(TN&MT) - Ô nhiễm từ khói bụi độc hại thải ra, từ quá trình nung gạch khiến người dân mắc bệnh về hô hấp, ngoài da; hoa màu, cây cối bị thất thu, chết khô... Đó là tình cảnh, hàng trăm hộ dân ở thôn Đỗ Xá, xã Cao An, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) phải “hứng” chịu khi sống gần Nhà máy sản xuất gạch tuynel Hà Hải. Mặc dù, các hộ gia đình thường xuyên kiến nghị đến các cấp chính quyền, cơ quan ngành tài nguyên & môi trường, nhưng ô nhiễm “vẫn hoàn ô nhiễm” ngày một gia tăng.
Gần 10 năm qua, Nhà máy sản xuất gạch tuynel Hà Hải đi vào hoạt động, cũng là lúc hàng 100 hộ dân thôn Đỗ Xá, xã Cao An, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) sống gần nhà máy phải “hứng” chịu ô nhiễm, từ khói bụi độc hại thải ra trong quá trình nung gạch tuynel. Không chịu đựng nổi lượng khói thải độc hại của nhà máy gạch, người dân thường xuyên có kiến nghị đến cơ quan chức năng, ngành tài nguyên & môi trường giải quyết, nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng.
Việc nhà máy sản xuất gạch tuynel đã khiến một lượng khói thải nguy hại chưa qua xử lý thải ra môi trường, suốt nhiều năm qua làm môi trường sống bị ô nhiễm, diện tích nhiều mẫu lúa táp lá, năng suất sụt giảm 50% sản lượng, nhiều người thường xuyên mắc các bệnh về hô hấp. Chưa kể, việc vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm ra vào nhà máy liên tục đã gây bụi bặm, làm hư hỏng đường liên xã, khiến người dân đi lại hết sức khó khăn - ông Nguyễn Đỉnh. N (một người dân thôn Đỗ Xá, xin được giấu tên) ở gần nhà máy, bức xúc nói: “Nhà máy hoạt động cả ngày, thải khói mịt mù ra xung quanh khiến chúng tôi lúc nào cũng phải đóng cửa mới sinh hoạt, ăn uống được. Mỗi khi khói bụi thải ra, mùi khét lẹt nồng nặc khiến chúng tôi phải luôn dùng khẩu trang nếu muốn ra khỏi nhà. Người dân trong thôn nhiều lần cầu cứu chính quyền từ xã đến tỉnh, ngành tài nguyên & môi trường, nhưng mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tình trạng ô nhiễm kéo dài ngày nào, người dân còn khổ ngày đó.” Nhà ông N có trên 4 sào ruộng, do khói nhà máy làm ảnh hưởng nên bị táp lá, năng suất giảm 50%. Do các hộ thôn Đỗ Xá kịch liệt phản đối, những gia đình có diện tích lúa bị ảnh hưởng do khói nhà máy, kéo lên UBND xã Cao An đề nghị chính quyền vào cuộc, nên nhà máy đã phải đền bù thiệt hại (vào năm 2016 và 2017).
Ông Dương Văn. M, thôn Đỗ Xá, với diện tích trên 4 sào ruộng bị ảnh hưởng từ việc sản xuất gạch, được nhà máy đền bù thiệt hại, ý kiến: “Người dân thôn Đỗ Xá đã nhiều lần kiến nghị, cầu cứu chính quyền xã, huyện, tỉnh. Sau đó, đại diện Nhà máy Sản xuất gạch tuynel Hà Hải cam kết sẽ khắc phục ô nhiễm, nhưng đến nay vẫn “chây ì” không những vậy ngày thêm gia tăng khói bụi, nhất là việc xử lý khói thải độc hại ra môi trường vẫn chưa được thực hiện. Mỗi khi khói thải ra dày đặc, người dân phản đối ô nhiễm thì lượng khói thải bỗng nhiên ít đi. Hôm sau, tình trạng ô nhiễm khói bụi lại tiếp diễn như trước, khiến chúng tôi không làm gì được.”
Trước đây việc Nhà máy sản xuất gạch tuynel Hà Hải gây ảnh hưởng lúa thì người dân đều phải “lãnh” hậu quả, nhưng qua nhiều năm quá bức xúc (năm 2016, 2017) các hộ bị ảnh hưởng làm căng, nên Nhà máy phải chấp nhận đền bù thiệt hại, nhưng cũng “chẳng thấm vào đâu” - bà Nguyễn Thị. T, thôn Đỗ Xá, cũng có diện tích lúa bị thiệt hại, than thở: “Bao năm qua, người dân trong thôn sống trong cảnh ô nhiễm môi trường, vào mùa hè xe chở đất chạy bụi mù mịt, cùng khói nhà máy đã làm không ít người bị mắc bệnh về hô hấp. Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp thấy rõ ràng, nhà máy đã công nhận điều này và đền bù thiệt hại, nhưng thiệt hại về sức khỏe ảnh hưởng lâu dài không thể thấy ngay được thì ai đền bù cho dân? Yêu cầu các cơ quan chức năng, ngành tài nguyên & môi trường có giải pháp không thể để mãi tình trạng như hiện nay, dân kêu mãi chỉ “mỏi mồm” nhà máy hàng ngày vẫn ngang nhiên đầu độc môi trường.”
Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng thôn Đỗ Xá, xác nhận: Năm 2016 và 2017, do người dân khu vực Cửa Cầu của thôn phản đối kịch liệt, lúa bị cháy lá, nguyên nhân được xác định do khói Nhà máy sản xuất gạch tuynel Hà Hải gây lên. Nhà máy đã chấp nhận đền bù thiệt hại cho 15 hộ, diện tích trên 3 mẫu ruộng. Người dân trong thôn, nhất là khu vực Cửa Cầu gần nhà máy, liên tiếp có kiến nghị, nhà máy phải có biện pháp không để ô nhiễm môi trường, hoặc di chuyển việc sản xuất gạch ra xa khu dân cư. Theo thống kê, cả thôn Đỗ Xá hiện có hơn 100 hộ dân, hàng ngày “hưởng” trọn khói bụi độc hại, do nhà máy sản xuất gạch thải ra. Việc nhà máy thải khói bụi ra môi trường đã khiến nhiều người dân sống xung quanh mắc các bệnh về hô hấp, ngoài da, viêm phổi, viêm họng… Khói mù mịt gần như 24/24 giờ mỗi ngày khiến hoa màu, cây cối của người dân trồng cạnh nhà máy mất mùa hoặc chết khô.
Đại diện chính quyền địa phương, ông Nguyễn Đức Mạnh, Chủ tịch UBND xã Cao An, thừa nhận: Việc người dân thôn Đỗ Xá thường xuyên có ý kiến về Nhà máy sản xuất gạch tuynel Hà Hải gây ô nhiễm, ảnh hưởng đời sống, sức khỏe, sản xuất nông nghiệp… xã đã nhiều lần yêu cầu lãnh đạo nhà máy lên làm việc cùng người dân, yêu cầu có giải pháp khắc phục, nhưng đến nay người dân cho biết, tình trạng trên vẫn chưa có chuyển biến. Nhà máy sản xuất gạch xây dựng đã lâu, do công nghệ cũ kỹ, ống khói thấp chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường. Dù hoạt động trên địa bàn, nhưng Nhà máy sản xuất gạch tuynel Hà Hải không chuyển kết quả Quan trắc môi trường theo định kỳ về xã, nên xã không nắm được cơ sở này có đảm bảo về môi trường hay không. Xã đã cùng các hộ thiệt hại lúa, nhà máy làm việc hai lần và nhà máy chấp nhận đền bù thiệt hại theo mức giá thỏa thuận.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Xuân Lịch, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Cẩm Giàng, cho biết: Phòng đã kết hợp với UBND xã Cao An và người dân thôn Đỗ Xá làm việc với nhà máy về thiệt hại sản xuất nông nghiệp. Trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân vẫn có ý kiến về cơ sở sản xuất gạch này không khắc phục làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân ở gần. Phòng cũng như xã Cao An từ trước đến nay chưa nhận được bất kỳ báo cáo kết quả quan trắc theo định kỳ nào của nhà máy. Để có đánh giá khách quan, trả lời ý kiến người dân, Phòng Tài nguyên & Môi trường đang đề nghị cơ quan chuyên môn Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Dương nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm nếu nhà máy không khắc phục, vẫn tiếp diễn gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến người dân.
Đã gần 10 năm trôi qua, Nhà máy sản xuất gạch tuynel Hà Hải “đầu độc” môi trường phải đền bù thiệt hại sản xuất nông nghiệp cho người dân thôn Đỗ Xá, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết triệt để vì sao? Dù là cơ quan quản lý chuyên môn ngành tài nguyên & môi trường huyện, nhưng đơn vị này không nắm được kết quả quan trắc môi trường định kỳ của nhà máy, nguyên nhân do nhà máy coi thường cơ quan chuyên môn huyện, hay vì lý do gì…?
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin.