Tài nguyên

Bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên: Hoạch định chiến lược đúng đắn

Mai Đan 13/06/2024 - 09:40

(TN&MT) - Sau hơn 5 năm thực hiện (từ năm 2018 - 6/2023), Liên đoàn Vật lý Địa chất (Cục Địa chất Việt Nam) đã hoàn thành Dự án “Xây dựng bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 giai đoạn II (2018 - 2022) cho các tỉnh biên giới và ven biển phía Bắc” và đạt được những kết quả cơ bản.

Mục tiêu của Dự án là thành lập bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 giai đoạn II (2018 - 2022) cho 15 tỉnh biên giới và ven biển phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Trong đó, chú trọng các khu đô thị, dân cư lớn nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và định hướng cho việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên là tài liệu đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, là cơ sở để quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ nền kinh tế quốc dân tỉnh. Bộ bản đồ này cũng là cơ sở dữ liệu để so sánh giá trị môi trường phóng xạ khi có tác động, sự cố về môi trường phóng xạ xảy ra.

Về kết quả thực hiện, dựa trên kết quả xử lý, phân tích các tài liệu đo vẽ ngoài thực địa, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã tính toán xác định được các giá trị liều tương đương bức xạ cho các vị trí khảo sát, trên cơ sở đó, thành lập được bản đồ liều tương đương bức xạ tự nhiên cho từng tỉnh.

Kết quả bộ bản đồ môi trường phóng xạ 15 tỉnh biên giới và ven biển phía Bắc và kết quả quan trắc môi trường cho thấy, tính đến năm 2023 hiện trạng môi trường phóng xạ các tỉnh là tương đối sạch, an toàn. Tuy nhiên tại các điểm mỏ phóng xạ, có chứa chất phóng xạ thì môi trường phóng xạ không an toàn, như Sìn Hồ, Nậm Xe (tỉnh Lai Châu), Mường Hum (tỉnh Lào Cai), Tĩnh Túc (tỉnh Cao Bằng)… Các điểm này đã được điều tra chi tiết về môi trường phóng xạ và đã có thông báo cho địa phương. Bộ bản đồ này cũng là cơ sở dữ liệu để so sánh giá trị môi trường phóng xạ khi có tác động, sự cố về môi trường phóng xạ xảy ra.

Liên đoàn cũng đã thành lập được bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 cho từng tỉnh, bao gồm 8 tờ bản đồ như quy định của dự án. Đồng thời, tính toán các giá trị đặc trưng trường cho toàn tỉnh và các vùng trường khác nhau của tỉnh đã được phân chia, cho các thành tạo địa chất có mặt trên diện tích mỗi tỉnh (thành tạo trầm tích, trầm tích biến chất, phun trào, magma).

Kết quả quan trắc môi trường phóng xạ đã cho phép xác lập, kiểm soát hiện trạng các thành phần môi trường phóng xạ tại 10 tỉnh (10 vị trí trọng điểm) biên giới và ven biển phía Bắc. Tại mỗi lượt trạm quan trắc, đơn vị đã tiến hành thu thập các dạng tài liệu quan trắc môi trường phóng xạ trong không khí, đất, nước và thực vật. Đơn vị đã xác định giá trị trung bình và sự biến đổi của các thông số môi trường phóng xạ trên 10 trạm quan trắc, đồng thời đưa ra cảnh báo về môi trường ở một số trạm quan trắc có các thành phần môi trường phóng xạ vượt giới hạn, tiêu chuẩn cho phép về môi trường.

Đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã thành lập được cơ sở dữ liệu chung cho dự án, trên cơ sở đó, các tài liệu của từng tỉnh đã được đưa vào cơ sở dữ liệu chung. Mỗi tỉnh được giao một mã số riêng và có thể sử dụng tài liệu của tỉnh trong cơ sở dữ liệu chung bất cứ lúc nào thấy cần thiết.

11a.jpg
Liên đoàn Vật lý Địa chất kiểm tra công tác thi công thực địa dự án “Xây dựng bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 giai đoạn II (2018 - 2022) cho các tỉnh biên giới và ven biển phía Bắc”

Dự án cũng đã đạt được những kết quả khác như: điều tra, đánh giá môi trường phóng xạ cho 15 tỉnh với diện tích 104.210km2, hơn 119 triệu người được xác định an toàn phóng xạ; chuẩn bị công tác bàn giao tài liệu cho từng tỉnh bao gồm: bộ bản đồ môi trường phóng xạ tỷ lệ 1:250.000 (8 bản vẽ) và thuyết minh báo cáo kèm theo; bản hướng dẫn sử dụng cơ sở dữ liệu và mã số sử dụng sơ sở dữ liệu cho từng tỉnh.

Đáng chú ý, kết quả thu được là tài liệu điều tra về môi trường phóng xạ, giúp cho các nhà quản lý, bảo vệ môi trường có cái nhìn tổng quát về môi trường phóng xạ. Từ đó hoạch định được đường lối chiến lược đúng đắn trong bảo vệ môi trường, duy trì sự ổn định những vùng có mức ô nhiễm thấp, có biện pháp hạn chế và giảm thiểu mức ô nhiễm ở những vùng có nguy cơ cao.

Từ những kết quả đạt được, Liên đoàn Vật lý Địa chất đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác thi công Dự án. Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ nhiệm Dự án thuộc Liên đoàn Vật lý Địa chất, trong suốt quá trình triển khai Dự án, nhóm tác giả đã nhận được sự chỉ đạo sát sao và định hướng kịp thời trong công tác thi công của các cấp lãnh đạo và các phòng chức năng của Liên đoàn Vật lý Địa chất, Cục Địa chất Việt Nam; quá trình thi công luôn có sự điều chỉnh kịp thời.

Ông Tuấn cho rằng cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong quá trình thi công để có sự điều chỉnh kịp thời theo diễn biến phát sinh ngoài thực địa.

Ngoài ra, cần bố trí một cách hợp lý về nhân lực và máy móc thiết bị sao cho tại một vị trí điều tra, đo đạc, các phương pháp đo vẽ được tiến hành một cách đồng bộ, kịp thời và cần triển khai theo phương pháp cuốn chiếu để tránh tình trạng chờ đợi hoặc phải di chuyển đi lại nhiều lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên: Hoạch định chiến lược đúng đắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO