Doanh nghiệp - doanh nhân

Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển khu công nghiệp, tạo đột phá tăng trưởng

Tiến Trung 26/08/2024 - 11:04

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế năng động, nhiều dự án trọng điểm đã được khởi công, giúp khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng giao thông. Nhiều khu công nghiệp đã được quy hoạch và xây dựng đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài FDI.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các khu công nghiệp, khu kinh tế trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hút 65 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư tăng thêm khoảng 10.393 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 183.650 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 107.950 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 10.784 tỷ đồng. Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trong vùng tính đến tháng 6/2024 là 501.254 lao động.

Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, minh bạch là điều kiện tiên quyết để thu hút vốn nước ngoài. Với cách làm linh hoạt đang được thực hiện, ĐBSCL kỳ vọng sẽ tạo được thiện cảm, niềm tin để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư FDI.

1(2).jpg
Nhiều khu công nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch và xây dựng đón làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài FDI

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, địa phương có rất nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư, là cửa ngõ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giáp ranh TP. Hồ Chí Minh, kết nối miền Đông và Tây Nam Bộ; diện tích đất công nghiệp có khả năng cho thuê tương đối lớn, hệ thống hạ tầng đường biển, đường bộ thuận tiện, nhiều tuyến quốc lộ và cao tốc đi qua địa bàn... Tỉnh luôn chú trọng nâng cấp các tuyến đường giao thông để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp, xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của tỉnh. Cùng với chiến lược thu hút đầu tư hợp lý, tỉnh trở thành điểm sáng, đất lành cho các nhà đầu tư “cập bến”. Đặc biệt, từ khi tỉnh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép cho dự án FDI đầu tiên, đến nay, tỉnh là một trong những địa phương tốp đầu cả nước về công tác thu hút đầu tư, nhất là FDI.

Nếu như Long An là đất lành nằm trong tốp những địa phương thu hút nhiều nguồn vốn FDI nhất, luôn là một trong những tỉnh dẫn đầu vùng ĐBSCL, thì Bạc Liêu là điểm sáng đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng tốc phát triển, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong năm 2024, đồng thời thể hiện quyết tâm cao trong việc tập trung các nguồn lực, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đã và đang triển khai gần đây đã tạo hiệu ứng tích cực cho thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp trong vùng. Tại các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều “ông lớn” bất động sản công nghiệp triển khai xây dựng dự án cũng như tiến hành thủ tục pháp lý xin chủ trương đầu tư khu công nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Phát triển khu công nghiệp, tạo đột phá tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO