Theo công văn này, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có chủ trương cho các ngân hàng thương mại khoanh nợ vốn vay của những hộ nông dân vay đầu tư vào trồng hồ tiêu bị chết, chưa có khả năng trả.
Theo Thống đốc, phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Chính phủ và ngành ngân hàng xác định là lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn đầu tư vốn phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đồng thời góp phần đơn giản thủ tục, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi, để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Theo quy định tại Nghị định 55, trường hợp thiên tai dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản công bố thiên tai, dịch bệnh, xảy ra trên phạm vi rộng và tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Trên cơ sở báo cáo và đề nghị của UBND cấp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức tín dụng được thực hiện khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong thời gian tối đa 2 năm và các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ.
Đối với trường hợp cử tri Gia Lai kiến nghị, căn cứ theo Nghị định 55, nếu các hộ dân trồng tiêu bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh có thể kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai triển khai các thủ tục theo quy định để thực hiện khoanh nợ. Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ khoanh nợ đối với các hộ nông dân vay vốn trồng hồ tiêu bị thiệt hại theo quy định.
Cũng liên quan đến vấn đề này, vào ngày 30/11/2018, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tỉnh Gia Lai cần phải có chủ trương kịp thời hơn để giải quyết vấn đề đời sống nhân dân bằng cách kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, với Ngân hàng Nhà nước về các chính sách, đề xuất các giải pháp hỗ trợ để giúp bà con tiếp tục đầu tư làm ăn, yên tâm lao động sản xuất.
Bắt đầu từ năm 2016, kể từ khi cây tiêu chết dần và đến năm 2018 thì tới phiên dân “chết” khi giá tiêu xuống đáy thê thảm thì cuộc sống của người dân thủ phủ hồ tiêu Chư Pưh lâm vào cảnh khốn cùng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ cho vay để nông dân trồng, chăm sóc hồ tiêu là 4.382 tỉ đồng, riêng huyện Chư Pưh chiếm khoảng 1.500 tỉ đồng với 8.104 hộ vay (tất cả đều là hộ gia đình, cá nhân, không có doanh nghiệp).