Hội nghị Sea of Solutions (SOS) là sự kiện thường niên với nội dung và mục tiêu hướng tới là giải quyết ô nhiễm nhựa tại nguồn, do UNEP và COBSEA tổ chức thông qua dự án SEA Circular do Chính phủ Thụy điển tài trợ.
Sự kiện SOS 2020 là một trong chuỗi những sự kiện quốc tế quan trọng liên quan đến vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải (nhựa) đại dương. Việc Việt Nam đăng cai đồng và chủ trì với UNEP thể hiện vai trò, trách nhiệm và có ý nghĩa nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam nói chung và Bộ TN&MT trong các nỗ lực chung của khu vực và quốc tế trong việc giải quyết vấn đề môi trường có tính toàn cầu này.
Phát biểu tại phiên Khai mạc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ rất vui mừng vì Việt Nam được UN Environment tin tưởng lựa chọn là quốc gia thứ hai sau Hội nghị năm 2019, tổ chức Hội nghị Các giải pháp về nhựa khu vực các Biển Đông Á 2020 hôm nay với Chủ đề ""Giảm thiểu lãng phí nhựa và giữ sạch đại dương - Các hành động đến nay”.
Thay mặt cho Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng gửi lời chào trân trọng tới toàn thể các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến và lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ Thụy Điển đã tài trợ cho việc tổ chức sự kiện quan trọng này.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà |
Việt Nam ban hành nhiều chính sách hướng tới giải quyết ô nhiễm nhựa
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa không bền vững đã trở thành một mối đe dọa to lớn đối với hệ sinh thái và môi trường trên đất liền, khu vực ven biển cũng như đại dương của chúng ta.
Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này.
Theo Bộ trưởng, vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam thời gian qua đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực, điển hình như:
Thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa.
Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Bên cạnh đổi mới về chính sách, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam cũng tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ và lần đầu tiên thiết lập một cơ chế đối tác cho phép doanh nghiệp sản xuất và cơ quan chính phủ hợp tác trong giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa.
Tại hội nghị lần này, Bộ trưởng gợi mở một số nội dung mang tính giải pháp cụ thể và mong muốn các đại biểu tham dự sẽ đóng góp các ý kiến chuyên môn, kinh nghiệm của các quốc gia, tổ chức của mình để từ đó hội nghị sẽ đưa ra những hành động với tinh thần quyết liệt và cấp bách để giải quyết vấn đề môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng như hiện nay.
Trong đó, sẽ thiết lập khuôn khổ pháp lý và thể chế, trước hết ở phạm vi quốc gia về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất các sản phẩm nhựa;
Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về nhựa và vi nhựa, chuyển đổi ngành sản xuất nhựa theo hướng bền vững, đảm bảo thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa;
Tăng cường phát động các phong trào sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm về nhựa; tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của nhà sản xuất và người tiêu dùng đối với các sản phẩm nhựa;
Thiết lập các cơ chế phù hợp cho phép nhà sản xuất nhựa tham gia trực tiếp vào các hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, đảm bảo việc sản xuất sản phẩm nhựa theo hướng bền vững;
Gắn vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa đại dương vào Luật biển bằng các quy định cụ thể về giảm thiểu, thu gom, xử lý rác thải nhựa biển, tăng cường sự tham gia và đóng góp của các ngành và lĩnh vực liên quan như du lịch, thủy sản, giao thông-vận tải và phát triển kinh tế biển;
Thiết lập một Trung tâm nghiên cứu quốc tế của khu vực với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và quốc gia phát triển nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ cho giảm thiểu chất thải nhựa.
“Tôi mong rằng, Hội nghị năm nay sẽ có nhiều đổi mới, mang tính đột phá và đạt được những kết quả thiết thực, tìm ra nhiều giải pháp thiết thực có thể chuyển thành các hành động cụ thể, đồng thời sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực các Biển Đông Á trong các nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu có tính hết sức cấp bách này.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Hội nghị dự kiến được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 03 ngày, từ ngày 24-26/11/2020, trong đó: Ngày thứ 1 và ngày thứ 2 (Ngày 24, 25/11/2020): đầu cầu phía Việt Nam tổ chức tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tham dự, các đại biểu khách mời tham gia theo hình thức trực tuyến).
Ngày thứ 3 (Ngày 26/11/2020): đầu cầu phía Việt Nam tổ chức một phiên tập trung.
Hội nghị trong 03 ngày dự kiến có 04 Phiên toàn thể, 05 Phiên chuyên đề.
Hội nghị kỳ vọng các bên tham gia sẽ cùng nhau chia sẻ thông tin và các giải pháp hỗ trợ giảm thiểu lượng rác thải nhựa, thông qua việc tăng cường tái chế và tái sử dụng, thúc đẩy các chính sách và các bài học kinh nghiệm.
Xác định các mô hình kinh doanh điển hình để tăng cường việc tái sử dụng và tái chế nhựa, giảm và loại bỏ sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Nâng cao nhận thức các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các chính phủ về cơ hội được đầu tư tài trợ từ các quỹ giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa.
Tạo cơ hội đối thoại giữa các cơ quan chính phủ với khu vực tư nhân.