Môi trường

Thúc đẩy hành động cấp bách giảm nhựa

Minh Thư 27/06/2024 - 09:00

(TN&MT) - Trước thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương (RTNĐD) và hệ quả của nó đối với môi trường biển, ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTNĐD đến năm 2030. Từ đây, khởi đầu cho loạt hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương rộng khắp từ bộ, ngành trung ương tới 28 địa phương có biển, hướng đến mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Các bộ, ngành vào cuộc...

Sau khi Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương được ban hành, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, 4 năm qua, tất cả các bộ được giao nhiệm vụ như Bộ TN&MT, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thể Thao và Du lịch, GDĐT, Quốc Phòng... đã thực hiện các hành động nhằm quản lý và chống ô nhiễm rác thải nhựa một cách tích cực (thông qua việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện của Bộ hoặc Chỉ thị của Bộ) và phổ biến đến các đơn vị trực thuộc. Theo đó, hàng loạt các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được tổ chức triển khai khắp nơi trên cả nước, hướng tới thực hiện các mục tiêu của Chính phủ đề ra. Trong đó, nhiệm vụ truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng được các bộ, ngành đặc biệt quan tâm.

Theo quyết định 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, với vai trò được giao chủ trì triển khai thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg, Bộ đã phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về chất thai nhựa và túi ni löng khoá phên huy. Bộ Tài nguyên và Môi trường liên tục phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" qua các năm, từ đó đã thu hút được sự tham gia của các tổ chức liên quan như doanh nghiệp có sử dụng vật liệu nhựa, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng hóa; đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán đã ký cam kết chống rác thải nhựa (RTN) và hàng loạt các chương trình, sự kiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, chống ô nhiễm nhựa.

Một số Bộ cũng ngay lập tức triển khai hoạt động kiểm soát rác thải nhựa tại nguồn trong phạm vi quản lý và đạt nhiều kết quả thiết thực. Có thể kể đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai chương trình Quản lý rác thải nhựa cho tàu cá tại cảng. Theo đó, các cảng cá được hỗ trợ thùng rác, máy ép rác để giảm thể tích trước khi vận chuyển đi xử lý. Đối với mỗi chủ tàu cá, ghi chép dụng cụ, vật tư dụng cụ đem theo mỗi chuyến tàu ra khơi và lượng rác thải tương ứng mang về, để kiểm soát quá trình thực hiện của các chủ tàu. Dự án đã trang bị camera ghi lại những lần ngư dân đổ rác, máy quét mã khi ngư dân đổ rác hay nộp giấy tờ liên quan, qua đó kiểm toán được một phần rác thải nhựa tại các cảng.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng cơ chế khuyến khích thu hồi tái chế rác thải nhựa trong khai thác thủy sản. Theo đó, cơ chế giá dịch vụ tiếp nhận, thu gom và xử lý RTN được áp dụng đối với tàu khai thác thủy sản tại Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu dự án cho thấy, có 85% tổng số người tham gia phỏng vấn đồng ý chi trả phí tiếp nhận, thu gom và xử lý RTN tàu cá với mức phí trung bình là 39.380 đồng/tàu/tháng. Với kết quả ước tính mức kinh phí cho các chỉ tiêu xử lý RTN và mức đóng góp của ngư dân, thì việc xây dựng cơ chế giá dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý RTN từ tàu khai thác thủy sản với Ban quản lý cảng cá là đơn vị đầu mối liên kết với các thành phần khác như người thu mua ve chai, cơ sở thu mua và tái chế, công ty môi trường đô thị cung cấp dịch vụ tiếp nhận, thu gom, xử lý RTN là hoàn toàn khả thi trong tương lai.

28 tỉnh có biển đồng loạt thực hiện các chương trình giảm nhựa

Trong 4 năm qua, 28 tỉnh, thành có biển đã đồng loạt triển khai hoạt động truyền thông và hành động cụ thể nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Hầu hết các địa phương đã hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" mà Bộ TN&MT phát động. Có thể kể đến các tỉnh có hoạt động nổi trội như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế... qua đó đã đẩy mạnh được công tác thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển.

8a.jpg
Truyền thông chống rác thải nhựa luôn được Bộ TN&MT quan tâm, triển khai rộng khắp

Phong trào chống RTN cũng được thực thi dưới dạng cuộc thi/ ý tưởng tại nhiều địa phương như ở Thanh Hóa với Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" đã được tổ chức lần thứ V vào năm 2023; được thực hiện dưới hình thức truyền thông như vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch... trên địa bàn tỉnh ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường tại Huế, Đà Nẵng, Cà Mau; bằng các biện pháp kinh tế như: không cung cấp miễn phí túi ni lông cho khách hàng, chỉ sử dụng túi đựng dùng được nhiều lần và bán với giá thích hợp hoặc chuyển từ sử dụng túi ni lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường. Điển hình là hệ thống cửa hàng Tokyolife thu phí khi khách hàng sử dụng túi đựng; siêu thị Big C, hệ thống cửa hàng Vinmart+, cửa hàng Sibafood,... sử dụng túi ni lông tự phân hủy, túi giấy, túi sử dụng nhiều lần ở TP.HCM, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Nhiều sáng kiến chống rác thải nhựa cũng được các địa phương áp dụng trong thời gian qua và có kết quả tốt như đổi rác lấy quà, lấy gạo, đường, sữa tại Bạc Liêu đã tạo động lực cho người dân tích cực thu gom rác thải nhựa. Đồng thời, Bạc Liêu cũng là tỉnh đi đầu trong việc thực hiện thay thế toàn bộ nước uống đóng chai nhựa bằng thiết bị lọc nước và ly thủy tinh; Hướng dẫn các Hợp tác xã môi trường đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong thu gom, xử lý rác thải như: ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh; sử dụng chế phẩm sinh học để giảm mùi hôi, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tại nhà...

Theo Báo cáo của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, nhiều, tỉnh, thành phố có biển đã đạt kết quả cao trong hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo như Quảng Ninh (3 năm đạt trên 94 điểm, có năm đạt 99 điểm), Khánh Hoà (5 năm đều trên 90 điểm), Tiền Giang (3 năm liên tiếp trên 99 điểm, 2 năm đạt 100 điểm)...

Tuy đã đạt được một số hiệu quả tích cực, song, theo đánh giá của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (đơn vị được giao tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 1746) việc tổ chức, triển khai thực hiện vẫn còn rất nhiều hạn chế, thách thức. Đặc biệt, đến năm 2024, vẫn chưa có một nghiên cứu, đề tài cụ thể nào về hiệu quả giảm thiểu rác thải nhựa trên biển và đại dương; về vấn đề ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; và thống kế số lượng các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại các địa phương ven biển. Cũng như chưa có bất kỳ báo cáo định kỳ nào về «Đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông». Vì vậy rất khó để đánh giá kết quả thực hiện quyết định 1746/QĐ-TTg tại các địa phương có biển. Đây chính là vấn đề quan trọng mà các cơ quan chức năng cần khẩn trưởng tổng kết, đánh giá và đưa ra giải pháp để thúc đẩy thực thi Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương hiệu quả hơn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy hành động cấp bách giảm nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO