Bốn thách thức lớn cho vựa lúa Cửu Long

Xuân Hợp| 23/12/2020 17:51

(TN&MT) - Báo cáo thường niên năm 2020 của VCCI Cần Thơ vừa công bố cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trải qua những thách thức lớn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển.

Nhóm thách thức thứ nhất liên quan tới đất, nước biển dâng và xâm nhập mặn, sự suy giảm về cả khối lượng và chất lượng nước do mạng lưới chằng chịt hơn 140 đập thủy điện lớn ở thượng nguồn gây ra. Và nguy hiểm hơn cả là những chính sách hay tập quán canh tác bất cập kéo dài đang bào mòn sức sống của đồng bằng.

ĐBSCL đối mặt với nước biển dâng và xâm nhập mặn

Nhóm thách thức thứ hai về nhân khẩu học, số lượng và chất lượng lao động. Trong giai đoạn 2009 - 2019, dân số của ĐBSCL hầu như không đổi. Nguyên nhân chính là do ĐBSCL có tỷ suất di cư thuần cao nhất cả nước, lên tới 39,9%, chủ yếu là do tình trạng thiếu cơ hội việc làm và cơ hội kinh tế tại địa phương. Không chỉ thiếu lao động, chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL cũng luôn là vùng trũng của cả nước.

Đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong ba thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu so với TP.HCM, vào năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL, hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến ngày hôm nay. Và người ta ngạc nhiên với kết quả này, bởi ĐBCSL có lợi thế nằm ngay sát TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ năng động và phát triển.

 

Nhóm thách thức thứ ba là về kinh tế. Trong khi các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống chính của vùng ĐBSCL như lúa và thủy hải sản đang có dấu hiệu đạt ngưỡng thì các động lực tăng trưởng mới vẫn còn yếu ớt, thậm chí chưa thành hình.

Đây là lý do chính khiến các tỉnh ở ĐBSCL trăn trở với bài toán chuyển đổi cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng nhưng chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Thách thức này càng trở nên bức xúc khi ĐBSCL tụt hậu ngày càng xa so với vùng Đông Nam Bộ, thậm chí, cảm nhận mình bị bỏ rơi” trong sự phát triển chung của cả nước.

Nhóm thách thức thứ tư là về khoa học - công nghệ. Là một “vùng trũng” về công nghệ, lại đang dựa chủ yếu vào nền sản xuất nông nghiệp truyền thống và công nghệ lạc hậu, những cú sốc này sẽ tạo ra nhiều thách thức to lớn cho ĐBSCL.

Trước những thách thức đó, nhiều chuyên gia cho rằng, trong nguy có cơ - không phải mọi thách thức đều bất lợi. Trái lại, chúng buộc các tỉnh ĐBSCL phải nhìn nhận lại một cách thấu đáo về mục tiêu phát triển, đánh giá lại các động lực tăng trưởng hiện có, suy nghĩ về thế mạnh và nguồn lực của mình, để từ đó tư duy lại về mô hình phát triển.

ĐBSCL cần xây dựng cho mình, không chỉ là mô hình tăng trưởng kinh tế mới, mà quan trọng hơn là một mô hình phát triển mới. Và đây là việc cần phải làm ngay.

Cùng với các tỉnh khác của ĐBSCL, thành phố Cần Thơ đã và đang phải đối mặt với những tác động của BĐKH. Các biểu hiện của BĐKH ở Cần Thơ bao gồm: nhiệt độ không khí tăng; lượng mưa giảm; mức độ ngập lụt và hạn hán, xâm nhập mặn tăng; giông lốc và bão, ngập do thủy triều; xói lở bờ sông. BĐKH đã tạo nên nhiều tác động tiêu cực, đe dọa phát triển bền vững của thành phố.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Hợp phần Biến đổi khí hậu thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và Tăng trưởng xanh, thành phố Cần Thơ đã huy động được hơn 262 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 253 tỷ đồng, ngân sách địa phương là hơn 7 tỷ đồng.

Ngoài các dự án trong Hợp phần BĐKH thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố còn huy động được nguồn lực lớn cho thực hiện các dự án ứng phó với BĐKH theo Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC), các dự án liên quan tới phát triển đô thị bền vững ứng phó với BĐKH, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên... với tổng vốn phân bổ theo kế hoạch là 10.827,924 tỷ đồng, nhiều nhất trong các tỉnh ĐBSCL.

Có thể kể đến các dự án trọng điểm là Dự án Kè sông Cần Thơ - Ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ với tổng kinh phí đầu tư trên 810,73 tỷ đồng (tương đương hơn 33,78 triệu EUR); trong đó, vốn vay ODA từ AFD hơn 462,4 tỷ đồng, vốn AFD viện trợ không hoàn lại 7,2 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng ngân sách địa phương.

Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư hơn 7,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn ODA từ WB là 250 triệu USD, tương đương hơn 5,6 nghìn tỷ đồng; vốn không hoàn lại từ SECO: 10 triệu USD, tương đương 227,900 tỷ đồng; vốn đối ứng hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 62 triệu USD.

Các công trình thuộc quy hoạch phòng chống sạt lở bờ sông, rạch trên địa bàn thành phố Cần Thơ với tổng kinh phí: 871,385 tỷ đồng từ vốn ngân sách của Trung ương và địa phương.

Dự án Thí điểm thuyền thu gom rác thải tự động trên sông do Tổ chức Làm sạch biển (TOC), Hà Lan tài trợ với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng (tương đương 855.941USD), trong đó, vốn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài không hoàn lại là hơn 14 tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 5 tỷ đồng...

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bốn thách thức lớn cho vựa lúa Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO