Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: Chúng tôi nói về chúng tôi
(TN&MT) - Có rất nhiều điều để viết về nghề báo: những bài học kinh nghiệm từ thực tế, những thử thách và nỗ lực vượt qua, những điều tâm đắc, buồn vui trong nghề...
Dịp 21/6 năm nay, những người làm Báo Tài nguyên và Môi trường chia sẻ một vài câu chuyện nghề thú vị, từ việc theo một đề tài bạn đọc, đến những chuyến đi vào tâm lũ hay chuyện thông tin các vấn đề chính sách cho đến chuyện “bếp núc” của “truyền hình nghiệp dư”.
Đây chính là những kỷ niệm nghề khó quên chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc, cũng là cách để soi lại chính mình và nghề nghiệp của mình, thẳng thắn và cởi mở.
Phóng viên Trường Giang (Phòng Thư ký - Biên tập)
Gần 4 năm gắn bó với việc xây dựng Luật Đất đai
Gần 15 năm gắn bó với Báo TN&MT, tôi được tìm hiểu, đưa tin, tuyên truyền về cả 2 Dự án Luật Đất đai 2013 và Luật Đất đai 2024. Nếu so sánh, tôi nhận thấy Luật Đất đai 2024 đồ sộ hơn cả về quy mô, sự quan tâm, đóng góp của dư luận và trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị cho dự án Luật quan trọng này.
Luật Đất đai 2013 chính thức bắt đầu được tổng kết từ năm 2020 khi Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật vào tháng 8/2020.
Quan điểm, chủ trương làm kim chỉ nam cho việc sửa đổi Luật nằm trong Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" được ban hành tháng 6/2022. Hàng loạt các vấn đề mới được định hướng cho hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai giai đoạn tới, như bỏ khung giá đất, giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá, đấu thầu; thiết lập thị trường quyền sử dụng đất; mở rộng đối tượng và hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp; quản lý chặt hơn đất đa mục đích…
Luật Đất đai 2024 có một điều đặc biệt mà ngoài Hiến pháp, chưa bộ luật nào có được. Đó là đợt lấy ý kiến nhân dân sâu rộng, kéo dài hơn 2 tháng, từ 3/1/2023 đến 15/3/2023. Cơ quan chủ trì soạn thảo - Bộ TN&MT đã nhận được hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhân dân với đạo luật hết sức quan trọng này. Nhân dân từ khắp các địa phương, các tổ chức, các ngành nghề, giới trí thức, doanh nhân hay người nông dân đều được hỏi ý kiến và có quyền thể hiện chính kiến của mình.
Nhận rõ đây là một bộ luật phức tạp và có sức ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội đất nước, đến từng người dân, Quốc hội đã quyết định thảo luận kỹ lưỡng Dự án Luật này. Nghĩa là thay vì xem xét và thông qua trong 2 kỳ họp thì riêng Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội thảo luận trong 4 kỳ họp (kỳ thứ 4, 5, 6, kỳ họp bất thường thứ 5) và thông qua tại kỳ họp bất thường (tháng 1/2024).
Dự án này tiếp tục có điểm đặc biệt khi tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép Luật sẽ sớm có hiệu lực thi hành trước 5 tháng.
Trong gần 4 năm từ khi tổng kết Luật Đất đai 2013 đến khi Luật Đất đai 2024 được thông qua, tôi đã viết hàng ngàn tin, bài trên Báo Tài nguyên và Môi trường cập nhật tiến độ, thông tin về những điểm nổi bật, phỏng vấn các chuyên gia, nhà quản lý về dự án Luật này. Giai đoạn 2022 - 2024 là cao điểm thông tin. Có những dòng tin, những bài báo để lại cho tôi nhiều cảm xúc, kinh nghiệm tác nghiệm và là những kỷ niệm không thể nào quên.
Đơn cử, từ 3/1/2023 đến 15/3/2023, tôi đã được chứng kiến quá trình tiếp thu, giải trình ý kiến nhân dân của các thành viên Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai sửa đổi của Bộ TN&MT. Trong giai đoạn từ khi tiếp thu, giải trình tới khi hoàn thiện Dự thảo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm tra, hầu hết cán bộ thuộc Tổ biên tập đã không quản ngày, đêm, ngày nghỉ và Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhiều khi cũng thức cùng anh em để chỉ đạo hoàn thiện…
Do đó, tôi đã thực hiện bài phỏng vấn ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất về “Lắng nghe, cầu thị để hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) để giúp bạn đọc có thể thấy được quá trình lấy ý kiến và giải trình, tiếp thu 12 triệu lượt ý kiến, từ nhỏ đến lớn và với khối lượng ý kiến như vậy, Tổ biên tập đã tiếp thu ra sao cho hiệu quả, khoa học là rất quan trọng, thể hiện trách nhiệm của cơ quan soạn thảo Luật.
Một kỷ niệm khác là tôi tham dự 3 kỳ Quốc hội thảo luật về Luật này (Kỳ 4, 5, 6) và nhận dc nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội, trong đó có nhiều ý kiến khen, có ý kiến góp ý nhưng tựu chung lại hầu hết các Đại biểu đều đánh giá nỗ lực của Bộ TN&MT, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xây dựng một dự luật có tính khả thi cao để tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, đưa đất đai thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Tại kỳ họp thứ 6, trao đổi với với Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, đại biểu cho rằng, khi chúng ta sửa đổi Luật Đất đai một cách đồng bộ với các pháp luật có liên quan sẽ trở thành giải pháp quan trọng để có thể khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Sau những nỗ lực hoàn thiện Dự thảo Luật, sáng 18/1/2024, Luật Đất đai đã chính thức được Quốc hội thông qua. Chúng tôi, những người tham dự vào quá trình xây dựng Dự án Luật này trong cảm xúc hân hoan, những nỗ lực của mình đã được ghi nhận. Chúng tôi, những phóng viên, những thành viên Tổ biên tập nhắn tin cùng chúc mừng nhau đã hoàn thành nhiệm vụ nhiều gian nan, nhiều đắn đo, suy tính vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Và cá nhân tôi đã được Bộ trưởng Bộ TN&MT trao Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Đây là một kỷ niệm khó quên trong quãng thời gian làm báo của mình. Tôi càng cảm thấy hạnh phúc hơn khi được gắn bó với công việc mà mình yêu mến. Càng thấy biết ơn những điều kiện thuận lợi và khó khăn tôi đã từng qua. Tôi trân trọng những gì mình đang có và nỗ lực hơn nữa trong nghề, để tiếp tục xây dựng Báo TN&MT ngày càng phát triển.
Biên tập viên Nguyễn Hằng (Trung tâm Phát thanh Truyền hình TN&MT)
Làm truyền hình “nghiệp dư”
Có câu nói rất hay như thế này: Muốn biết giá trị thật sự của 1 tuần, hãy hỏi biên tập viên của 1 tạp chí ra hàng tuần. Muốn biết giá trị của một ngày, hãy hỏi người lao công nhận lương cuối mỗi ngày làm việc…Muốn biết giá trị thật sự của 1 giờ, hãy hỏi những người đang yêu chờ đợi để được gặp nhau và muốn biết giá trị thật sự của 1 phút, hãy hỏi người vừa lỡ chuyến tàu.
Nhưng với những người làm truyền hình, câu nói đó có thể sửa thành: Muốn biết giá trị của một phút, hãy hỏi một biên tập viên truyền hình.
Vâng, đúng là với nhiều người, một phút chỉ là 60 giây, nhưng với những người làm truyền hình, một phút được quy đổi thành từng frame hình, frame tiếng… mỗi frame là rất nhiều công sức, mồ hôi của cả một ekip.
Với đặc thù làm truyền hình trên báo điện tử mà chúng tôi gọi vui là “truyền hình nghiệp dư”, những người làm truyền hình Tài nguyên và Môi trường cũng cần có những sự thích nghi riêng. Nhưng dù thay đổi để thích nghi như thế nào, những nguyên tắc cốt lõi của truyền hình vẫn phải được đảm bảo.
Khác với truyền hình “chuyên nghiệp”, có thể nói, người làm truyền hình “nghiệp dư” như chúng tôi chính xác là người làm báo đa phương tiện. Với phương châm, cái gì cũng phải biết, không biết thì phải học, hầu hết các thành viên của Trung tâm phát thanh, truyền hình TN&MT đều có thể làm từ công tác tiền kỳ tới hậu kỳ.
Với truyền hình “chuyên nghiệp”, khi sản xuất một chương trình trò chuyện, tọa đàm ở hiện trường (talk), họ có một ekip rất hùng hậu cả chục người, từ biên tập viên tới quay phim, từ dẫn chương trình (MC) tới trợ lý… và nhiều thiết bị máy móc hỗ trợ. Nhưng ekip của chúng tôi đôi khi chỉ có 1 - 2 quay phim, biên tập viên kiêm luôn dẫn chương trình (MC).
Làm truyền hình kiểu “con nhà khó” nên nhiều khi không đòi hỏi được bối cảnh cầu kỳ, có chương trình chúng tôi chỉ có bối cảnh vườn chuối là khả dĩ nhất để ghi hình trò chuyện. Những “sự cố” kiểu như đang say sưa trò chuyện thì vang vọng tiếng “gâu gâu”, tiếng ve kêu râm ran hay tiếng cưa xẻ… là rất bình thường. Tất cả những tình huống phát sinh đó buộc chúng tôi phải tự tìm cách “xử lý” êm đẹp, để có về những phút ghi hình chất lượng nhất.
Người ta nói, nếu giai đoạn sản xuất tiền kỳ là lần sáng tạo đầu tiên, thì hậu kỳ chính là lần sáng tạo thứ 2. Thế nên, một kỹ thuật viên hậu kỳ giỏi sẽ khai thác và phát huy được hết những nguyên liệu mà quay phim mang về.
Nhưng ở Trung tâm PTTH TN&MT chúng tôi không có kỹ thuật hậu kỳ riêng. Chúng tôi, những PV, BTV hoặc thậm chí là quay phim cũng chính là người làm hậu kỳ. Điều này có thể sẽ khó cho những người mới hoặc đã quen với sự chuyên môn hóa cao. Nhưng, đây lại chính là cái hay mà chỉ những người làm “nghiệp dư” cảm nhận được.
Có kỹ năng hậu kỳ, tức là ngay từ khi bắt đầu “thai nghén” tác phẩm, mỗi BTV đã biết mình cần những hình ảnh như thế nào, mang thông điệp ra sao? Tất nhiên, khi ra hiện trường, sự sáng tạo của BTV và quay phim có thể sẽ khác với dự tính, nhưng khi đã có tư duy hình ảnh trước đó thì việc đi tác nghiệp ngoài hiện trường sẽ đảm bảo đi đúng trọng tâm và đỡ mất thời gian, công sức hơn.
Dù Truyền hình trên báo điện tử được xem là “đứa con lai” nhưng vẫn có những yêu cầu khắt khe về câu hình, tiếng động, bởi mục đích của những sản phẩm truyền hình, dù đăng phát ở nền tảng nào, vẫn phải mang đến cho khán giả thông tin, nội dung thông qua hình ảnh, âm thanh. Thế nên, ngoài yêu cầu tay nghề, thiết bị hiện đại, biên tập viên dựng hình phải có tư duy báo chí, niềm đam mê, nắm vững các thông số về âm thanh, kỹ thuật và nhất là phải có tư duy có hệ thống về hình ảnh, chương trình muốn hướng đến. Từ những hình ảnh thô, tiếng động hiện trường, dưới ý đồ đạo diễn và qua bàn dựng sẽ trở thành những thước phim sinh động và hấp dẫn. Sự hỗ trợ của công nghệ với các phần mềm dựng như Adobe primer, Avid xpress pro cho phép có thể thực hiện các thao tác dựng nhanh chóng, chủ động và tiện lợi hơn.
Thầm lặng bên “cánh sóng” của truyền hình, những biên tập viên, kỹ thuật viên nối tiếp nhau cần mẫn đưa thông tin, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ngành TN&MT đến với nhân dân và phản ánh tiếng nói người dân đến với Đảng, Nhà nước. Công việc tuy thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa đã góp phần đưa tiếng nói của Báo TN&MT ngày càng bay xa, góp phần xây dựng ngành TN&MT ngày càng phát triển.
Phóng viên Lê Hùng (Văn phòng đại diện tại TP.HCM)
Theo chân địa phương chống hạn, mặn…
Hạn hán, xâm nhập mặn trở thành mối lo, thách thức không nhỏ do biến đổi khí hậu đối với người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mỗi mùa khô đến. Là phóng viên phụ trách địa bàn một số tỉnh vùng ĐBSCL, tôi tận mắt chứng kiến những khốc liệt do hạn, mặn và cũng vui mừng nhận thấy, chính quyền và nhân dân đang từng bước chủ động ứng phó hiệu quả với hạn, mặn.
Còn nhớ cách nay hơn 4 năm, tôi có về vùng Long Phú, Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Giữa cánh đồng mênh mông không phải những vựa lúa tốt tươi mà là đất đai nứt nẻ, cây trồng héo quắt, mùa màng thất bát. Hàng chục ngàn hộ dân lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt vì nước mặn xâm chiếm hầu như toàn bộ các sông, kênh rạch. Chỉ tính riêng mùa khô 2019 - 2020, hạn, mặn đã gây thiệt hơn 4.000ha lúa, rau màu của người dân tỉnh Sóc Trăng. Không chỉ Sóc Trăng mà Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu… cũng trong tình trạng tương tự. Việc tìm kiếm giải pháp cần để cứu lúa, cứu cây trồng, giảm thiệt hại cho người dân vô cùng cấp bách.
Sau mùa hạn mặn khốc liệt năm 2016, Chính phủ và các địa phương ĐBSCL đã chủ động hơn trong tìm giải pháp ứng phó, đồng loạt các ngành, các địa phương đồng lòng, hợp sức.
Đơn cử như tại tỉnh Sóc Trăng, từ các bản tin dự báo về khí tượng thủy văn của ngành chuyên môn, trước khi bước vào mùa khô, địa phương này đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai các phương án để ứng phó hạn, mặn thông qua việc gieo xạ lúa sớm để né hạn, mặn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; đầu tư xây dựng các tuyến đê bao, nạo vét kênh rạch tích trữ nước đảm bảo sản xuất; vận hành hiệu quả hệ thống cống ngăn mặn, lắp đặt các trạm quan trắc độ mặn tự động liên tục để kịp thời cung cấp thông tin cho các cấp chính quyền, người dân chủ động đề ra các biện pháp ứng phó; đồng thời có phương án dự phòng cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp nắng nóng, xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng và kéo dài.
Đối với người dân, qua những đợt hạn, mặn lịch sử xảy ra ở vùng ĐBSCL họ đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc đưa ra các giải pháp để ứng phó thông qua việc chuyển đổi mùa vụ cho phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước. Mùa khô thiếu nước, người dân không trồng lúa mà chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày như bắp, dưa lê, dưa, hấu, rau màu ít sử dụng nước và khi mùa mưa tới họ lại cải tạo lại đất trồng lúa. Không chỉ thế, nhiều hộ dân ở các đạ phương như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… còn tận dụng nguồn nước mặn dồi dào trong những tháng mùa khô để phát triển mô hình nuôi tôm, cua trên đất lúa, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện thu nhập cho gia đình. Ngoài linh hoạt trong sản xuất, người dân vùng ĐBSCL cũng đã thay đổi nhận thức khi trang bị các lu, kiệu, thùng,.. để tích trữ nước phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày trong những tháng mùa khô.
Cứ mỗi mùa hạn mặn, dù mùa sau dự báo khốc liệt hơn mùa trước song thiệt hại giảm dần là niềm vui của nhà quản lý, người dân và cả tôi - những phóng viên theo dõi từng bước chống hạn mặn tại vùng. Tôi nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc truyền tải kịp thời, chính xác những thông tin dự báo của cơ quan chuyên môn cũng như những kế hoạch, phương án ứng phó hạn, mặn của các cấp chính quyền đến người dân giúp họ chủ động đề ra các giải pháp ứng phó hạn, mặn hiệu quả. Đồng thời, tôi cũng chú trong tìm kiếm và phản ánh các cách làm hay, mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH giúp người dân có thêm nhiều thông tin để có kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước.
Tôi đã từng gặp gỡ đại diện cơ quan khí tượng thủy văn, các chuyên gia, nhà khoa học và họ có cùng nhận định rằng, vùng ĐBSCL sẽ còn chịu nhiều ảnh hưởng từ hạn, mặn. Tuy nhiên, qua thực tế ghi nhận công tác phòng chống hạn, mặn, tôi tin tưởng rằng với sự chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền và người dân trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, phương án ứng phó và thích ứng với hạn, mặn cộng với sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành Trung ương, thời gian tới vùng ĐBSCL sẽ phát triển ngày càng thịnh vượng, bền vững.
Phóng viên Nguyễn Thủy (Phòng Thư ký - Biên tập)
Hiểu Luật để tuyên truyền Luật
Là phóng viên một cơ quan báo chí trực thuộc Bộ quản lý đa ngành, tập trung vào xây dựng thể chế như TN&MT, chúng tôi cần hiểu Luật để tuyên truyền đúng, trúng các hệ thống văn bản, chính sách của ngành.
