Cần kỹ năng tự cứu mình

Thanh Tùng (thực hiện)| 29/06/2021 10:39

(TN&MT) - Những thiệt hại lớn về người và tài sản do thiên tai gây ra đang đặt ra yêu cầu bức thiết trong việc nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là tập huấn, trang bị kỹ năng phòng ngừa, “tự cứu được mình” cho mỗi người dân. Xuất phát từ ý nghĩa đó, Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai năm 2021 lấy chủ đề là “Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai”.

Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xung quanh chủ đề này.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT)

PV: Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm nay có chủ đề: “Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai”. Theo ông, trong công tác phòng, chống thiên tai của chúng ta, liệu đôi lúc, đôi chỗ còn chủ quan, nhận thức chưa đầy đủ dẫn đến hậu quả đáng tiếc?

Ông Nguyễn Văn Tiến:

Những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước và trong suốt thời gian cả năm.

Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ngoài nguyên nhân khách quan do thiên tai khốc liệt thì còn có nguyên nhân chủ quan, đó là việc nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận chính quyền và người dân trong ứng phó; còn có hiện tượng không di dời, sơ tán theo chỉ đạo của các cấp chính quyền dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Một ví dụ điển hình là sự việc 2 tàu với 26 thuyền viên bị chìm trong cơn bão số 9 năm 2020. Tại thời điểm đó, trực ban của Trung ương đã gọi điện thoại trực tiếp cho 2 tàu này và yêu cầu ra khỏi vùng bị bão. Nhưng do chủ quan không thực hiện nên ngay trong đêm đó, tàu đã bị đắm…

Mặt khác, hiện nay, nhiều vùng miền trên cả nước có nguy cơ rủi ro rất lớn xảy ra thiên tai như khu vực miền núi phía Bắc và Trung Bộ với lũ quét, sạt lở đất; Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Hồng với lũ lớn, ngập lụt diện rộng; Đồng bằng sông Cửu Long với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở. Với những thiên tai lớn, trên diện rất rộng như nêu trên đòi hỏi công tác phòng, chống thiên tai phải được đặt ra ở tầm nhận thức mới, cao hơn, với sự vào cuộc có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân mới giảm thiểu được thiệt hại.

PV: Bước vào mùa mưa bão 2021, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong phòng, chống thiên tai là chủ động kích hoạt hệ thống ứng phó. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng ta đã có giải pháp gì để làm chủ mọi tình huống xảy ra, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tiến:

Cùng với biến đổi khí hậu, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng bất thường, gây thiệt hại nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh và tính mạng của người dân, đặt ra yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cần được quan tâm toàn diện hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Nội dung này đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai kết luận tại Hội nghị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 được tổ chức mới đây.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng địa bàn, đặc biệt là phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để đảm bảo an toàn trong chỉ đạo, ứng phó với thiên tai, đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai để tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai gây ra. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn kỹ năng ứng phó để người dân chủ động ứng phó tại chỗ, hạn chế phải chi viện từ bên ngoài.

Diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: MH

PV: Thưa ông, để có sự chung tay của toàn xã hội trong phòng, chống thiên tai, ngoài việc kêu gọi và truyền thông thì về mặt pháp lý, chúng ta đã xây dựng đầy đủ hay chưa? Cần phải xây dựng thể chế, chính sách pháp lý nào để đẩy mạnh hoạt động này?

Ông Nguyễn Văn Tiến:

Năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, trong đó có các điểm mới là quy định về Quỹ phòng, chống thiên tai các cấp và lực lượng xung kích trong phòng, chống thiên tai. Ngày 6/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 553 phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030; Và gần đây nhất, ngày 3/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2021/QĐ-TTg ban hành danh mục và quy định việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai.

Đặc biệt, lần đầu tiên, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24/3/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Để tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh hiệu quả của các thể chế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đang tiến hành điều chỉnh, bổ sung một số chính sách, pháp lý như: Điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 160/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong công tác xử lý hỗ trợ, khắc phục hậu quả phục hồi tái thiết sau thiên tai còn chậm, thiếu nguồn lực, thủ tục rườm rà, kéo dài. Điều này cũng cần được xem xét, khắc phục trong thời gian tới.

PV: Trong công tác phòng, chống thiên tai, “người dân phải có kỹ năng để tự cứu mình trước khi người khác đến cứu” (ý kiến phát biểu của nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ). Ý kiến của ông về nhận định này như thế nào và theo ông, người dân cần trang bị những kỹ năng gì để có thể “tự cứu mình” trong các tình huống thiên tai khẩn cấp?

Ông Nguyễn Văn Tiến:

Tôi cho rằng nhận định của nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất phù hợp. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu làm cho thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan, khó dự đoán. Việc người dân tự ứng phó, tự cứu lấy mình là hết sức quan trọng. Đây cũng là truyền thống ngàn đời ta từ trước đến nay trong đối phó với thiên tai. Đồng thời, nó cũng thể hiện rõ phương châm “4 tại chỗ” mà Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã đề ra. Trước hết là tại chỗ của từng người một, từng gia đình một, từng cộng đồng dân cư một, từng địa phương một. Chính nhờ vậy mà việc giảm nhẹ thiệt hại thiên tai mới có được hiệu quả như ngày nay.

Theo tôi, để có thể “tự cứu mình” trong các tình huống khẩn cấp, người dân cần được trang bị kiến thức. Trước hết, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, cảnh báo thiên tai; tham gia các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống thiên tai; chủ động xây dựng, nâng cấp, gia cố nhà cửa, mở lối thoát hiểm trên cao, bảo đảm an toàn trước lũ; tìm hiểu, nắm bắt trước các tuyến đường sơ tán khẩn cấp đến nơi an toàn khi có tình huống khẩn cấp. Đồng thời, chuẩn bị chu đáo các nhu yếu phẩm thiết yếu cho gia đình trong ít nhất là 1 tuần để ở nơi khô ráo, an toàn; tuyệt đối tuân thủ các chỉ đạo của cơ quan chức năng về phòng, chống thiên tai khi có các cảnh báo tiếp theo.

Để làm được việc này, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có rất nhiều tài liệu hướng dẫn các cấp chính quyền, các Ban, ngành, cộng đồng dân cư và hộ gia đình trong phòng, chống thiên tai.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần kỹ năng tự cứu mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO