Thị trấn sinh thái trong quy hoạch chung
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng cho việc hình thành 3 thị trấn sinh thái, bao gồm: Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ trong khu vực hành lang xanh; khuyến khích sự phát triển của các đô thị này theo mô hình sinh thái, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.
GS.TS.KTS Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, Hội đang triển khai đồ án “Nghiên cứu đồ án quy hoạch đô thị sinh thái theo quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội” trên cơ sở xây dựng những tiêu chí về đô thị sinh thái, thông qua bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới, dựa trên chỉ số đô thị tăng trưởng xanh của OECD, Tiêu chuẩn quốc tế về đô thị sinh thái, Tiêu chuẩn đánh giá về khả năng cạnh tranh của một đô thị, Tiêu chí đánh giá đô thị lành mạnh, Bộ chỉ số về đô thị xanh... Từ đó sẽ xây dựng được bộ tiêu chí về đô thị sinh thái phát triển bền vững trong điều kiện của Thủ đô.
Tại Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các thị trấn sinh thái là mô hình đô thị sinh thái phát triển với mục tiêu cân bằng giữa khu làng hiện hữu và khu phát triển mới và giảm tối thiểu đến việc phải di dân. Các đô thị sinh thái sẽ đem lại lợi ích xã hội cho người dân đang sinh sống tại các khu làng hiện hữu, chuyển đổi các mô hình kinh doanh sang giá trị cao hơn thông qua nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của tương lai gắn liền với việc bảo tồn làng hiện hữu.
Các thị trấn sinh thái trong Quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2030 được nằm trên hành lang xanh theo hướng Bắc Nam, có 3 điểm giao cắt với Quốc lộ 6, Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 32, kết nối với 3 đô thị phía tây hành lang xanh: Sơn Tây, Hòa Lạc và Xuân Mai; các thị trấn sinh thái dọc hành lang này sẽ là điểm chuyển tiếp giữa các đô thị với vùng nông thôn.
Đô thị Phúc Thọ sẽ nằm ở điểm giao cắt Quốc lộ 32 và tuyến đường cảnh quan Bắc Nam đã được đề xuất; đô thị Quốc Oai nằm dọc đại lộ Thăng Long và ở điểm giao cắt với đường cảnh quan bắc nam; đô thị Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) nằm ở điểm giao cắt Quốc lộ 6 và tuyến đường cảnh quan Bắc Nam
Theo TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, các thị trấn sinh thái sẽ được phát triển theo hướng hạn chế các loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, quản lý chặt chẽ về mật độ xây dựng, tầng cao công trình, loại hình công trình, hình thái kiến trúc... Cùng với đó là hình thành các thị tứ để thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng nông thôn, bao gồm các chức năng về hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, trung tâm hỗ trợ sản xuất...
Ưu tiên hạ tầng đô thị xanh
Theo GS.TS Đỗ Hậu, việc nghiên cứu mô hình thị trấn sinh thái ở mỗi khu vực đều có giải pháp khác nhau. Đối với Thủ đô Hà Nội việc phát triển các đô thị sinh thái – thị trấn sinh thái phải theo tiêu chí phát triển bền vững trong điều kiện của Thủ đô.
Để hình thành được các khu vực thị trấn sinh thái làm động lực cho quá trình phát triển của các khu vực nông thôn, nơi đang duy trì tổ chức làng hiện hữu cần phải ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ kỹ thuật vật liệu sạch.
Hiện nay, cộng đồng dân cư vẫn chưa ý thức sâu sắc được nhu cầu cấp thiết của việc xây dựng một đô thị xanh, nên cần phải tuyên truyền, vận động, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh, bảo vệ môi trường. Nhà nước cũng cần phải xây dựng chính sách cụ thể để ưu tiên phát triên đô thị theo hướng tăng trưởng xanh.
“Đối với Thủ đô Hà Nội việc đưa nội dung phát triển xanh, tiêu chí xanh và công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị là hết sức cần thiết. Tất cả những vấn đề như: cấp thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế và không gian xanh đô thị”, GS.TS Đỗ Hậu nói.