Vậy tìm hiểu Luật bằng cách nào? Với chúng tôi, có nhiều kênh, quan trọng nhất là tự đọc, tự nghiên cứu. Nhưng hiệu quả nhất là được trao đổi, làm việc với các chuyên gia, các nhà quản lý, các thành viên cơ quan soạn thảo. Đây là phương cách tìm hiểu Luật cặn kẽ, căn bản và gốc rễ nhất.
Trong quá trình theo dõi, thông tin về việc xây dựng, ban hành và triển khai Luật Tài nguyên nước 2023 vào cuộc sống, tôi đã có cho mình thêm nhiều kiến thức, trải nghiệm qua mỗi cuộc họp, mỗi lần gặp gỡ chuyên gia, nhà quản lý…
Từ khi bắt đầu xây dựng đến lúc thông qua Luật Tài nguyên nước, tôi được dự họp, theo dõi, tổng hợp đưa tin, phản ánh về quá trình xây dựng và hoàn thiện Dự án Luật. Tôi nhận thấy, Luật Tài nguyên nước không phức tạp như Luật Đất đai mặc dù 2 Luật được xây dựng song song. Nhưng đây cũng là một đạo luật ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội, thiết thực với người dân, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước ngày càng được coi trọng.
Trong nhiều cuộc họp, hội thảo hay những cuộc thảo luận bên lề, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh và nhiều chuyên gia môi trường, tài nguyên nước đều khẳng định: Ngoài việc quy định hành lang pháp lý quan trọng, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, thông điệp giản dị mà vô cùng quan trọng Luật Tài nguyên nước là: nước không vô tận, nước không phải là của trời cho dùng mãi, mà nước phải thực sự được coi là tài sản quốc gia và có giá trị rất cao về mặt kinh tế - xã hội, do vậy, việc thay đổi cơ bản nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và các cấp, các ngành, các địa phương trong khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên nước quốc gia là rất cần thiết.
Thông điệp này đã được thể chế hóa trong Luật Tài nguyên nước 2023 và được coi là điểm mới cốt lõi xuyên suốt trong các chương, điều của Luật khi Luật quy định về nguyên tắc quản lý và trong số các nguyên tắc quản lý, có nguyên tắc "bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý”. Đây là bước thay đổi lớn và kịp thời, nhất là trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.
Hay một vấn đề hết sức nóng bỏng, được người dân cả nước quan tâm, mong chờ khi Luật Tài nguyên nước 2023 được bấm nút thông qua đó là những quyết sách quan trọng giúp giải quyết, hồi sinh các "dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái và các giá trị của nguồn nước đã mất đi do quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng.
Nhờ có những chuyên gia mà tôi không chỉ “nằm lòng” các quy định của Luật trên văn bản mà còn nhận diện được những tác động của Luật đối với các vấn đề mang tính thời sự đang đặt ra trong lĩnh vực Tài nguyên nước hiện nay.
Cục trưởng Cục Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh là người mà tôi “làm phiền” khá nhiều trong suốt thời gian xây dựng Luật. Kể cả lúc đang cùng Tổ biên tập dự án Luật bước vào những ngày “nước sôi, lửa bỏng”, hoàn tất việc giải trình nhưng anh vẫn dành thời gian cung cấp thông tin cho báo chí, thông qua những cuộc trao đổi dù ngắn, dù vội nhưng rất đầy đủ thông tin.
Sau những nỗ lực hoàn thiện Dự thảo Luật, chiều 23/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XV đã chính thức bấm nút thông qua Luật Tài nguyên nước 2023. Tôi đã bắt tay thực hiện bài E-Magazine “Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước 2023: Bước tiến lớn trong thay đổi tư duy và phương thức quản trị tài nguyên nước” để truyền tải ngay lập tức những thông điệp, những điểm mới của Luật đến độc giả. Thấy tác phẩm của mình được đăng tải, chỉ chưa đầy 2 giờ đồng hồ đã có hơn 3.000 lượt độc giả truy cập, trong tôi bỗng tràn ngập cảm giác lâng lâng, vui sướng đến khó tả. Bản thân tự nhủ phải càng cố gắng nhiều hơn, để có những bài viết hay, mang đến độc giả hơi thở của cuộc sống.
Chặng đường vào nghề tuy chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để tôi gom nhặt những kỷ niệm thật đẹp về nghề, về đồng nghiệp, về cơ quan Báo TN&MT. Đó là những món quà thực sự trân quý, là nguồn động lực để tôi luôn vững vàng ngòi bút, để tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, để mãi cháy lên “ngọn lửa” nhiệt huyết, yêu quý hơn với nghề mà mình đã chọn.
Phóng viên Lê Thị Thu Thủy (Văn phòng miền Trung)
Vùng cao - nơi đong đầy kỷ niệm
Vùng cao - những nơi xa xôi, khó khăn chính là những nơi níu chân tôi, giữ lại cho tôi nhiều cảm xúc sau những chuyến công tác.
Xác định tinh thần khi đi công tác vùng cao là đi bộ xuyên rừng, vượt núi, trèo đèo, lội suối để đến với những thôn, bản “thâm sơn, cùng cốc”, có khi mất cả ngày cuốc bộ để lấy thông tin, tìm hiểu cuộc sống và con người nơi ấy…
Trong trận "đại hồng thủy" năm 2019 tại bản Sa Ná, xã Na Mèo thuộc huyện miền núi Quan Sơn (Thanh Hóa), một trong những lần tác nghiệp hiếm hoi mà tôi chẳng bao giờ mong xảy ra thêm lần nào nữa, bởi mức độ thiệt hại, mất mát mà người dân Sa Ná phải gánh chịu là vô cùng lớn. Tôi vẫn nhớ như in về cuộc hành trình đầy khó khăn cùng lực lượng chức năng tiếp cận Sa Ná. Để tiếp cận nơi đây, tôi tham gia cùng đoàn các y, bác sĩ, lực lượng Bộ đội biên phòng, công an phải dùng mô tô nước vượt dòng nước hung dữ, vào chăm sóc người bị thương và tiếp tế lương thực. Con đường duy nhất để vào Sa Ná đã bị nước lũ chia cắt. Ngoài việc dùng mô tô nước vượt dòng lũ dữ để vào được nơi đây, tôi cùng các chiến sỹ Bộ đội biên phòng phải mất hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ đi men theo đường rừng ven bờ sông Luồng với quãng đường 10km. Khi đến được Sa Ná, tôi và đoàn cứu hộ không khỏi bàng hoàng trước khung cảnh hoang toàn sau cơn lũ dữ để lại. Một bản làng vốn yên bình nay đã bị san phẳng, chỉ còn những đống đổ nát lẫn bùn đất.
Hay như vào năm 2021, tôi có dịp đến thăm và viết bài về Trạm Thủy văn Mường Lát, nằm ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát. Nơi đây cách TP. Thanh Hóa 250km về phía Tây với trùng trùng điệp điệp núi đồi, những cánh rừng già xanh mướt như một bức màn bao phủ toàn huyện, nơi thượng nguồn có dòng Mã Giang kỳ vỹ uốn lượn tựa thế rồng bay. Sau khi được trải nghiệm những cung đường dài vắt ngang từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, tôi cùng các cán bộ Thủy văn lên tàu bơi ra giữa dòng Mã Giang, để hiểu rõ hơn về công việc thường ngày đầy vất vả, nguy hiểm của các cán bộ nơi đây. Được lắng nghe những câu chuyện, kỷ niệm của Trạm Trưởng Lê Xuân Tình trước những thời khắc ngặt nghèo, nguy hiểm đến tính mạng khi đối mặt với thiên tai, bão lũ.
Với tôi, đời làm báo thật sự là những ngày sống giữa 2 bài báo: Một bài đã đăng và một bài đang hình thành. Và cứ như thế những bài báo cuốn tôi hối hả theo nhịp của đời sống xã hội.
Các bài báo tựa như những nhịp cầu, nối kết tôi với bạn đọc - những người đã tin yêu Báo Tài nguyên và Môi trường. Qua những cuộc điện thoại, thư phản hồi sau các bài báo của bạn đọc, đã và đang khiến tôi thấy mình phải nỗ lực nhiều hơn để đảm đương vị trí “trung gian xã hội” của người làm báo.
Trong hành trình cầm bút gần 15 năm qua, tôi lưu giữ cho mình những kỷ niệm hằn sâu trong tâm trí về những lần tác nghiệp đầy rẫy nguy hiểm, đôi khi lại dở khóc dở cười, đôi khi lại ngập tràn ý nghĩa nhân văn trong cuộc sống. Trong nghề báo, số lượng hàng trăm, hàng nghìn bài báo không nói lên được điều gì. Điều quan trọng là bài báo của bạn đem lại những giá trị gì, gợi mở suy nghĩ, làm sáng tỏ vấn đề, giúp người đọc tiếp cận góc nhìn mới về một vụ việc đã đi vào lối mòn, ít được quan tâm, đem lại những giá trị nhân văn cho cuộc sống. Và những chuyến đi tới vùng cao, tôi thấm được tình người, tình đời sẻ chia, bao dung và đầy nhân ái.
Phóng viên Kiên Cường (Phòng Bạn đọc - Pháp luật)
Dấn thân vì những điều tốt đẹp
Với mỗi phóng viên, đặc biệt là phóng viên viết điều tra luôn cảm thấy yêu nghề và có động lực hơn khi sau mỗi chuyến “dấn thân”, bài viết mang hơi thở cuộc sống được đông đảo bạn đọc đón nhận, cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết “thấu tình đạt lý”.
Đầu năm 2023, Báo TN&MT nhận được đơn phản ánh của các hộ dân Khu phố Trương Hán Siêu, phường Quang Trung, TP. Hải Dương về một hộ gia đình xây nhà lên vỉa hè làm mất mỹ quan đô thị của cả khu phố. Tôi được giao đến tìm hiểu và “mục sở thị” hiện trạng, sai phạm đã rõ như ban ngày. Đến làm việc với UBND phường Quang Trung, tôi được cung cấp các loại văn bản, giấy tờ liên quan đến diện tích đất của hộ gia đình xây nhà lên vỉa hè và trả lời của cán bộ địa chính, sự việc liên quan dẫn đến bức xúc cả khu phố, nguyên nhân chính không chỉ do gia đình đang xây dựng công trình sai phạm coi thường pháp luật, lấn chiếm trái phép mà còn ở chỗ chính quyền giải quyết chưa thỏa đáng.
Vào thời điểm năm 2018, các hộ dân tự nguyện hiến đất để xây dựng Dự án cải tạo nâng cấp đường Trương Hán Siêu, phường Nhị Châu (nay là phường Quang Trung), TP. Hải Dương (Hải Dương). Trong đó, gia đình đang vi phạm xây dựng công trình nhà ở lên vỉa hè đã tự nguyện hiến thửa số 3, tờ bản đồ số 14, với diện tích 20m2. Sau khi gia đình hiến đất để làm đường, số diện tích đất hiến cho nhà nước đã không được chính quyền ra Quyết định thu hồi và cấp lại Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, nên khi cấp phép xây dựng đã chồng lấn lên vỉa hè của khu phố.
Sau 4 bài viết phản ánh trên Báo Tài nguyên và Môi trường, TP. Hải Dương nhanh chóng vào cuộc đánh giá đúng thực trạng và vận động hộ dân xây nhà tự phá dỡ phần công trình xây lên vỉa hè, chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra hồ sơ nhanh chóng hoàn thiện để cấp lại Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất đúng phần diện tích còn lại sau khi hiến đất.
Từ vụ việc được Báo phản ánh, tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo chính quyền các cấp rà soát các trường hợp hiến đất cho nhà nước, tiến hành làm ngay thủ tục để cấp lại Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất. Giờ đây, mỗi lần qua con phố Trương Hán Siêu, TP. Hải Dương nhìn vào công trình xây dựng lên vỉa hè khang trang, lề lối, lòng tôi dậy lên niềm vui vì bài báo đã góp sức cho văn minh đô thị tại đây.
Đối với những phóng viên thực hiện nội dung bài điều tra theo đơn thư bạn đọc, vụ việc dù là của tập thể hay cá nhân phản ánh thì khi hoàn thành mang lại kết quả đều tạo động lực để tiếp tục cống hiến nhiều hơn trên chặng đường làm báo.
Đơn cử như, việc tìm hiểu đơn thư phản ánh của hộ gia đình ở xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy (Nam Định) năm 2023. Ở vụ việc này, có một hộ dân không đồng thuận phương án đền bù, hỗ trợ bồi thường khi thực hiện Dự án đường gom ven biển đi qua địa phương. Điều này đã khiến tiến độ triển khai tuyến đường gom ven biển bị ảnh hưởng rất nhiều.
Sau khi tiếp nhận đơn, tôi được biết, hộ gia đình thuộc diện chính sách (mẹ của liệt sỹ). Góc khuất của vấn đề ở chỗ, việc hỗ trợ gia đình khi bị thu hồi hết phần diện tích đất sản xuất… chưa đúng và chưa thỏa đáng theo quy định của pháp luật. Qua nghiên cứu hồ sơ và làm việc với chính quyền địa phương, tôi đã có bài viết phản ánh kịp thời trên báo. Ngay sau đó, huyện Giao Thủy đã tiến hành đối thoại với gia đình và đã có điều chỉnh một số bất cập về đền bù, hỗ trợ gia đình theo quy định của Nhà nước, như nội dung Báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh. Cùng với đó, huyện Giao Thủy cầu thị nhận trách nhiệm có một số thiếu sót trong quá trình lập hồ sơ, lên phương án chưa đảm bảo và tiến hành điều chỉnh phù hợp, nên gia đình đã đồng thuận nhất trí theo phương án mới, bàn giao đất cho Nhà nước. Vậy là một lần nữa tôi lại có thêm động lực vì sau bài viết của mình người dân đã hiểu và bàn giao đất. Khi đọc những dòng chữ cảm ơn gửi đến Báo của bạn đọc và văn bản cầu thị của huyện Giao Thủy cảm ơn vì đã giúp địa phương “sửa sai”, tôi thấy mình cần nỗ lực và có trách nhiệm hơn nữa trong từng vụ việc.
Phóng viên bạn đọc và pháp luật là công việc đòi hỏi sự dấn thân và hy sinh vất vả, nhưng sau mỗi bài viết có sự lan tỏa, đón nhận của công chúng, sự việc được giải quyết, chính là niềm vui để phóng viên tiếp bước trên chặng hành trình đầy gian khó.
Phóng viên Thanh Ngà (Phòng Thư ký - Biên tập)
Đi vào vùng lũ
Những ngày tháng 6, mưa trút ầm ầm xuống ngay sau những ngày nắng như đổ lửa, tôi - phóng viên Báo TN&MT thường trú tại tỉnh Yên Bái lúc nào cũng chuẩn bị sẵn bên mình các phương tiện tác nghiệp và đồ dùng cần thiết để bất cứ khi nào cũng có thể lên đường đi cơ sở ngay.
Ngẫm lại những kỷ niệm vào vùng lũ trong gần 10 năm làm nghề, thương nhất khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng tàn khốc mà những trận lũ kinh hoàng càn quét qua những bản làng, khiến những khu dân cư vốn yên bình, nhộn nhịp bỗng tan hoang đổ nát; đối diện với những gương mặt, ánh mắt thất thần của đồng bào trong cảnh trắng tay, tài sản bao năm tích cóp đã bị dòng nước dữ cuốn phăng. Đặc biệt, những gia đình vẫn đang trông ngóng từng phút, từng giờ mong tìm lại người thân mất tích… khiến lòng chúng tôi đau nhói, xót xa, đan xen rất nhiều cảm xúc cực kỳ khó tả…”.
Sáng ngày 3/8/2018 là một ngày đặc biệt. Tôi nhận được thông tin huyện vùng cao Mù Cang Chải thiệt hại lớn do mưa lũ. Mang máy ảnh, sổ ghi chép và ít đồ dùng cần thiết, tôi lên đường cùng đoàn công tác ứng phó của địa phương. Suốt dọc đường, điện thoại liên tục đổ chuông, thông tin về số người thương vong liên tục tăng...
Xe dừng, tôi tranh thủ mua một đôi dép để tiện cho việc đi lại và tác nghiệp. Ngoài việc xác định đưa thông tin nhanh, chính xác về tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm người bị nạn, tôi cũng lặn lội đến tận nơi những gia đình có người bị nạn hay bị mất nhà để xem cuộc sống của họ như thế nào, mong muốn của họ là gì?... Trong tôi, cứ ám ảnh mãi những câu hỏi: Không biết những người mất tích giờ ra sao, liệu có phép màu nào giúp họ vượt qua không? Rồi mai đây cuộc sống của những người vợ mất chồng, những đứa con mất mẹ, những cụ già mất nhà cửa, tài sản sẽ ra sao?
Những chi tiết, những hình ảnh ấy cùng những nỗ lực căng mình cứu dân, giúp dân của lực lượng chức năng và tình người trong lũ... đã được đăng tải nhanh chóng trên Báo TN&MT góp một phần vào việc kêu gọi cộng đồng sẻ chia, hướng về tâm lũ.
Không chỉ riêng tôi, trong trận lũ đó có rất nhiều phóng viên của báo bạn cùng tác nghiệp. Các phóng viên ai cũng mệt, chân tay lấm lem bùn đất nhưng nhìn khung cảnh tan hoang, bà con người thân, mất sạch nhà cửa, của cải thì ai cũng cảm thấy những vất vả, khó khăn kia chẳng thấm vào đâu so với “nỗi đau lũ quét” của đồng bào.
Là một phóng viên thường trú tại tỉnh miền núi đối với phóng viên nam đã vất vả, phóng viên nữ còn gặp trở ngại hơn nhiều. Đối với mỗi sự kiện, đặc biệt là vấn đề “nóng” bản thân luôn cố gắng sắp xếp công việc gia đình hợp lý, chuẩn bị sức khỏe cả về tinh thần và thể chất để "lên đường" bất kể khi nào.
Về với “ngôi nhà” Báo TN&MT đã gần 7 năm, bản thân luôn tự dặn mình cố gắng tích cực bám nắm cơ sở, tìm hiểu thực tiễn cuộc sống... Không nhớ hết những vất vả, gian khổ, thậm chí nguy hiểm khi trèo đèo, lội suối để có mặt tại hiện trường thật nhanh, kịp ghi nhận thực tế, chụp những tấm ảnh nóng hổi, chân thật về lũ quét. Những dòng tin, những hình ảnh được bạn đọc đón nhận là nguồn động viên cổ vũ chúng tôi vượt khó, khắc phục hạn chế thậm chí là khuyết điểm để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó cũng là niềm vui vô bờ bến của chúng tôi, người làm báo thường trú tại địa phương.
Tôi luôn suy nghĩ, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?” Luôn tự dặn mình phải không ngừng học tập, noi theo gương Bác Hồ về phong cách và đạo đức làm báo. Làm một phóng viên thường trú tại địa phương, một mình một địa bàn, mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át công việc chung…
Phóng viên Mai Đan (Phòng Thư ký - Biên tập)
“Sống” với nghề biên dịch báo
Biên dịch báo là nghề đòi hỏi người biên dịch phải vừa thông thạo ngoại ngữ, vừa có khả năng tốt về xử lý thông tin, chuyển dịch ngôn ngữ.
Đã hơn 10 năm gắn bó với Báo Tài nguyên và Môi trường, cũng là chừng ấy thời gian tôi đảm nhiệm công việc biên dịch Báo. Trong quãng thời gian đó, đã không ít lần có đồng nghiệp nhận xét rằng biên tập viên quốc tế nhàn và sướng nhé “mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu”. Thậm chí, có người còn ví người làm biên dịch như cây ATM (máy dịch tự động). Lời bông đùa này nghe có vẻ hài hước nhưng thật “oan” cho những người đảm nhận công việc này.
Không thể phủ nhận rằng trong thời đại bùng nổ công nghệ số như hiện nay, có khá nhiều phần mềm hỗ trợ dịch thuật, nhưng không phải lúc nào máy móc hay các phần mềm đó cũng dịch chính xác, nhất là trong bối cảnh có nhiều yếu tố như ngữ cảnh, chủ đề. Nếu là một từ đơn lẻ, máy móc có thể hỗ trợ dịch được nhưng với những câu phức tạp có thành ngữ/tục ngữ, đòi hỏi người biên dịch phải nắm vững các cấu trúc câu, từ vựng, thành ngữ, tục ngữ và văn phong trong ngôn ngữ mà mình cần dịch để có thể diễn đạt thông điệp cần chuyển tải theo cách chính xác, tự nhiên và phù hợp nhất.
Nhắc đến công việc biên dịch, không ít người nghĩ rằng chỉ cần bạn có năng khiếu và bỏ ra vài năm học ngoại ngữ là có thể thông thạo và ra ngoài làm việc, họ cho rằng không khó để “sống” với nghề biên dịch. Thế nhưng chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng, chỉ để có thể hiểu và nói trôi chảy ngôn ngữ mẹ đẻ, ngoài việc được sống và học tập tại ngay chính trên đất nước nơi chúng ta sinh ra, chúng ta còn phải bỏ ra rất nhiều thời gian và phải luyện tập hằng ngày, hằng tháng, cùng với việc trau dồi vốn từ thường xuyên, liên tục.
Trong khi đó, không phải biên dịch viên nào cũng có điều kiện đến những quốc gia nói loại ngôn ngữ mà họ đang theo đuổi và họ cũng không thể bỏ ra khoảng thời gian tương đương để thấm nhuần ngôn ngữ ấy. Qua đó có thể thấy rằng, trở thành biên dịch viên không hề dễ dàng, họ phải nỗ lực, phải thông minh và có khả năng nắm bắt nhanh thì mới có thể thành công và chinh phục được thứ ngôn ngữ mà họ theo đuổi.
Giống như bất cứ nghề nào, nghề biên dịch báo chí cũng cần có những chuẩn mực đạo đức hay quy tắc ứng xử riêng. Chuẩn mực đạo đức ở đây đề cập đến sự trung thành của người biên dịch đối với ngôn ngữ và ý tưởng, cũng như thái độ của người biên dịch đối với bản dịch của mình. Hiểu một cách đơn giản là biên dịch viên không được thêm thắt, bình luận, nhận xét hay thể hiện thái độ của cá nhân vào bản dịch.
Để đạt được các chuẩn mực đó, biên dịch viên cần tự trang bị cho mình kiến thức xã hội, kiến thức chuyên ngành, kiến thức ngôn ngữ để chuyển tải nội dung tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại bằng cả sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề và khát khao cống hiến cho sự phát triển và hội nhập.
Chẳng hạn, đối với một biên dịch viên tin bài quốc tế về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, bên cạnh nắm chắc kiến thức xã hội, vững nghiệp vụ báo chí, đòi hỏi người biên dịch phải hiểu sâu về kiến thức chuyên ngành tài nguyên và môi trường trong nước và quốc tế, liên quan đến 9 lĩnh vực gồm: đất đai, tài nguyên nước, địa chất và khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu và viễn thám.
