Loan chỉ là một người phụ nữ bình thường, không có công ăn việc làm ổn định, không có nhiều đóng góp vào tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

Nhưng, thời điểm đó, do pháp luật Việt Nam không cho phép người nước ngoài được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên toàn bộ các tài sản nêu trên đều đứng tên bà Châu Hồng Loan. Tuy nhiên, khi ly hôn, hai vợ chồng không thống nhất được việc phân chia số bất động sản này. Ông Chang Koon Yuen đã khởi kiện tới TAND quận 2, yêu cầu được phân chia 80% giá trị của 8 bất động sản kể trên với giá trị khoảng 400 tỷ đồng.

Bản án số 70/2018, ngày 19/12/2018 của TAND quận 2 đã tuyên 6/8 bất động sản trên là tài sản riêng của bà Châu Hồng Loan; chỉ có 2 bất động sản là tài sản chung. Thế nhưng, giá trị của 2 bất động sản được tuyên là tài sản chung này lại thấp hơn số tiền mà bà Châu Hồng Loan đứng tên vay riêng của một người khác. Cho nên ông Yuen phải bù vào hơn 1 tỷ đồng để thanh toán khoản nợ riêng của bà Loan mà ông không hề biết.

Khi TAND quận 2 tuyên bản án, ông Chang Koon Yuen cho rằng đây là bản án oan sai, tước bỏ mọi quyền lợi hợp pháp của ông. Ông Yuen đã có đơn kháng cáo lên TAND TP.HCM. Ngày 10/4/2019, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, tuy nhiên, phía bà Châu Hồng Loan vắng mặt nên phiên tòa dự kiến sẽ được mở lại ngày 22/4/2019.

LY1
Hợp đồng ủy quyền thể hiện nội dung tài sản chung của hai vợ chồng

Bỏ “lọt” chứng cứ quan trọng?

Tại Bản án số 70/2018, ngày 19/12/2018, TAND quận 2 không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là ông Chang Koon Yuen về phân chia tài sản của 06 bất động sản tại TP.HCM và Bình Dương. Lý do TAND quận 2 đưa ra là ông Chang Koon Yuen đã lập các Văn bản thỏa thuận tài sản vợ chồng có công chứng đều thể hiện việc ông xác nhận những quyền sử dụng đất trên là tài sản riêng của bà Châu Hồng Loan.

Tuy nhiên, ông  Trần  Đức Tuấn, đại diện ủy quyền cho ông Chang Koon Yuen cho rằng, TAND quận 2 chỉ căn cứ vào Văn bản thỏa thuận tài sản này là chưa đúng. Bởi, trước khi có các Văn bản thỏa thuận tài sản, giữa ông Yuen và bà Loan đã lập các Hợp đồng ủy quyền (có Công chứng), xác định các bất động sản trên là tài sản chung của hai người.

Ví dụ như, đối với thửa đất số 220 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM), dù ngày 10/10/2011, ông Yuen và bà Loan lập Văn bản thỏa thuận tài sản vợ chồng như Tòa viện dẫn; nhưng trước đó ngày 07/01/2011, ông Yuen và bà Loan đã cùng ký một bản Hợp đồng ủy quyền. Nội dung Hợp đồng ủy quyền này gồm: “Bên A (Chang Koon Yuen) và bên B (bà Châu Hồng Loan) được quyền sử dụng đối với thửa đất 220 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2. Bên B được thay mặt bên A quản lý, cho thuê, cho mượn, thanh lý hợp đồng cho thuê…”. Hợp đồng ủy quyền này có thời hạn 15 năm, đến nay vẫn còn giá trị pháp lý.

Ngoài ra, tại bản Hợp đồng bà Loan cho Cty TNHH An Khang thuê quyền sử dụng đất của thửa đất này (cũng ký ngày 07/01/2011) cũng nêu: “Bà Châu Hồng Loan hành động nhân danh cá nhân và đại diện cho chồng là ông Chang Koon Yuen”.

Điều đáng nói, cả Hợp đồng ủy quyền, Văn bản thỏa thuận tài sản và Hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất của thửa đất số 220 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2 đều được lập tại Phòng Công chứng số 4 TP.HCM.

“Vậy mà, trong quá trình xét xử, TAND quận 2 lại bỏ qua những tài liệu đặc biệt quan trọng này để xác định tài sản chung, riêng là điều không thể chấp nhận được” - ông Trần  Đức Tuấn nói.

LY2
02 Giấy vay mượn tiền giữa bà Châu Hồng Loan và bà Đinh Mai Hương

Sử dụng chứng cứ thiếu cơ sở?

Bản án số 70/2018, ngày 19/12/2018 cũng chấp nhận một phần yêu cầu của ông Chang Koon Yuen về chia tài sản với 2 bất động sản, gồm: Quyền sử dụng đất và nhà ở tại Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội; Quyền sử dụng đất và nhà ở tại Do Nha, Tân Tiến, An Dương, Hải Phòng. Lý do là do cả hai người đều không chứng minh được là tài sản riêng, mặc dù bà Loan đứng tên mua và đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hai tài sản này có giá trị 12,7 tỷ đồng, trong đó ông Yuen được chia 6,35 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Yuen phải có nghĩa vụ thanh toán 1/2 số tiền mà bà Loan đã đứng tên vay của bà Đinh Mai Hương (theo giải thích của bà Loan là để mua 2 thửa đất này). Cụ thể, ngày 26/6/2007 và ngày 28/11/2008, bà Loan có ký giấy vay mượn bà Hương số tiền lần lượt là 3,1 tỷ đồng và 3,5 tỷ đồng. Do bà Loan mới trả lãi suất một vài tháng đầu, còn lại chưa trả tiền lãi nên tổng số tiền gốc và lãi phải thanh toán là 15,4 tỷ đồng (ông Yuen và bà Loan mỗi người phải trả 7,74 tỷ đồng). Như vậy, sau khi cần trừ đi số tiền được chia, ông Yuen phải bỏ ra hơn 1 tỷ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Tại quá trình xét xử cũng như trình bày tại phiên tòa, ông Chang  Koon Yuen cho rằng, bà Châu Hồng Loan và bà Đinh Mai Hương đã lập giả giấy vay nợ nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của ông. Bởi, từ trước đến nay, ông không hề biết giấy vay mượn, cũng không hề biết bà Đinh Mai Hương là ai. Đặc biệt, một điều vô lý là bà Loan ở TP.HCM, còn bà Hương ở Hà Nội; không quen biết lại cho vay số tiền 3,1 tỷ đồng năm 2007 và 3,5 tỷ đồng năm 2008. Sau đó chỉ nhận tiền lãi vài tháng; từ 2008 đến năm 2018 mới đi đòi nợ?!

Ngoài ra, theo ông Yuen, nội dung vay cũng rất phi lý bởi các thửa đất mà Giấy vay nợ nêu được mua chỉ có 600 triệu đồng và khoảng 1 tỷ đồng; vậy mà số tiền vay lại là 3,1 tỷ đồng và 3,5 tỷ đồng. Ông Yuen cho rằng, đây là những điều hết sức vô lý, việc TAND quận 2 sử dụng những tài liệu này để tuyên án khi chưa xác minh, giám định là điều khó chấp nhận được.

Lý giải vấn đề này, TAND Quận 2 cho biết: “Bà Hương không có quan hệ thân thích với bà Loan, việc ký nhận nợ một số tiền lớn sẽ phát sinh trách nhiệm dân sự của chính bà Loan nên không có cơ sở để xác định việc tạo lập các tài liệu trên là không có thật”. Trong khi đó, cũng theo TAND Quận 2, tại Kết luận giám định số 1426/KLGĐ-TT ngày 30/8/2018 của Công an TP.HCM cho biết, không đủ cơ sở kết luận giám định về thời gian tạo lập các giấy vay nợ giữa bà Châu Hồng Loan và bà Đinh Mai Hương…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chồng nước ngoài “mất trắng” tài sản trăm tỷ sau ly hôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO