Sau vụ cháy tại chợ Quang (huyện Thanh Trì, Hà Nội), phóng viên báo Lao Động đã có cuộc khảo sát nhanh thực trạng phòng chống cháy nổ tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội. Theo ghi nhận, các chợ đều có trang bị phương tiện PCCC, tuy nhiên công tác PCCC chỉ làm cho có lệ, còn tiểu thương thì không phải ai cũng có kiến thức về PCCC.
Chợ Nghĩa Tân, có diện tích khoảng 6.000m2. Ban quản lý chợ cho biết mỗi năm đều tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy từ một đến hai lần cho các tiểu thương. Tuy nhiên chỉ 50% tiểu thương tham gia, thậm chí đến học lý thuyết, có người còn ngủ gật.
Ngoài trang bị bình chữa cháy ở các kiốt, tại một địa điểm thông thoáng dễ thấy ở chợ còn đặt khoảng hơn 30 bình chữa cháy lớn nhỏ. Chị Đào Thị Huệ (30 tuổi – tiểu thương bán vải) cho biết: “Tất cả các hộ kinh doanh ở đây đều được tập huấn phòng cháy chữa cháy cả lý thuyết và thực hành. Tuy nhiên, việc sử dụng bình cũng như hiểu biết về PCCC còn hạn chế”.
Khi được hỏi hiểu biết sử dụng bình cứu hỏa, với tâm lý “mất bò mới lo làm chuồng”, một số tiểu thương nói: Không biết dùng, cháy đã có đàn ông lo.
Chợ Cầu Diễn hiện có khoảng 30 kiốt, tương đương diện tích gần 4000m2. Ban quản lý chợ này cho biết mỗi năm tổ chức diễn tập 1 lần, chợ có đặt 8 họng nước vách tường, 2 máy bơm điện và một máy bơm xăng. Các tiểu thương được học lý thuyết và thực hành dùng bình ngay tại cổng chợ.
Tại khu chợ này, do lâu ngày không được sử dụng nên các trụ bơm nước đều đã bị hoen gỉ. Biển nội quy phòng cháy chữa cháy đặt trên cao, sát với trần nhà và chữ rất nhỏ khiến người dân khó tiếp cận.
Mạng lưới dây điện mắc chằng chịt tại khu bán đồ tươi sống nhưng không hề có bóng dáng của bình cứu hỏa. Chỉ có các tiểu thương buôn bán đồ khô mới trang bị bình riêng. Còn lại hộ kinh doanh thực phẩm tươi khá chủ quan với vấn đề này.
Tại chợ Cầu Giấy, hiện có khoảng hơn 10 điểm đặt các hộp chữa cháy và chuông báo cháy. Sơ đồ thoát nạn được đặt ở cầu thang lên tầng 2 của chợ để hướng dẫn người dân, tiểu thương nếu chẳng may gặp hỏa hoạn. Tuy không lớn như chợ Nghĩa Tân nhưng hệ thống PCCC ở đây khá khoa học.
Bà Nguyễn Thị Xuyến kinh doanh hàng cơm tại chợ cho biết: “Mỗi năm chúng tôi được diễn tập 3- 4 lần, mỗi lần đi tập huấn còn được hỗ trợ 30.000 đồng, đến bây giờ chúng tôi đều biết cách sử dụng bình chữa cháy bột”.
Sau cháy ở chợ Quang (Thanh Trì) các tiểu thương đều lo lắng, e ngại về tình trạng cháy nổ liên tiếp hiện nay, nhưng họ lại chưa chủ động tìm hiểu về kiến thức PCCC cho riêng mình.