Việc lựa chọn những tin bài quốc tế liên quan đến 9 lĩnh vực này cũng phải thật khéo léo, vừa đảm bảo tính thời sự; vừa chứa đựng những thông tin thiết thực với Việt Nam; vừa có mục tiêu tuyên truyền, phổ biến, cập nhật thông tin về tình hình thế giới; vừa giới thiệu những mô hình, chính sách có thể là bài học trong quản lý tài nguyên và môi trường của nước ta.
Dựa trên những tiêu chí trên, mỗi khi tìm nguồn tin quốc tế từ tiếng Anh để chuyển đổi sang ngôn ngữ tiếng Việt, tôi ưu tiên lựa chọn những tin bài tập trung vào các nội dung như: Kinh nghiệm về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các nước có nền kinh tế, khoa học kỹ thuật tương đương Việt Nam; các chính sách về môi trường, biến đổi khí hậu của các nước láng giềng có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các nước láng giềng ảnh hưởng đến môi trường, biến đổi khí hậu của Việt Nam; tình hình thời tiết, thiên tai bất thường, sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới…
Đất nước đang hội nhập từng ngày từng giờ. Khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu cập nhật những thông tin trong và ngoài nước ngày càng tăng cao. Các nhà báo phụ trách mảng thông tin thế giới đã và đang làm việc tích cực để công chúng Việt Nam có được nhiều thông tin chính xác, nóng hổi về tình hình thế giới, làm cầu nối giữa người dân trong nước và cộng đồng quốc tế, định hướng dư luận trong “bể” thông tin vô tận của kỷ nguyên tin học và toàn cầu hóa.
Phóng viên Phạm Đức Hải (Phòng Bạn đọc - Pháp luật)
Hạnh phúc giản đơn của người cầm bút
Với tôi, hạnh phúc đơn giản của người cầm bút chính là những phản ánh được địa phương nhìn nhận và có giải pháp kịp thời; người dân có cuộc sống an toàn hơn.
Gần đây nhất, tôi thực hiện đề tài về những bất cập trong triển khai tuyến đường mở mới nối từ TP. Bắc Kạn đi Hồ Ba Bể. Con đường dài 39km, mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng phát triển cho vùng khó khăn. Thế nhưng khi thi công công trình, nhiều vấn đề về an toàn, môi trường lại làm ảnh hưởng đến một dự án khác có ý nghĩa kinh tế - xã hội tại địa phương.
Với tỉnh có diện tích che phủ rừng lớn nhất cả nước như Bắc Kạn - 73,35%, việc hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế và bảo vệ rừng là rất cần thiết. Bước đầu tôi muốn tìm hiểu liệu dự án có ảnh hưởng gì đến rừng cũng như cuộc sống của các hộ dân quanh đó. Việc có những bài báo phản ánh sát với thực tế sẽ giúp chính quyền địa phương và các nhà thầu biết để điều chỉnh cho phù hợp. Xuất phát từ ý nghĩ ấy, tôi đã đề xuất Ban Biên tập Báo cho đi thực tế và tìm hiểu tính pháp lý của dự án, cũng như những vướng mắc còn tồn tại nơi đây.
Qua nguồn tin từ một đồng nghiệp tại địa phương, tôi được “tiết lộ”, tuyến đường này đang triển khai. Nhưng tình trạng phá rừng, đào xới, đổ thải xuống suối, đồng ruộng là khá phổ biến. Để phản ánh một cách khách quan nhất, tôi phải đi theo đúng tuyến đường dự định sẽ làm. Vì là đi “điều tra” những vấn đề nổi cộm, lại đi vào địa bàn rừng núi, tôi phải gửi xe ở ngay đầu TP. Bắc Kạn rồi thuê anh xe ôm, thạo đường chở đi. Vừa đi, vừa trò chuyện, tôi được biết, anh lái xe ôm này cũng thỉnh thoảng chở gạo, đồ ăn từ chợ vào cho những công nhân đang làm trong tuyến. Từ lúc mở đường, anh N. “xe ôm” thi thoảng còn chở công nhân vào đó, nên anh khá thạo đường. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã vào được tuyến. Đoạn nào đi được thì chúng tôi đi xe máy, còn đoạn nào khó quá thì cuốc bộ. Cẩn trọng tôi ghi vị trí từng đoạn một, đoạn nào, khu vực nào làm, nhà thầu nào đổ thải trái phép xuống suối, đoạn nào chặt gỗ, gỗ có được đấu thầu và bỏ thầu trước khi chặt không…
Sau đó, tôi đến gặp và trao đổi cặn kẽ với đại diện lãnh đạo UBND xã, UBND huyện, và Chủ đầu tư.
Trên cơ sở đó, tôi viết loạt bài phản ánh: “Thi công tuyến đường nghìn tỷ” đăng tải vào tháng 6 và tháng 7/2023, gồm 3 bài: Liệu có đang đầu độc môi trường; Trạm bê tông dựng gay vệ suối; Làm đường, dân mất lối vào nhà… Trong 3 bài này, tôi viết hàng loạt các vấn đề còn tồn tại ở đây. Từ việc đổ thải, đến chặt rừng, đến việc thiết kế con đường khiến người dân sinh sống bị ảnh hưởng mà chủ đầu tư không hỗ trợ, đền bù GPMB cho người dân ổn định cuộc sống…
Sau các bài báo đó, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản chỉ đạo xuống Sở Tài nguyên và môi trường Bắc Kạn làm “đầu mối” đi kiểm tra. Sau đó, Sở TN&MT Bắc Kạn có văn bản gửi tới Báo. Có cam kết của các nhà thầu sẽ khắc phục sau khi tuyến đường thi công xong.
Đến nay, dự án cơ bản đã làm xong một số đoạn, những vấn đề mà Báo TN&MT phản ánh đã được chấn chỉnh. Một số hộ dân được hỗ trợ để sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống… Niềm vui của người dân cũng là hạnh phúc của những người cầm bút, khi đưa tiếng nói của người dân đến các cấp chính quyền.