Cần nhiều giải pháp ứng phó với tình trạng sạt lở ĐBSCL

02/07/2015 00:00

(TN&MT) - Trước diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu (BĐKH), những năm vừa qua, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tiếp phải gánh chịu những đợt triều cường tấn công đã khiến hàng loạt cửa biển, cửa sông, đê, kè chắn sóng bị sạt lở, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Tại thành phố(TP) Cần Thơ, những hộ dân đang sống ven bờ sông ngày đêm vẫn thấp thỏm bởi sự đe dọa của các tuyến kè sông. Theo người dân nơi đây, mặc dù chưa đến mùa mưa lũ nhưng mấy tháng qua TP. Cần Thơ liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng. Cụ thể, ngày 23/3, đang mùa nắng lượng nước ở các con sông không nhiều nhưng một đoạn bờ kè dài khoảng 40 m thuộc khu vực 4 (phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) nằm trong gói công trình kè sông Cần Thơ (có vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng) bất ngờ bị sụp lún. Tiếp theo là ngày 26/5, một vụ sạt lở khác diễn ra tại khu vực Yên Thượng, phường Lê Bình, quân Cái Răng, TP. Cần Thơ. Vụ sạt lở có chiều dài khoảng 100m, ăn sâu vào phía bờ gần 5m, cuốn trôi gần 60m đường đang thi công và 3 ngôi nhà của người dân.

Trong khi đó, ở tỉnh Hậu Giang cũng bị sạt lở nặng. Theo thống kê của các ngành chức năng huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm 2015 đến nay, khu vực này liên tiếp xảy ra 17 điểm sạt lở lớn nhỏ làm trôi sông hơn 300m đê kè đập và 1.440 m2 đất trong đó có các công trình vật kiến trúc, hoa màu và lộ giao thông nông thôn với tổng thiệt hại gần 350 triệu đồng. Hiện có 13 tuyến đê, với chiều dài trên 44 km bảo vệ hàng nghìn ha cây ăn quả đặc sản có nguy cơ sạt lở, nhất là những đoạn cong, khu vực ngã ba, ngã tư…

Còn tại tỉnh Vĩnh Long, những ngày qua đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở hàng chục ki-lô-mét bờ sông ở xã Long Mỹ, huyện Mang Thít đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Cụ thể, vào ngày 23/5, đoạn đê bao sông Long Hồ thuộc ấp Long Khánh, xã Long Mỹ liên tiếp xảy ra sạt lở cục bộ nhiều đoạn, có khoảng 70m bờ bao trôi tuột xuống sông, gây ảnh hưởng đến đời sống của 5 hộ dân. Vài ngày sau, ngày 26/5, đoạn bờ bao sông Long Hồ sạt lở sâu vào thêm khoảng 7m, dài khoảng 50m khiến nhiều hộ dân sống trong khu vực lo sợ.

Đoạn đê bao sông Long Hồ, huyện Mang Thít, Vĩnh Long đang bị sạt lở nghiêm trọng
Đoạn đê bao sông Long Hồ, huyện Mang Thít, Vĩnh Long đang bị sạt lở nghiêm trọng

Chung tình cảnh trên, tại tỉnh Đồng Tháp cũng đang bị sạt lở “vây bủa”. Theo ngành chức năng của tỉnh Đồng Tháp thì ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành được coi là “điểm nóng” về sạt lở nghiêm trọng, người dân khu vực này luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ sụt lún có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Điều đáng nói ở khu vực sạt lở này các điểm sạt lở thường diễn ra vào thời gian đêm khuya đến rạng sáng, thời gian mà người dân ngủ say nên rất khó ứng phó. Cụ thể, các ngày 11 đến 13/5, đoạn bờ kè sông Tiền chống sạt lở thuộc xã An Hiệp, bị sạt lở chiều dài 50m, ăn sâu vào đất liền khoảng 20m. Vụ sạt lở đã cốn trôi hơn 2.000m2 đất, thiệt hại 5 căn nhà, 25 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Cần nhiều giải pháp ứng phó

Thực tế cho thấy, do BĐKH, nước biển dâng, thiên tai đang ngày càng khốc liệt hơn, cuộc sống của người dân ở ĐBSCL cũng đang bị đe dọa bởi hiểm họa này. Cho dù các tỉnh thuộc ĐBSCL đã chủ động các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, đã có nhiều dự án quy mô về xây dựng các công trình thủy lợi, công trình đê bao, trồng hệ thống rừng ngập mặn, sắp xếp dân cư vào các khu “dân cư vượt lũ”,….Tuy nhiên, do BĐKH ngày càng gia tăng, thực trạng cho thấy triều cường, đã uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân.

Để ứng phó với BĐKH, giảm tình trạng sạt lở, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho người dân. Các nhà khoa học KTTV&BĐKH cho rằng: Ngoài việc triển khai một số dự án thí điểm áp dụng các giải pháp khác nhau để khắc phục sạt lở bờ sông, khôi phục rừng ngập mặn thì trong thời gian tới các cơ quan nghiên cứu, các ngành chức năng cần chủ động  triển khai một số đề tài nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, suy thoái rừng ngập mặn, bồi lấp cửa sông ĐBSCL…

Ngoài ra các tỉnh thuộc ĐBSCL cần rà soát, cập nhật để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý tài nguyên nước và phòng chống thiên tai, từng bước xác lập, quản lý hành lang ven sông, ven biển để hạn chế rủi ro thiên tai, nhất là lũ, bão, sạt lở, nước biển dâng; tiếp tục đánh giá tác động của BĐKH đến xói lở vùng ven sông, ven biển; rà soát, xác định các dự án thực sự cấp bách cần ưu tiên đầu tư đưa vào chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH trong thời gian tới.

                                                                                           Linh Nga

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần nhiều giải pháp ứng phó với tình trạng sạt lở ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO