(TN&MT) - Phú Yên là một trong các địa phương tích cực, chủ động tham gia dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam" (Dự án) với nền móng thuận lợi từ dự án "Đô thị giảm nhựa" và nguồn hỗ trợ từ Cơ quan hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, cùng với Rạch Giá và Đà Nẵng, Phú Yên có nhiều thuận lợi để tiếp nối các hoạt động, bổ trợ và đẩy mạnh các kết quả trong khuôn khổ Dự án và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong "cuộc chiến" chống rác thải nhựa đại dương.
Triển khai chuỗi hành động bảo vệ môi trường biển
Với nguồn lực từ cả 2 dự án, tháng 12/2020, Phú Yên là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này đóng vai trò là văn bản hành chính nhà nước quan trọng đặt ra các mục tiêu cụ thể về vấn đề quản lý rác thải sinh hoạt nói chung và giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng.
Để góp phần gìn giữ khu vực biển có hệ sinh thái đa dạng với các rạn san hô đặc sắc, một chuỗi các hoạt động đã được thực hiện tại khu vực Hòn Yến, Phú Yên như: xoá 5 “suối rác” chảy dọc từ hộ gia đình xuống bờ biển đã tồn tại hơn mười năm qua với tổng khối lượng 300m3 rác, trồng cây xanh sau khi làm sạch; trao tặng 10 thùng rác 240L cho UBND xã An Hoà Hải; huy động sự tham gia của hơn 300 tình nguyện viên ra quân làm sạch 500m bờ biển Nhơn Hội; tổ chức lớp tập huấn truyền thông nâng cao nhận thức, vận động người dân tham gia hệ thống thu gom... Với sự theo sát của Dự án và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng nguồn lực bổ sung từ các dự án khác, đến nay người dân địa phương đã không còn vứt rác trực tiếp ra môi trường mà chủ động tham gia vào hệ thống thu gom rác được thiết lập và vận hành bởi tổ công tác bảo vệ môi trường Hòn Yến.
Xóa các "điểm đen" ô nhiễm
Năm 2022, thực hiện Dự án, địa phương tập trung cải thiện việc quản lý và vận hành hệ thống thu gom, đặc biệt là các điểm tập kết rác trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Theo đó, địa phương đề xuất Dự án hỗ trợ xây dựng và triển khai một số “điểm tập kết xanh”. Sau khi rà soát việc vận hành và quản lý các điểm trung chuyển/tập kết rác tạm thời trên địa bàn toàn tỉnh, Chi cục Bảo vệ môi trường đề xuất xây dựng 0 điểm bao gồm: 1 điểm tại xã An Mỹ, 1 điểm tại xã Xuân Cảnh và 1 điểm tại chợ Phường 7, thành phố Tuy Hòa.
Với điểm tại An Mỹ, đây vốn là 1 điểm trung chuyển rác tạm thời, tiếp nhận 2.000 kg mỗi ngày từ 800 hộ dân của xã trong các hẻm tại xã An Mỹ. Xe ép rác của huyện sẽ tới thu gom 3 lần mỗi tuần. Tuy nhiên, do không đủ thùng rác và không được xây dựng hợp vệ sinh, điểm trung chuyển giống như một bãi rác tạm và có phát sinh cả việc đốt rác lộ thiên. Sau khi thống nhất phương án hỗ trợ, địa phương đã dọn sạch rác khu vực này, phía Dự án hỗ trợ san nền và gia cố nền bê tông, xây dựng các tấm vách bằng tole trên khung sắt cố định, trang bị 12 xe rác 660l và các chế phẩm để khử mùi hôi. Bên cạnh đó, Dự án đã trồng 5 cây hoàng yến tạo cảnh quan và lắp đặt 2 hệ thống camera chạy bằng năng lượng mặt trời để tăng cường công tác giám sát việc xả thải không đúng nơi quy định. Để tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, Dự án hỗ trợ vẽ tranh tuyên truyền bảo vệ môi trường trên vách tole khu tập kết. Toàn bộ công trình đã được hoàn thiện trong năm 2022 và bàn giao cho chính quyền địa phương tiếp quản và vận hành, biến bãi rác thành điểm tập kết xanh, giảm ô nhiễm
Hiện Dự án đang tiếp tục phối hợp với địa phương thực hiện xóa các điểm nóng ô nhiễm, xây dựng các “điểm tập kết xanh” và cải thiện công tác quản lý môi trường tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên như: Thực hiện thí điểm phân loại rác và xử lý rác sau phân loại; vận động người dân tham gia mô hình thu gom rác phân loại lại khu dân cư, nhà hàng và chợ đầu mối; thu gom riêng và xử lý rác hữu cơ bằng phương pháp ủ có sục khí tại bãi rác Thọ Vức; trang bị các thùng rác để phục vụ công tác phân loại; vẽ tranh tuyên truyền và thực hiện các hoạt động bổ trợ khác như cho mượn túi đi chợ, giám sát - đánh giá... đây thực sự là một bước tiến mới của Phú Yên trong tiến trình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020.