Xã hội

Đắk Nông: Phát huy thế mạnh đất đai để phát triển kinh tế

Phạm Hoài 25/03/2024 - 19:22

Đắk Nông có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 378.000 ha, chiếm 58% diện tích tự nhiên. Diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt trên 86.000 ha, cây lâu năm khoảng 235.000 ha.

Đây là một trong những yếu tố rất thuận lợi để Đắk Nông phát huy tiềm năng đất đai trong phát triển nông nghiệp giúp đời sống người dân ngày một ổn định, thoát nghèo. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT có buổi trao đổi với ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông.

anh-anh-yen.jpg
Ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông

Phóng viên: Đắk Nông là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên có nhiều lợi thế về đất đai trong phát triển nông nghiệp. Vậy địa phương đã tận dụng lợi thế này như thế nào và đạt những kết quả gì trong thời gian qua, thưa ông ?

Ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: Đắk Nông là một trong năm tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên với quỹ đất nông nghiệp hết sức màu mỡ thuận tiện cho phát triển các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, cao su…giúp người dân phát triển kinh tế ổn định đời sống. Xác định được điều đó, những năm qua UBND tỉnh Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch nhằm đẩy mạnh năng suất cây trồng trên diện tích đất nông nghiệp giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.

Cụ thể, tăng trưởng khu vực nông nghiệp tỉnh Đắk Nông những năm qua luôn ở mức khá, bình quân đạt 4,6%/năm, chiếm tỷ trọng 37% cơ cấu nền kinh tế. Địa phương đã định hình, phát triển được 23 sản phẩm chủ lực; công nhận 52 sản phẩm OCOP, 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 2.400ha; có trên 26 nghìn ha cây trồng các loại được tổ chức sản xuất có chứng nhận.

Đến nay, Đắk Nông đã định hình, phát triển được 23 sản phẩm chủ lực, ngành hàng thế mạnh, tiềm năng với năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản được cải thiện đáng kể. Như cà phê 139.932 ha với 356.612 tấn, đứng thứ 3 toàn quốc; hồ tiêu 33.985 ha, với 69.762 tấn, đứng thứ nhất toàn quốc; sầu riêng 6.139 ha, với 22.281 tấn; bơ hơn 3.151 ha, với 15.766 tấn; mắc ca 1.946 ha, với 268 tấn.... Giá trị sản xuất trung bình trên 1 ha đất nông nghiệp đạt 90 triệu đồng năm 2022. Thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 35 quốc gia, vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng khá, giá trị đạt khoảng 800 triệu USD/năm...

Phóng viên: Để nâng cao giá trị cây trồng cũng phát huy hiệu quả nguồn lực đất nông nghiệp thì tỉnh Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch và phương pháp thực hiện nào,thưa ông ?

Ông Lê Trọng Yên: Sau gần 20 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, đồng bào 40 dân tộc anh em tỉnh Đắk Nông đã ra sức thi đua lao động, sản xuất, đẩy lùi lạc hậu, đói nghèo, phát triển kinh tế-xã hội để đưaĐắk Nông thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá ở Tây Nguyên vào năm 2025. Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, sâu rộng của cả hệ thống chính trị, của từng cá nhân cán bộ, công chức và toàn thể nhân dân. Đặc biệt, ngành nông nghiệp luôn có các biện pháp, chiến lược cụ thể trong việc hỗ trợ, định hướng cho người dân phát triển cây trồng phù hợp, phát huy được hiệu quả kinh tế.

Hiện tại, toàn tỉnh hình thành 65 liên kết thuộc 9 ngành hàng nông sản với 9.660 hộ dân tham gia; 72 doanh nghiệp chế biến và hàng trăm cơ sở, hộ gia đình sơ chế, chế biến quy mô nhỏ; 22 mã số vùng trồng và 5 cơ sở được cấp mã số đóng; 68 cơ sở/139 sản phẩm áp dụng mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm; công nhận được 60 sản phẩm OCOP; hỗ trợ đưa 15 sản phẩm lên sàn shopee, 47 sản phẩm tham gia sàn voso.vn, 25 sản phẩm được tạo gian hàng trên sàn postmart và 22 sản phẩm lên sanocop.vn...

Ngoài ra, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), bền vững theo chuỗi giá trị ngày càng được chú trọng. Tỉnh đã thành lập 1 khu NNƯDCNC với diện tích 120 ha; công nhận được 4 vùng NNƯDCNC với quy mô 2.423,17 ha và 2 doanh nghiệp NNCNC. Toàn tỉnh hiện có trên 85.000 ha ứng dụng một phần công nghệ cao, với sản lượng trên 400.000 tấn/năm... góp phần nâng cao hiệu quả, giảm được nhiều chi phí sản xuất và nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.

anh-2-bai-1.jpg
Người dân vui mừng vì được mùa cà phê

Phóng viên: Theo kế hoạch số 219/KH-UBND, ngày 11/4/2023 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đến năm 2025 Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá và phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên. Để thực hiện được điều này, tỉnh đã có những biện pháp như thế nào để tiếp tục khai thác hiệu quả lợi thế về đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế ?

Ông Lê Trọng Yên: Để đạt được mục tiêu trên tỉnh Đắk Nông quyết tâm thực hiện có hiệu quả các tiểu dự án thành phần về giảm nghèo. Trong đó, nổi bật như Tiểu dự án 1 về Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Dự án đa dạng hoá sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cải thiện dinh dưỡng; Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…Ngoài ra, tập trung khai thác hiệu qủa quỹ đất nông nghiệp giúp người dân có điều kiện canh tác các loại cây trồng phù hợp giúp giảm nghèo.

Địa phương sẽ nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất, ứng dụng công nghệ cao dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt từ 20% trở lên.Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt ít nhất 10% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh phấn đấu phát triển các chuỗi liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân. Cùng với phát triển nông nghiệp, quá trình phát triển kinh tế rừng bền vững thông qua trồng cây đa mục đích, cây phân tán, dược liệu dưới tán rừng, du lịch sinh thái… sẽ được tỉnh đẩy mạnh.

Đến năm 2030, trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Đắk Nông thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận, nông nghiệp sạch, hữu cơ… ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Toàn tỉnh hình thành, phát triển một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở các vùng nông nghiệp tập trung đã có. Giá trị nông sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt ít nhất 20% tổng giá trị sản lượng ngành nông nghiệp. Đắk Nông xây dựng một số cơ sở chế biến nông sản có quy mô và công suất lớn. Hoạt động chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ, hình thành kinh tế lâm nghiệp bền vững sẽ được địa phương đẩy mạnh.

Xin trân trọng cảm ơn ông !

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Phát huy thế mạnh đất đai để phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO