(TN&MT) - Rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất của các đại dương trên thế giới, là vấn đề môi trường toàn cầu. Tại các vùng biển và ven bờ dọc các tỉnh miền Trung Việt Nam, rác thải đã và đang từng ngày phá hoại các hoạt động kinh tế, xã hội như du lịch, nghỉ dưỡng và ngay cả sức khỏe của con người.
Rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất của các đại dương trên thế giới, là vấn đề môi trường toàn cầu. Tại các vùng biển và ven bờ dọc các tỉnh miền Trung Việt Nam, rác thải đã và đang từng ngày phá hoại các hoạt động kinh tế, xã hội như du lịch, nghỉ dưỡng và ngay cả sức khỏe của con người.
Chiều tháng 6, Cồn Cỏ sau một ngày phơi mình dưới nắng hè đã bắt đầu dịu mát trở lại. 2 nữ du khách đến từ Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng thả bộ trên các con đường bao quanh hơn 4 km2 để khám phá cảnh quan của đảo. Cồn Cỏ là điểm du lịch khá mới mẻ. Do vậy, khi thấy lịch trình do lãnh đạo bệnh viện đề xuất, 2 nữ du khách cho biết, cán bộ nhân viên cơ quan đều rất háo hức. Đặt chân lên đảo, tận hưởng cảnh đẹp và không khí dễ chịu, mọi người đều thấy khá hài lòng.
“Nét độc đáo là Cồn Cỏ còn giữ được nét đẹp hoang sơ, nước biển trong xanh, cây cối tươi mát, cảnh sắc đúng như tưởng tượng. Tuy nhiên, khi định đặt chân xuống biển thì mới thấy quá nhiều rác thải với đủ loại chai nhựa, vật dụng đánh cá, cây gỗ... dày đặc trong các kẽ đá bờ kè. Nhiều đoạn bờ biển rất đẹp, nhưng vừa bước chạm mặt nước, rác đã bám vào chân. Hứng thú tắm biển cũng không còn”, một trong 2 du khách nói.
Cảm nhận của 2 du khách Đà Nẵng đến Cồn Cỏ có lẽ không quá xa lạ với nhiều du khách khác khi tham quan các đảo, hay du lịch tại các bãi biển miền Trung. Tuy không thể khẳng định, chỉ vì rác thải mà họ sẽ không trở lại Cồn Cỏ một lần nào nữa, nhưng thực tế, đó là một ấn tượng không mấy tốt đẹp. Rác thải đang trở thành một tác nhân trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của nhiều địa phương.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho hay, qua khảo sát, có thể thấy rõ tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải, nước thải chưa qua xử lý tại các khu du lịch trọng điểm. Điển hình như Sầm Sơn (Thanh Hóa) phải hứng chịu 105 tấn rác thải/ngày, trong đó, rác thải nhựa 25,2 tấn. Đà Nẵng hứng 1.100 tấn rác thải/ngày, rác thải nhựa chiếm 17%. Tuy Hòa (Phú Yên) cũng đang “gánh” 524 tấn rác thải, rác thải nhựa chiếm 18,31%. Năm 2019, với 18 triệu khách quốc tế và 43,5 triệu khách nội địa, đã thải ra môi trường tổng cộng 116.144 tấn rác.
Đó là những con số “biết nói” cho thấy thực trạng ô nhiễm đáng báo động của rác thải nhựa hiện nay. Không chỉ tác động tới du lịch, tình trạng ô nhiễm rác thải cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của ngư dân. Về điều này, những người nuôi tôm hùm ở đảo Bình Ba (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) là một ví dụ điển hình.
Đảo Bình Ba là 1 trong 2 đảo thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, với hơn 2.300 người đang sinh sống và làm việc. Vị trí đảo nằm ngay cửa ngõ của Vịnh và Cảng Cam Ranh, mặt trước của đảo đón gió Bấc (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), mặt sau của đảo đón gió Nồm (từ tháng 5 đến tháng 9).
Mặt trước của đảo Bình Ba có hình vòng cung lõm như chiếc võng. Hàng năm, đến mùa gió Bấc, rác thải trên bãi biển và vùng bờ như bì nilon, chai nhựa, thùng xốp, cây khô, cả cây Lục Bình sống ở nước ngọt cũng tấp vào đảo. Cứ mùa Bấc là lượng rác từ Vịnh Cam Ranh và từ thượng nguồn trôi dạt về đảo với lượng rất lớn.
Đảo Bình Ba được du khách biết đến là nơi có vẻ đẹp hoang sơ và khí hậu trong lành, nhưng môi trường biển ở nơi đây đang bị đe dọa nặng nề bởi rác thải. Theo tính toán, mỗi ngày, người dân trên đảo và du khách đã thải khoảng 3 tấn rác thải sinh hoạt ra môi trường. Nơi này được xem là “quốc đảo tôm hùm” với hơn 90% hộ dân đang nuôi tôm. Hằng năm, các hộ nuôi tôm xuất ra hơn 300 tấn tôm hùm cho thị trường. Tuy nhiên, nhiều minh chứng đã chỉ ra rằng, rác thải sinh hoạt và rác thải đại dương đang là nguyên nhân gây suy giảm chất lượng tôm hùm cùng một số loại thủy hải sản khác tại đảo này.
“Lồng tôm xa bờ nhưng nước thải sinh hoạt, rác thải nhựa nổi lênh láng cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của tôm. Mỗi ngày, chúng tôi đều chăm sóc cho tôm đều đặn theo hướng dẫn nhưng tôm vẫn chết nên tôi nghĩ là do môi trường nước ô nhiễm”, một người dân nuôi tôm trên đảo gần 20 năm cho biết.
Không chỉ tại Ba Bình mà môi trường ô nhiễm trầm trọng, hình ảnh du lịch bị hủy hoại đã kéo theo sinh kế của ngư dân huyện đảo Lý Sơn bị ảnh hưởng. Theo Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá thôn An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn Lê Khuân, việc những mảnh lưới, túi ni lông, thùng xốp, chai nhựa nằm lẫn trong cát, vắt vào những bờ đá hay trôi dưới nước không còn xa lạ tại đảo nữa. Những mẻ lưới kéo lên tôm cá thì ít mà rác thì nhiều, các bè nuôi lỗ nặng vì ô nhiễm, từ đó mới thấy những thói quen tưởng chừng vô hại như vứt rác bừa bãi đã ảnh hưởng đáng kể đến sinh kế.
“Giờ nhìn đâu cũng thấy rác mà lo lắng. Rác rau củ quả có thể tự phân hủy được chứ mảnh lưới, túi ni lông, chai nhựa… tới bao giờ mới biến mất. Bà con ở đảo sống nhờ vào biển, nếu không còn con tôm, con cá thì biết làm sao. Mình đi tàu cũng thường xuyên nhắc nhở bà con bỏ chai lọ nhựa mang về đảo để xử lý nhưng không phải ai cũng có ý thức bỏ rác đúng nơi quy định”, ông Lê Khuân trăn trở.
Chung trăn trở với bà con các xã đảo, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho biết, các huyện, xã đảo như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Bình Ba có tiềm năng kinh tế đáng kể, dựa trên các nguồn tài nguyên biển phong phú và vẻ đẹp tự nhiên. Hiện nay, khách du lịch đến với huyện đảo, xã đảo của nước ta (trong đó có Lý Sơn, Cồn Cỏ, Bình Ba,...) ngày càng nhiều, cho thấy sức hút của tiềm năng, lợi thế về du lịch biển đảo. Tuy nhiên, ô nhiễm nhựa đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch biển - một nguồn thu nhập quan trọng cho các huyện, xã đảo.
“Du khách thường chọn các điểm đến sạch sẽ, tự nhiên và ô nhiễm nhựa có thể làm giảm sức hút của các địa điểm du lịch này. Điều này dẫn đến giảm thu nhập từ du lịch, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương. Ngoài ra, ô nhiễm nhựa cũng tác động đến ngư nghiệp. Lưới và thiết bị đánh cá bị vướng rác thải nhựa có thể bị hỏng hoặc giảm hiệu suất. Sự hiện diện của vi nhựa trong hệ sinh thái biển cũng đe dọa an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và uy tín của ngành thủy sản”, ông Nguyễn Đức Toàn nhận định.
Có thể thấy, thói quen sử dụng túi nilon, đồ dùng nhựa cùng với những hạn chế trong khâu tái chế, xử lý rác thải nhựa đang tạo ra “gánh nặng” ngày càng lớn đến kinh tế, môi trường cũng như sức khỏe của con người.
Theo ước tính, tổng thiệt hại kinh tế đối với hệ sinh thái biển toàn cầu do rác thải nhựa gây ra ít nhất là 13 tỷ USD mỗi năm. Với Việt Nam, là nước có tỷ lệ rác thải nhựa đại dương cao, cộng với ô nhiễm nguồn nước nên dự kiến Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 3,5% GDP vào năm 2035. Biến đổi khí hậu và thiên tai cũng được dự báo sẽ ảnh hưởng tới 11% GDP của Việt Nam đến năm 2030.
Khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố dọc ven biển Việt Nam kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Điểm chung các địa phương này là đều giáp biển, có đường bờ biển dài, vùng biển rộng với nhiều đảo, quần đảo, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển.
Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/5/2024 cũng khẳng định sẽ đưa vùng phát triển nhanh, năng động, hướng tới bền vững, mạnh về kinh tế biển; phát triển một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn của cả nước, các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; các giá trị văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy.
Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, sẽ quản lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ đất liền, giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển; 100% các khu bảo tồn biển trong phạm vi của vùng không còn rác thải nhựa; 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa ở vùng bờ biển được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Đặc biệt, Quy hoạch đặt ra mục tiêu xử lý một trong những vấn đề “nóng” hiện nay là kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng biển, ven biển và trên các đảo.
Mục tiêu là vậy, nhưng với thực tế đang được chứng kiến, thì có lẽ cũng phải khá lâu nữa, chúng ta mới có thể đạt được kết quả đó. Trước vấn nạn chất thải rắn, đặc biệt là rác thải đại dương tràn lan tại nhiều bãi biển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển du lịch và sức khỏe của con người đòi hỏi không chỉ quyết tâm, mà phải bằng những hành động quyết liệt, sự đầu tư thích đáng mới có thể từng bước cải thiện.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng chất thải xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới. Trong đó, lượng chất thải nhựa và túi nilon đang chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam.
Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho biết, rác thải nhựa, hay còn gọi là “ô nhiễm trắng”, là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường biển và đại dương, là vấn đề toàn cầu mà các quốc gia đang phải đối mặt. Chất thải nhựa trong môi trường biển có nguồn gốc từ các hoạt động trên đất liền và trên biển. Các nguồn từ đất liền bao gồm: các dòng sông, khu dân cư và hoạt động kinh tế - xã hội ven biển, du lịch biển, các hoạt động cảng biển. Nguồn phát sinh trong môi trường biển đa số từ các hoạt động đánh bắt hải sản, nuôi biển, du lịch biển và hoạt động giao thông vận tải. Trong đó, đánh bắt hải sản và nuôi biển được ghi nhận là các nguồn chính trong việc phát thải chất thải nhựa trên biển.
Theo Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các mảnh nhựa lớn và vi nhựa không chỉ làm mất mỹ quan, mà còn gây nguy hiểm cho động thực vật biển và hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến chất lượng nước và đất. Sinh vật biển như rùa, cá, và chim biển có thể bị mắc kẹt hoặc nuốt phải nhựa, dẫn đến tử vong hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nhựa tích tụ trên các rạn san hô, gây cản trở sự phát triển và sinh sản của san hô, làm suy thoái các rạn san hô - một hệ sinh thái quan trọng đối với đa dạng sinh học biển. Hơn nữa, nhựa phân hủy rất chậm, có thể hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm để phân hủy hoàn toàn, làm gia tăng sự tích tụ và gây ô nhiễm kéo dài.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Rác thải nhựa trong quá trình phân rã sẽ tạo ra các mảnh nhựa siêu nhỏ, những hạt vi nhựa (microplastic) này đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn và khi con người tiếp xúc, ăn phải, những vi nhựa này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm về hô hấp và thần kinh.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhấn mạnh, rác thải nhựa đang được xem là vấn đề ảnh hưởng đến môi trường lớn nhất hiện nay ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam. Tác hại của rác thải nhựa không thể đong đếm nổi. Sau khi trực tiếp gây hại cho môi trường sống và hệ động thực vật gây suy giảm đa dạng sinh học, rác thải nhựa còn sản sinh hạt vi nhựa gây hại cho sức khỏe của chính chúng ta.
“Khi chúng ta bị phơi nhiễm hạt vi nhựa, hệ miễn dịch của chúng ta sẽ bị suy giảm, tăng khả năng mắc các bệnh tự miễn. Tôi cho rằng đây cũng là một nguyên nhân mà hiện nay tỷ lệ bệnh ung thư ngày càng tăng và càng sớm ở con người”, GS. Đặng Huy Huỳnh nhận định.
Trước sự nguy hại và tác động xấu của rác thải nhựa, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cảnh báo, chúng ta đang đối diện với hiện trạng lượng rác thải đổ vào đại dương ngày một gia tăng, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của đại dương, đồng thời đe doạ đến môi trường, xã hội và sức khoẻ của con người. Hiện tại, nhựa đại dương không còn chỉ là vấn đề của một quốc gia hay một cá thể nào, mà còn là thách thức của toàn cầu. Do đó, rất cần sự chung tay và hợp tác góp sức của từng cá nhân, tập thể và xã hội.
Thực hiện: Nguyễn Dũng – Thanh Tùng –
Lan Anh – Đỗ Vương
Trình bày: Trần Dũng Thi
Bài 3: Loay hoay “bài toán” xử lý rác