Dù đã được dự báo trước, song dường như chúng ta vẫn “ngỡ ngàng” trước những tổn thất phải gánh chịu.
Số liệu từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho thấy, 9 tháng năm 2022, thiên tai đã làm 119 người thiệt mạng và mất tích, hơn 440 ngôi nhà sập đổ, gần 7.000 ngôi nhà bị hư hại, hơn 200.000ha lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; hàng loạt công trình cơ sở hạ tầng bị hư hại... Ước tính tổng thiệt hại đến nay, đã lớn hơn cả năm 2021. Điều này cho thấy, tình hình thiên tai năm nay diễn ra tương đối phức tạp, khốc liệt, bất thường.
Suốt chiều dài đất nước, bão lũ, sạt lở đất không chỉ còn là “đặc sản” của miền Trung, mà đã lan xuống Nam Trung Bộ, ngược lên các tỉnh miền núi phía Bắc và để lại những dư chấn nặng nề. Cũng không riêng năm nay, năm nào Việt Nam cũng bị thiệt hại người và của, thiệt hại về mặt kinh tế ước từ 1 - 1,5% GDP.
Thiên tai vốn dĩ khó lường, cả về hậu quả, quy mô và mức độ. Dù đã được dự báo trước có diễn biến khí hậu bất thường hơn cùng với sự ấm lên toàn cầu, song dường như chúng ta vẫn ngỡ ngàng trước những tổn thất đang phải gánh chịu.
Dẫu biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu - câu chuyện đã được dự báo, ngày nay và mai sau, nhân loại không thể không đối mặt. Đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và luôn coi công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai là việc phải làm thường xuyên, được pháp luật quy định.
Song thực tế, nhiều khi chúng ta lo xây dựng, phát triển kinh tế với những kế hoạch, chỉ tiêu tăng trưởng nhưng khi khả năng đó cận kề trong tầm tay thì thiên tai và nhân tai cùng kết hợp xuất hiện lấy đi những thứ chúng ta chắt chiu tích lũy được. Thiệt hại lớn đâu chỉ là mất mát của cải vật chất mà là tính mạng con người - không thể bù đắp. Khi cái cây cuối cùng bị chặt, con cá cuối cùng bị chết, dòng sông cuối cùng bị đầu độc, sẽ quá muộn để người ta nhận ra rằng, thịnh vượng, tăng trưởng không chỉ là GDP!
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, những tháng cuối năm 2022, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường với 8 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông. Trong đó, 3 đến 5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta, dồn dập trong tháng 10 và 11/2022. Đồng thời, mưa ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, nhất là tại khu vực nhiều đối núi như Trung Bộ, Tây Nguyên.
Dự báo đã có, cảnh báo đã rõ. Đã đến lúc cần đặt lại vấn đề - phòng chống thiên tai và nhân tai là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng, phát triển kinh tế. Nghĩa là nó phải được tính toán toàn diện, kỹ lưỡng trong mỗi kế hoạch phát triển, cho cả lâu dài và trước mắt.
Dù còn nhiều mối lo, nhưng tai họa từ thiên tai hoàn toàn có thể kiểm soát và giảm thiệt hại nếu chúng ta có ý thức cộng đồng và sớm lên phương án phòng ngừa với một thái độ trách nhiệm và một ý thức nghiêm cẩn.