Xã hội

Cao Bằng: Homestay giúp người dân xã Đàm Thủy phát triển kinh tế

Việt Khang 24/07/2024 - 14:24

(TN&MT) - Những căn nhà sàn Đá cổ độc đáo và gỗ tự nhiên có niên đại hàng trăm năm tuổi với mái nhị lợp ngói âm dương… gây ấn tượng với du khách khi đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đây là không gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời là mô hình giúp bà con dân tộc nơi đây xóa đói giảm nghèo.

Du lịch là ngành mũi nhọn để giảm nghèo

Xã Đàm Thủy là một xã biện giới nằm cách trung tâm huyện Trùng Khánh 25km. Phía bắc, tây bắc giáp huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, Phía đông nam giáp xã Minh Long, huyện Hạ Lang, Phía nam giáp xã Thắng Lợi, huyện Hạ Lang, Phía tây nam giáp xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Với tổng diện tích tự nhiên 5.559,35 ha, diện tích đất sản suất nông nghiệp 784,57 ha, đất lâm nghiệp có 3.269 ha, xã Đàm Thủy có 10 xóm hành chính, dân số có 1.272 hộ/5.445 nhân khẩu. Xã có 04 dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao cùng sinh sống và phát triển.

z5648502158725_3ef9cc9d4ba39e11202c9b91fcbfeaa3.jpg
Du lịch là ngành mũi nhọn giúp bà con Đàm Thuỷ (Cao Bằng) vươn lên thoát nghèo

Là địa bàn biên giới có Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nắm bắt được xu thế dịch chuyển lưu trú của khách du lịch, nhất là khách nước ngoài muốn được trải nghiệm cuộc sống thực tiễn của các vùng nông thôn miền núi, một số hộ hình thành các mô hình homestay cho khách du lịch lưu trú.

Mô hình homestay - phát huy vai trò bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống

Nắm bắt được xu thế của thị trường du lịch, nhiều hộ dân ở đây đã xây mới hoặc cải tạo diện tích nhà ở của mình để xây dựng mô hình homestay điển hình như gia đình chị Hoàng Thị Điệp, một trong những hộ gia đình đầu tiên tham gia mô hình homestay tại Làng Đá Khuổi Ky cho biết "Trước đây vợ chồng mình chỉ làm nương, trồng rau, thu nhập không đáng kể. Sau ít năm làm du lịch, hai vợ chồng mạnh dạn mở thêm 1 homestay tại làng để phục vụ được lượng khách lớn hơn. Gia đình cũng có kinh tế ổn định để đầu tư cho con học hành", chị Điệp chia sẻ.

z5648502193008_8a6a505de454834c5ac3ded001efaaed.jpg
Những khu du lịch mang đậm bản sắc địa phương, góp phần giữ gìn văn hoá dân tộc

Ngoài dịch vụ lưu trú, homestay của chị cũng phục vụ du khách dịch vụ ăn uống ngoài trời, du lịch trải nghiệm. Đây là điều hấp dẫn du khách nhất khi trải nghiệm hình thức lưu trú này. Cũng theo chị Điệp, dịch vụ kinh doanh lưu trú homestay đang được đánh giá như là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương bởi đây là hình thức kinh doanh không tốn nhiều kinh phí đầu tư, nhân công phục vụ lại cho thu nhập cao. Trừ chi phí, vào những tháng cao điểm mùa du lịch, homestay của gia đình chị cho thu lãi gần 80 triệu đồng, những tháng mùa đông cho thu lãi khoảng 30 triệu đồng.

du-lich-1-.jpg
Phát huy thế mạnh của địa phương vốn giàu truyền thống văn hóa

Cũng như hộ gia đình Chị Điệp, gia đình anh Hoàng Doãn Đề phấn khởi nói từ khi bắt đầu kinh doanh cho đến nay gia đình đã đón được rất nhiều đoàn khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài. Mỗi đoàn khách chỉ dám nhận nhiều nhất là hơn 20 người do sức chứa của ngôi nhà còn hạn hẹp. Cũng được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền việc kinh doanh cơ bản thuận lợi, thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình được cải thiện rõ rệt. Nhờ chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc của Nhà nước nói chung và Chính quyền địa phương xã Đàm Thủy nói riêng.

Mô Hình Homestay là loại hình du lịch độc đáo, phát huy được thế mạnh của các địa phương vốn giàu truyền thống văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, thu hút du khách trải nghiệm và khám phá. Thời gian qua, nhờ phát triển đúng hướng, nguồn thu từ dịch vụ du lịch giúp người dân có thêm thu nhập, Đàm Thủy từ một xã nghèo của tỉnh Cao Bằng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Trần Văn Phú Chủ tịch xã Đàm Thủy cho biết, xác định bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chính vì vậy nhũng mô hình homestay không đầu tư xây mới mà chủ yếu là chỉnh trang, tu sửa lại trên nền kiến trúc nhà sàn Đá cổ độc đáo và gỗ tự nhiên có niên đại hàng trăm năm tuổi. Những căn nhà sàn cổ được các hộ cải tạo thành các phòng nghỉ dưỡng, cho thuê, tiếp đón khách du lịch kết hợp với kinh doanh các sản phẩm truyền thống của cộng đồng như: các mặt hàng đan lát, nón lá, trang phục truyền thống, hạt dẻ, gạo nếp ong nổi tiếng. Hiện xã có khoảng 150 người dân tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng, nhiều nhất ở Bản Gun, Khuổi Ky, Bản Giốc. Thu nhập bình quân từ các hoạt động dịch vụ, du lịch của các hộ trung bình từ 30 - 100 triệu đồng/người/năm.

z5648502154236_6362e750d7be79e88c26070c3417ebdb.jpg
Phát triển các loại hình dịch vụ du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của xã Đàm Thuỷ

Ông Trần Văn Phú – Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy cho biết thêm, những năm qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền Tỉnh, Huyện, sự đoàn kết vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương, công tác quản lý nhà nước và hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến rõ nét, tập trung thực hiện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển các loại hình dịch vụ du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch ở địa phương, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 10,77%

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng: Homestay giúp người dân xã Đàm Thủy phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO