Cát tặc lộng hành ai chịu trách nhiệm?

26/07/2016 00:00

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng loạt bài “Thượng nguồn Sông Lô: Cát tặc tung hoành”, ngay sau đó UBND tỉnh Hà Giang, Sở TN&MT Hà Giang gửi Công văn yêu cầu các địa phương phải xử lý dứt điểm tình trạng tập kết, kinh doanh và khai thác cát trái phép trên Sông Lô, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/6/2016.

Khai thác cát trái phép trên Sông Lô
Khai thác cát trái phép trên Sông Lô

Báo động!

Theo kết quả kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn của TP. Hà Giang và huyện Vị Xuyên của Sở TN&MT tỉnh Hà Giang vào 21/6/2016 cho thấy, có 25 cơ sở có hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Cụ thể, trên địa bàn TP. Hà Giang có 12 cơ sở, tập trung chủ yếu trên địa bàn phường Quang Trung, xã Phương Độ và Phương Thiện. Trong đó, có 12 cơ sở khai thác cát sỏi (5 cơ sở được cấp phép khai thác, 4 cơ sở được cấp phép thăm dò, 3 cơ sở chưa được cấp phép); tuy vậy, cả 5 cơ sở này đều chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục sau khi cấp phép như: Lập, nộp thiết kế mỏ, thông báo bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ, đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày đưa mỏ vào hoạt động, hoàn thiện các thủ tục về đất đai… theo quy định của pháp luật. Đối với 3 cơ sở không phép, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu dừng hoạt động khai thác trái phép và yêu cầu di dời máy móc ra khỏi khu vực trái phép trước ngày 15/6.

Còn tại huyện Vị Xuyên, có 13 cơ sở khai thác cát sỏi, tuy vậy, trong đó, chỉ có Doanh nghiệp tư nhân xây lắp Tiến Sơn (chủ đầu tư khai thác cát, sỏi tại mỏ cát, sỏi lòng Sông Lô, thôn Tân Đức, xã Đạo Đức) được cấp Giấy phép thăm dò cát sỏi, hiện, đang hoàn thiện thủ tục đề nghị cấp phép khai thác theo quy định. 12 cơ sở còn lại đều khai thác không phép nhưng đã đầu tư máy móc, thiết bị, san gặt mặt bằng tập kết vật liệu, mở đường vận tải và khai thác trái phép. Đoàn công tác yêu cầu các cơ sở này dừng hoạt động khai thác trái phép và yêu cầu di dời máy móc ra khỏi khu vực trái phép trước ngày 15/6.

Trên thực tế, Doanh nghiệp tư nhân Tiến Sơn thời gian qua, vẫn tổ chức “móc chui” tài nguyên khoáng sản Sông Lô có tổ chức, quy mô lớn và ngang nhiên thách thức dư luận, thách thức cơ quan chức năng. Ngoài việc doanh nghiệp này chưa được phép khai thác cát sông Lô, tập kết, kinh doanh cát, họ còn kéo thêm người thân ngang nhiên tổ chức tàu hút cát Sông Lô, hình thành bãi tập kết và kinh doanh cát trái phép, quy mô cả trăm mét vuông ngay sát bãi tập kết của doanh nghiệp. Ngày 20/7, khi phóng viên có mặt tại xã Đạo Đức, bãi tập kết, kinh doanh cát của Doanh nghiệp này vẫn hoạt động, dưới Sông Lô, 3 chiếc tàu vẫn hút cát.

Báo cáo của Sở TN&MT Hà Giang chỉ ra, việc quản lý khai thác cát, sỏi trên địa bàn TP. Hà Giang còn hạn chế, cụ thể, UBND TP chưa có biện pháp xử lý mạnh và kiên quyết, chỉ mới lập biên bản, yêu cầu các cơ sở khai thác trái phép dừng hoạt động, di chuyển trang thiết bị khai thác ra khỏi khu vực khai thác. Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, không xử lý triệt để được hành vi vi phạm của các cơ sở khai thác trái phép, chưa xử phạt vi phạm hành chính thỏa đáng, nhất là việc hậu kiểm chưa được quan tâm thực hiện. Do đó, các cơ sở khai thác trái phép, mặc dù, đã có biên bản của UBND TP. Hà Giang yêu cầu di dời máy móc, thiết bị, nhưng vẫn không thực hiện, tại thời điểm, Đoàn Kiểm tra của Sở kiểm tra đa số các cơ sở không thực hiện.

Tại huyện Vị Xuyên, còn buông lỏng, bộc lộ nhiều hạn chế chưa được khắc phục. Cụ thể, chưa kiểm tra, hoặc chỉ kiểm tra khi có chỉ đạo của cấp trên, chưa kiểm soát thường xuyên tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn. Bên cạnh đó, chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản theo quyết định của tỉnh. Việc xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế, hầu như chưa áp dụng các mức xử phạt theo quy định, chưa mang tính răn đe dẫn tới các cơ sở khai thác trái phép không tuân thủ quy định của pháp luật mà vẫn hoạt động công khai.

Điều lạ lùng, trong Công văn UBND tỉnh phát đi lại “quên” nhắc tới huyện Bắc Quang, huyện có nạn “cát tặc” nhức nhối lâu nay. Chỉ tính riêng thị trấn Vĩnh Tuy, đã có 5 cơ sở kinh doanh, tập kết, khai thác cát Sông Lô trái phép. Đó là chưa kể nhiều cơ sở ở xã Hùng An, thị trấn huyện Bắc Quang…

Phóng viên tiếp cận với các chủ bãi ở Thị trấn Vĩnh Tuy – huyện Bắc Quang
Phóng viên tiếp cận với các chủ bãi ở Thị trấn Vĩnh Tuy – huyện Bắc Quang

Ai chịu trách nhiệm?

Ngày 28/6/2016, UBND tỉnh Hà Giang đã có Công văn số 2009 về việc giải tỏa dứt điểm các cơ sở khai thác cát, sỏi trái phép tại huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang trên cơ sở báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn.

Sở TN&MT Hà Giang đã khẳng định, để chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản cát sỏi trái phép trên địa bàn 2 địa phương trên, đảm bảo quyền lợi của các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo giao Sở TN&MT căn cứ quy định của pháp luật khoáng sản, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở trong công tác thẩm định hồ sơ cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp phép khai thác cát sỏi xuống còn 2/3 thời gian so với quy định; tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ chuyên môn quản lý tài nguyên khoáng sản cho đội ngũ cán bộ Phòng TN&MT, địa chính cấp xã.

UBND tỉnh Hà Giang cũng giao UBND thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản chưa khai thác theo phương án đã được UBND tỉnh, huyện, thành phố phê duyệt. Đồng thời, xử lý nghiêm theo thẩm quyền những hoạt động vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản; báo cáo các khó khăn, kiến nghị, đề xuất về UBND tỉnh qua Sở TN&MT hàng quý để tổng hợp xử lý; tăng cường tuyên truyền phổ biến về pháp luật khoáng sản, bố trí kinh phí hàng năm cho các xã, phường trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu Chủ tịch huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giải tỏa dứt điểm các cơ sở khai thác cát, sỏi không phép trên địa bàn, nhất là đối với các cơ sở trên địa bàn xã Đạo Đức và thị trấn Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên); cơ sở khai thác tại thôn Cầu Mè, xã Phương Thiện… chậm nhất vào ngày 30/6/2016.

Sau ngày này, nếu các cơ sở chưa di dời máy móc thiết bị khỏi khu vực khai thác, hoặc còn tái diễn trên địa bàn xã, thị trấn nào, lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, thành phố; Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Tuy vậy, theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi, tại xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, có 2 bãi tập kết, kinh doanh và tổ chức hút cát trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động, mặc cho lệnh cấm của chính quyền địa phương. Ở xã Phương Độ, TP. Hà Giang còn có nhiều bãi tập kết, kinh doanh cát trái phép đang hoạt động. Riêng HTX Định Lượng và Công ty TNHH Thanh Thủy, khi chúng tôi vào làm việc, họ đều khẳng định là có đầy đủ Giấy phép khai thác khoáng sản Sông Lô, Giấy phép kinh doanh, tập kết cát, sỏi… Song, khi chúng tôi đề nghị được xem các văn bản giấy tờ trên, họ lấy lý do để ở trụ sở Công ty trên TP. Hà Giang và không cung cấp.

Trong khi đó, thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn tấp nập(?)! Chỉ duy nhất huyện Vị Xuyên có giảm so với đầu tháng 6/2016, nhưng vẫn rất phức tạp, nhất là tại các xã Đạo Đức, Phương Tiến…

Rõ ràng, tinh thần Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Giang về dẹp bỏ nạn cát tặc, kinh doanh, tập kết cát trái phép trên địa bàn trước 30/6/2016 đã không được UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!

Trường Giang - Doãn Xuân

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cát tặc lộng hành ai chịu trách nhiệm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO