Cao Bằng: Chủ động phòng, chống thiên tai

Hoàng Huệ| 23/06/2022 22:24

(TN&MT) - Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường của thiên tai, tỉnh Cao Bằng trong những năm qua đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai nhiều phương án, giải pháp phòng, chống thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó kịp thời, phù hợp với mọi tình huống, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

1.jpg
Lực lượng chức năng bố trí nhân lực, máy móc để khắc phục sự cố sạt lở đất tại tuyến đường Quốc lộ 4A đoạn qua xã Quang Trung, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng).

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PTDS, PCTT&TKCN) tỉnh Cao Bằng, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn có những diễn biết phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều kiểu thời tiết cực đoan.

Toàn tỉnh đã xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại; 6 đợt mưa lớn kèm theo gió lốc, sạt lở đất đá, ngập úng, gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân; tổng giá trị thiệt hại khoảng 34,5 tỷ đồng. Trong đó, có 3 người thiệt mạng; 78 nhà bị sạt lở đất, 2 nhà bị tốc mái, 4 nhà bị ngập nước; trên 662 ha hoa màu bị thiệt hại, 1.304 con gia súc, gia cầm bị chết rét, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông như: QL34, QL34B, QL4A, ĐT212, ĐT216… bị sạt lở khối lượng lớn đất, đá và nhiều tuyến giao thông nông thôn bị xói, sạt lở.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, để giảm thiểu tối đa thiệt hại và ổn định đời sống cho người dân, tỉnh Cao Bằng đã chú trọng việc nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, chủ động triển khai các phương án ứng phó với thiên tai.

Đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra như: thực hiện công tác trồng và bảo vệ rừng; rà soát các khu vực xung yếu, trọng điểm trên địa bàn tỉnh thường xảy ra thiên tai; thường xuyên kiểm tra, rà soát những vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, đá để thực hiện di dời dân cư, bố trí lại dân cư; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, thông tin kịp thời đến người dân sinh sống ở những vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đá chủ động phòng tránh. Xây dựng, củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã để đảm bảo thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.

Bà Ma Thị Huyền Linh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục thủy lợi tỉnh Cao Bằng cho biết: Với những diễn biến bất thường của thời tiết, Ban Chỉ huy PTDS, PCTT&TKCN tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Đối với công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, toàn tỉnh đã tiến hành rà soát khu vực dân cư trong vùng nguy cơ sạt lở để bổ sung kế hoạch di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, với tổng số hơn 800 hộ; lập kế hoạch di dời các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai theo hình thức xen ghép, kết quả thực hiện đến tháng 5/2022 đã di dời được 58/82 hộ dân. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn công trình đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện để xác định công trình có nguy cơ, sự cố mất an toàn.

2-1500-x-844-.jpg

Các trận mưa lớn kéo dài gây sạt lở, nhiều tài sản của một số hộ gia đình trên địa bàn huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) cũng bị đất đá vùi lấp, gây thiệt hại nặng nề.

“Trong năm 2022, tỉnh Cao Bằng bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện dự án sửa chữa cấp bách công trình phòng, chống thiên tai trọng yếu như: sửa chữa cống ngầm và một số đoạn kênh xung yếu công trình hồ Bản Viết, huyện Trùng Khánh, trị giá 4,6 tỷ đồng; bố trí hỗ trợ di dời dân ra khỏi vùng thiên tai theo hình thức xen ghép hơn 1,6 tỷ đồng; sử dụng kinh phí từ Quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh xử lý khẩn cấp đảm bảo an toàn khu vực có nguy cơ lở đá tại xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa với hơn 346,8 triệu đồng”. Bà Ma Thị Huyền Linh cho biết thêm.

Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, hằng năm vào mùa mưa bão thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…, do đó công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh Cao Bằng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Công tác khắc phục hậu quả thiên tai đối với các công trình hạ tầng, các dự án di dời dân cư ra khỏi vùng nguy cơ cao về thiên tai chưa thực hiện được triệt để do nguồn kinh phí đầu tư lớn vượt quá khả năng của tỉnh. Thực hiện di dời các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai theo hình thức tái định cư tập trung, địa phương còn thiếu quỹ đất, tỉnh chưa chủ động được kinh phí để thực hiện các dự án di dân thiên tai. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy, lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có bộ phận chuyên trách, do đó công tác tham mưu triển khai phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai còn hạn chế. Công tác tập huấn, đào tạo cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại các địa phương còn hạn chế do chưa chủ động được kinh phí thực hiện…

Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các đội xung kích phòng, chống thiên tai các cấp. Tiếp tục rà soát kiểm tra, đánh giá thực trạng công trình phòng, chống thiên tai và những khu vực, vùng dân cư có nguy cơ cao về thiên tai. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến (mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất) thông qua nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng: Chủ động phòng, chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO